Văn nghệ thế giới
Susan Boyle và sự khát thèm mộc mạc
09:06 | 21/04/2009
Một tuần sau khi cái tên Susan Boyle trở thành từ khóa tìm kiếm nhiều nhất trên Google và YouTube, cộng đồng mạng thế giới lại tiếp tục "phát sốt" vì cô.
Susan Boyle và sự khát thèm mộc mạc
Susan Boyle nói - Ảnh: Lorenzo Dalberto/Deadline

Lần này là một bản tình ca, kết hợp jazz và blues mà cô đã hát cách đây 10 năm, trong một album từ thiện của nhà thờ nhân sự kiện đón mừng thiên niên kỷ.

Cry me a river đã gắn liền với những tên tuổi khổng lồ của âm nhạc thế giới như Ella Jane Fitzgerald (1917-1996) - một trong những giọng ca thể loại jazz có ảnh hưởng nhất trong thế kỷ 20, hay Diana Jean Krall - ca sĩ nhạc jazz đã đoạt giải Grammy danh giá. Nhưng một lần nữa, Susan Boyle - người phụ nữ từ một làng quê nhỏ bé của Scotland - lại làm người nghe sởn da gà khi hát lại bản tình ca của những nỗi niềm cô đơn này. Tờ New York Post viết rằng Boyle rõ ràng không phải là người chỉ có một ngón nghề. Ðó cũng là lần thu băng duy nhất của cô từ trước tới nay và chỉ có 1.000 đĩa được phát hành.

Susan đã trở thành... tin tức

Hơi lạc quan và hơi sớm khi so sánh người phụ nữ này với Elaine Paige - huyền thoại âm nhạc của nước Anh và là thần tượng của cô. Nhưng báo chí thế giới vẫn tiếp tục viết về cô như một phát hiện mới. Cô xuất hiện trên chương trình Oprah và Larry King. Truyền thông từ khắp nơi không bỏ lỡ cơ hội biến cô thành tin tức. Nhưng thật ra năm 1995 Susan Boyle đã đến khu mua sắm Braehead ở Glasgow () để thi My kind of people, cũng là một chương trình tìm kiếm tài năng Anh, nhưng do sợ hãi nên không hát được. Cô giải thích lý do cô tự tin và giành được sự ủng hộ của mọi người trong vòng một của ’s got talent (Nước Anh có tài năng) là vì "Ðã đến lúc. Ðã sẵn sàng". Cô cũng tiết lộ có theo học thanh nhạc của giảng viên địa phương Fred O’Neil.

Tính đến chiều 20-4, số lượt xem clip Susan Boyle hát bài I dreamed a dream tại cuộc thi ’s got talent trên YouTube là hơn 33 triệu
lượt và gần 200.000 nhận xét. Chỉ trong một đêm, cô có thêm 20 triệu lượt - một con số "kinh hoàng" tính về thời gian. Theo Visible Measures - website theo dõi các video từ YouTube, MySpace và các loại trang chia sẻ video khác - tất cả những
video của Boyle, kể cả các clip phỏng vấn trên truyền hình, hay bài hát Cry me a river đã có tổng cộng 85,2 triệu lượt xem. Trong khi đó, clip diễn viên Tina Fey đóng giả ứng cử viên phó tổng thống Mỹ Sarah Palin chỉ có 34,2 triệu lượt và clip diễn văn chiến thắng của Tổng thống Mỹ Barack Obama đến nay chỉ có 18,5 triệu lượt.

Người mang giấc mơ của những người thua thiệt

Diễn viên người Anh Amanda Holden ngay lập tức nói sẽ không để Simon Cowell - nhà sản xuất truyền hình, giám khảo của Britian’s got talent - biến cô thành một ngôi sao Hollywood . "Mọi người yêu Susan Boyle vì chính con người cô hiện nay. Nếu sửa sang sẽ làm cô mất đi vẻ đẹp riêng của mình. Tôi sẽ không để Simon Cowell đưa Susan đến nha sĩ làm lại răng hay qua tiệm làm tóc sửa lại tóc. Cô phải là cô như vậy. Cô có thể là bất kỳ ai trên
đường mà ta bắt gặp".

Amanda đang nói đến việc "bảo tồn một nét đẹp mang tính nguồn cội của con người"? "Ðó là không màu mè, không sơn phết, không sửa sang, không lên truyền hình vào mỗi buổi sáng tham gia mấy chương trình talk show (trò chuyện) nhảm nhí". Con người có lẽ đang thèm khát sự mộc mạc, lịch sự và thân thiện.

Sau một tuần, người ta bắt đầu nhìn nhận lại vì sao cô nổi tiếng như vậy. Không phủ nhận các mạng xã hội như Facebook, Twitter, YouTube là nhân tố khiến cô nhanh chóng nổi tiếng. Nhưng với Susan Boyle, người ta dễ yêu cô - ngoài tài năng không thể phủ nhận của cô - còn là vì cô đang mang giấc mơ của những người khác. Hình như ai trong chúng ta cũng có chút không hài lòng về mình. Ai cũng cho rằng mình xấu, bất tài, thậm chí vô dụng. Vì vậy, ta tỏ ra bối rối trước những thách thức của cuộc sống, thu mình lại, đôi khi "che giấu tài năng". Và nhìn thấy Susan Boyle đã làm được điều không tưởng, phải chăng đó là nguồn cảm hứng vô tận? Giấc mơ của Susan Boyle là giấc mơ của những người bị thua thiệt, bị áp bức: được người khác công nhận khả năng của mình.

Theo AP, Susan Boyle có thể trở thành triệu phú trong vòng hai năm tới. Trước cô, Paul Potts - bán điện thoại, cũng “hai cằm” và không được đẹp như Tom Cruise - hai năm trước đã giành giải cao nhất của cuộc thi Britain’s got talent với tài năng opera của mình. Từ khi đó, anh quảng cáo cho nhãn hàng T-Mobile của Deutsche Telekom, ra album đầu tay One chance bán hơn 3 triệu bản. Anh vừa ra mắt album thứ hai mang tên Passione. Trong hai năm qua, Potts cũng đã có tới 47 triệu lượt xem clip của mình trên YouTube.

Nghe Susan Boyle hát Cry me a river tại http://www.dailyrecord.co.uk/news/scottish-news/2009/04/16/exclusive-susan-boyle-s-first-ever-song-release-revealed-listen-to-it-here-86908-21283564/.
                                                                                                                        Theo TTO

Các bài mới
Các bài đã đăng