Văn nghệ thế giới
Ê kíp Trương Nghệ Mưu lại làm nên chuyện ở đảo Hải Nam
15:50 | 14/04/2009
“Ấn tượng - kiềng ba chân” là cụm từ mà báo chí Trung Quốc dùng để nói đến ba đạo diễn nổi tiếng Trương Nghệ Mưu – Vương Triều Ca – Phiền Dược. Ba vị đạo diễn này đã cùng hợp tác với nhau trong một loạt các sự kiện văn hóa lớn nhất Trung Quốc thời gian vừa qua.
Ê kíp Trương Nghệ Mưu lại làm nên chuyện ở đảo Hải Nam
Đạo diễn Trương Nghệ Mưu hân hoan với kỷ niệm chương của Đảo Hải Nam

Sau Ấn tượng chị Ba Lưu, Ấn tượng Lệ Giang, Ấn tượng Tây hồ thì ngày 11/4 vừa qua, Ấn tượng đảo Hải Nam tác phẩm thứ tư dưới bàn tay của ba vị đạo diễn Trương Nghệ Mưu, Vương Triều  Ca và Phiền Dược đã được chính thức trình diễn trước công chúng. Ngay sau thành công của buổi biểu diễn, ba vị đạo diễn này đã trò chuyện cùng báo giới.

* Trong quá trình sáng tạo chương trình Ấn tượng - Đảo Hải , ông hài lòng nhất cũng như cảm thấy khó nhất ở điểm nào?

- Trương Nghệ Mưu: Điểm quan trọng, cốt yếu nhất trong quá trình sáng tạo tác phẩm nghệ thuật là phương hướng. Điều mà  Ấn tượng Đảo Hải muốn mang đến cho mọi người đó là nhẹ nhàng, là giải trí, là vui vẻ, là giải phóng bản thân, bao gồm cả niềm vui hòa trộn với tự nhiên, trời đất. Tôi rất hài lòng về điểm này. Ngoài ra chúng tôi cũng muốn thông qua Ấn tượng – Đảo Hải Nam mang đến cảm giác gần gũi giữa con người với tự nhiên, để mọi người khi đến Hải Nam cảm nhận được không khí nhẹ nhàng thoải mái của nắng vàng biển xanh mà quên đi cái mệt mỏi, nặng nề của cuộc sống chốn đô thị.

* Theo ông độ khó của Ấn tượng – Đảo Hải so với Thế vận hội Bắc Kinh thì thế nào?

 - Trương Nghệ Mưu: Tôi nghĩ trong đời mình, điều thách thức khó khăn nhất chính là Thế vận hội vừa qua. Tuy nhiên, chương trình lần này cũng có không ít khó khăn. Ví dụ như Triều Ca và Phiền Dược phải nắm bắt rất nhiều vấn đề về kỹ thuật, một sân khấu cạn và nước đã được thiết kế vô cùng hoàn hảo.


Lãnh đạo Đảo Hải Nam tặng hoa cho ba vị đạo diễn

* Trong quá trình làm việc, các vị đạo diễn phân công công việc như thế nào?

- Trương Nghệ Mưu: Trong Thế vận hội Bắc Kinh, hai người họ (chỉ Vương Triều Ca và Phiền Dược) lập thành một tổ theo dõi toàn bộ quá trình từ việc nhỏ đến việc lớn. Chúng tôi cùng nhau thảo luận, lên ý tưởng và kế sách tổng thể. Chúng tôi chủ yếu lên ý tưởng còn sau đó giao cho từng nhóm nhỏ khác phụ trách việc thực hiện ý tưởng đó.

- Vương Triều Ca: Đội 3 người chúng tôi không có sự phân công, ý tưởng sáng tạo không nhất định  là phải từ một người nào cả. Những ý kiến của mọi người nếu như không đồng nhất thì sẽ thảo luận, trong quá trình thảo luận và tranh luận khá gắt gao đó chúng tôi thường nảy sinh những linh cảm tốt, đây là quá trình nâng cao năng lực tư duy. Khi chúng tôi có bắt đầu đồng quan điểm rồi thì thể nào cũng có những ý tưởng sáng tạo mới mẻ.

* Như chúng ta đều biết, việc tạo hiệu quả tại một sân khấu nước là vô cùng khó khăn. Vậy Ấn tượng – Đảo Hải đã làm thế nào để tạo được hiệu quả như kỳ vọng?

- Phiền Dược: Địa điểm khó biểu diễn nhất là ở biển, chúng tôi biểu diễn vào buổi tối, thế nên để thể hiện được hiệu quả của biển lớn vào ban đêm là rất khó. Chúng tôi muốn tạo cho khán giả một không gian để họ được sống trong giấc mơ biển lớn, sống trong câu chuyện đồng thoại về biển rộng, đó là ý tưởng nhưng thực hiện điều này quả không đơn giản. Chúng tôi sử dụng kết hợp giữa các yếu tố hình tượng nghệ thuật, biểu diễn nghệ thuật và kỹ thuật ba tầng không gian đứng để tạo hiệu quả như trong mơ. Rất nhiều người khi xem đều tỏ ra kinh ngạc không hiểu vì sao một biển nước chuyển động chỉ trong nháy mắt lại biến mất hoàn toàn. Bí mật nằm ở trong thiết kế sân khấu của chúng tôi. Đây cũng là lần thử nghiệm với hiệu quả sân khấu của chúng tôi.
* Quá trình nào trong Ấn tượng – Đảo Hải là cực khổ nhất?

- Vương Triều Ca: Quá trình nào cũng đều vất vả. Chúng tôi cùng các diễn viên mỗi ngày đều phải làm việc mười mấy tiếng đồng hồ, có những lúc một ngày chỉ ngủ 3 – 4 tiếng đồng hồ. Mặc dù đảo Hải nằm ở khu vực cận nhiệt đới nhưng nơi đây có cả 4 mùa. Không gian tập luyện của chúng tôi lại ở ngoài trời, vậy nên thời tiết nóng, lạnh, gió rét thế nào chúng tôi đều hứng chịu cả. Thêm nữa là áp lực tâm lý, các diễn viên trong chương trình đều còn trẻ tuổi nên chưa có kinh nghiệm chịu đựng gian khổ, đối mặt với khó khăn là họ dễ dàng rơi nước mắt. Đến giờ chương trình hoàn thành, chúng tôi có thể khóc được rồi, nước mắt này không phải là ủy mị, không phải là vì vất vả khổ sở mà vì có được cảm giác “cuối cùng chúng tôi đã thành công”. Tôi tin chúng tôi đã tận lực và khán giả sẽ yêu thích chương trình này.
 
                                                                                                      Theo TT&VH Online

Các bài mới
Các bài đã đăng