Văn nghệ thế giới
Thất vọng với "Đông Tà Tây Độc" phiên bản mới
09:54 | 13/04/2009
 - Cố chịu đựng những triết lý lắt léo và mớ hình ảnh, cảm xúc lộn xộn của phim, gần nửa số khán giả bỏ về khi phim chưa chiếu được một nửa.
Thất vọng với
Đông Tà Tây Độc phiên bản mới

Phim vắng khách vẫn "tái bản"

Bộ phim Đông Tà Tây Độc là một bộ phim kiếm hiệp hiếm hoi trong sự nghiệp điện ảnh của đạo diễn Vương Gia Vệ. Phim được thực hiện vào năm 1994, ngốn khoản 5 triệu USD và là con số khổng lồ lúc bấy giờ. Bộ phim ra đời trong thời điểm đỉnh cao của phim kiếm hiệp Hongkong, quy tụ dàn sao sáng chói lúc bấy giờ như Trương Quốc Vinh (đã mất), Trương Học Hữu, Lương Triều Vỹ, Lưu Gia Linh, Trương Mạn Ngọc, Lương Gia Huy, Lâm Thanh Hà, Dương Thái Ni...

Một số tờ báo thời bấy giờ đã tung hô Đông Tà Tây Độc là "Tạo nên bước ngoặt mới cho thể loại kiếm hiệp Hongkong". Phim được một loạt đề cử trong các liên hoan phim (LHP) và giành được 3 giải thưởng ở Hong Kong Film Awards 1994, LHP Kim Mã của Đài Loan và giải Sư tử Vàng LHP Venice…

Mặc dù được giới chuyên môn đánh giá cao và xếp loại phim kinh điển về võ thuật của điện ảnh Hoa ngữ nhưng công chúng đón nhận rất hờ hững. Thế nhưng, sau gần 15 năm có mặt, Đông Tà Tây Độc đã được dựng lại cũng với bàn tay của đạo diễn Vương Gia Vệ. Công ty sản xuất ban đầu là Project House đã bỏ thêm 10 triệu đôla để đạo diễn kỳ công trong 3 năm trau chuốt, chỉnh sửa và đổi lại một số tính cách nhân vật.

Đông Tà Tây Độc phiên bản mới đã dự LHP Cannes lần thứ 61 (2008) và gây nên làn sóng đón chờ. Những người sản xuất còn có ý định tấn công thị trường Bắc Mỹ và chinh phục khán giả toàn thế giới. Bởi vì, khán giả châu Âu và châu Mỹ đều hồi hộp muốn biết một bộ phim chắc là phải rất hay mới bỏ ra nhiều kinh phí như thế để tái bản.

Và cuối cùng Đông Tà Tây Độc phiên bản 2008 đã đến VN nhưng không khí đón chào chẳng có gì rầm rộ, nếu không muốn nói là thất vọng. Những suất chiếu khuyến mãi mua 1 tặng 1 vào thứ ba hàng tuần của rạp Galaxy Nguyễn Du thường rất đông khán giá đến xem. Thế mà vào suất trưa ngày 7/4/2009, rạp khá vắng. Sau 40 phút chiếu lác đác đã có người bỏ về và đến phút thứ 60 thì gần nửa số khán giả kiên quyết rời phòng chiếu. Những người còn nán lại kiên nhẫn chờ đợi một cái gì đó bất ngờ hơn ngoài sự lê thê của câu chuyện.

Tình yêu mê quái trong Đông Tà Tây Độc
 
Với tâm trạng hồi hộp chờ xem một bộ phim kiếm hiệp đấm đá đã gây nên làn sóng đón chờ ở LHP CANNES lần thứ 61 vừa qua, khán giả sẽ thất vọng về sự dàn trải và mạch kể chuyện lê thê của phiên bản mới. Hình ảnh phim dĩ nhiên không thể hiện sự sắc nét như phim mới mà mờ nhạt, xám xịt. Nhân vật nhếch nhác, rách nát, nghèo nàn chẳng hợp với dòng phim kiếm hiệp kiểu mới của Trung Quốc gần đây. Còn những pha đấm đá thì hoàn toàn không làm no mắt khán giả. Những màn đấu võ được làm nhoè đi và đa phần là cận cảnh áo quần bay phần phật và những tiếng động đao kiếm.

Đông Tà Tây Độc như cách lý giải của đạo diễn, là một bộ phim phóng tác theo tiểu thuyết kiếm hiệp và các nhân vật của Kim Dung. Vì vậy nên người xem sẽ gặp một kiểu phóng tác mới là sáng tạo ra nhân vật trước khi họ trở thành nhân vật của Kim Dung. Vương Gia Vệ đúng là "kỳ phùng địch thủ" với tác giả Kim Dung về khoản sáng tạo này.

Trong một buổi phỏng vấn gần đây, đạo diễn Vương Gia Vệ nói về những điều bí mật của phiên bản phim Đông Tà Tây Độc năm xưa: “Ban đầu, vai diễn Tây Độc là của Lương Triều Vỹ, Đông Tà là Trương Quốc Vinh, Lâm Thanh Hà là Độc Cô Cầu Bại. Nhưng sau đó, tôi cảm thấy Trương Quốc Vinh không hợp với vai diễn Đông Tà nên đã cho anh vào vai Tây Độc, Lương Triều Vỹ thì trở thành võ sĩ mù. Còn vai Đông Tà do Lương Gia Huy đảm nhận. Vai diễn của Lâm Thanh Hà thì ngay từ đầu đã không thay đổi, chỉ khác một điều là tôi biến Độc Cô Cầu Bại trở thành một người tâm thần phân liệt với hai nhân cách: Mộ Dung Yến và Mộ Dung Yên".

Âu Dương Phong (Trương Quốc Vinh) sau khi rời khỏi núi Bạch Đà, đã dừng chân tại một sa mạc, dựng quán và trở thành một người trung gian chuyên đi tìm sát thủ cho những ai có nhu cầu. Những khách hàng lần lượt đến tửu quán của Âu Dương Phong có Hoàng Dược Sư, Mộ Dung Yên, cô gái mang giỏ trứng...

Tất cả đều có những cuộc tình, những bi kịch cuộc sống khác nhau. Vấn đề ở chỗ, đạo diễn đã diễn giải những mối tình này một cách nặng nề, vượt lên một kiểu phim võ hiệp kỳ tình. Mộ Dung Yên lúc là chàng trai muốn thuê người giết Hoàng Dược Sư vì bội bạc em gái, lúc là Mộ Dung Yến si tình Hoàng Dược Sư và muốn giết chính hình bóng hoang tưởng của mình. Đây là vai diễn có nhiều đất nhất, cũng dễ cảm thông nhất và tương đối dễ hiểu nhất trong phim.

Mối tình của Âu Dương Phong với cô gái sắc nước hương trời ở quê nhà cũng dang dở vì không chịu nói ra lời. Số phận đẩy đưa cô gái ấy (Trương Mạn Ngọc) trở thành chị dâu đã đẩy khoảng cách hai người xa hơn và rồi cô gái ấy cũng chết vì tình. Tiếc cho Trương Mạn Ngọc, một trong những bóng hồng tuyệt sắc của bộ phim nhưng chẳng đủ chỗ để lý giải nổi tình yêu của mình.

Những mối tình trong phim, sẽ rất hay nếu đẩy đến tận cùng nhưng vì tham quá, muốn có đủ tên các nhân vật, lại không đủ thời gian nên ngay cả việc diễn giải xuất xứ tình yêu, lý giải tình yêu cũng chẳng rõ ràng. Những mối tình được dàn dựng theo phong cách chắp vá rời rạc nên khó hiểu và chẳng thể bay bổng nổi với tiết tấu chậm chạp kiểu hồi ức.

Như vợ (Lưu Gia Linh) kiếm khách mù (Lương Triều Vỹ) từ đầu phim cho xuất hiện bằng những cử chỉ ve vuốt, ôm ngựa khóc mà chưa biết là ai. Cứ xoẹt đi xoẹt lại đến cuối phim mới biết mối liên hệ thế nào với hiệp sĩ mù. Cứ như thách đố sự nhẫn nại của khán giả.

Kết thúc gượng ép

Những nhân vật của Vương Gia Vệ sáng tạo trước khi trở thành nhân vật trong tiểu thuyết Anh hùng xạ điêu của Kim Dung. Đây là một trong những cách sáng tạo rất thường gặp ở điện ảnh Trung Quốc và Hongkong với những bộ phim nổi tiếng. Ví dụ như bộ phim Bao Thanh Thiên thì có phim ăn theo Thời niên thiếu của Bao Thanh Thiên. Tuy nhiên, thời niên thiếu của các nhân vật trong Đông Tà Tây Độc chẳng có vẻ gì hứa hẹn họ sẽ trở thành những kiếm khách lừng lẫy, khuynh đảo giang hồ sau này.
 
Hình ảnh Hồng Thất Công với triết lý "Là hiệp sĩ không thể có vợ bên cạnh" là một điểm nhấn về tính giang hồ lãng tử nhưng lại chẳng để lại cấu tứ gì với cách gượng ép của đạo diễn khi diễn giải việc sau này ông là bang chủ Cái bang. Đây cũng là một trong những "lỗ thủng" đáng trách nhất của Đông Tà Tây Độc phiên bản mới: Dựng lên cuộc đời của các nhân vật trong tiểu thuyết Anh hùng xạ điêu trước khi trở thành nhân vật của Kim Dung và sa lầy vào một lý lịch chẳng mấy thuyết phục với những mối tình được diễn tả vụng về.

Âu Dương Phong là kẻ trung gian cho thuê sát thủ nhưng phong cách rất nhân từ và lãng mạn, thật khác với một Âu Dương Phong độc ác trong Anh hùng xạ điêu sau này.

Đông Tà Tây Độc phiên bản mới có lẽ  sẽ khó mà chinh phục  được khán giả như những người làm phim kỳ vọng, cho dù nó đã được phục dựng một cách kỳ công.

                                                                                                          Theo VietNamNet

Các bài mới
Các bài đã đăng