Ngày 8/5, tại Viện Bảo tàng Đức-Nga ở vùng Karlshorst, thủ đô Berlin của Đức, đã diễn ra một triển lãm đặc biệt nhân dịp kỷ niệm 70 năm kết thúc cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Cũng trong ngày này, đông đảo người dân đã tới Viện bảo tàng đặt hoa tưởng nhớ những người đã hy sinh trong cuộc chiến chống Phátxít.
Triển lãm giới thiệu các tư liệu, văn bản quý về cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai cũng như các văn kiện đầu hàng vô điều kiện được đại diện của Đức Quốc xã ký kết với sự chứng kiến của Nga và các nước đồng minh.
Triển lãm còn trưng bày các khẩu súng, pháo, đạn pháo, những chiếc mũ sắt, mũ bông, áo khoác và bình đựng nước cùng vô số kỷ vật sưu tập được trong chiến tranh. Được thiết kế và sắp xếp công phu, triển lãm sẽ giúp người xem hiểu rõ hơn về sự thảm khốc trong cuộc chiến cũng như những mất mát, đau thương mà người dân và lực lượng đồng minh, đặc biệt là Hồng quân Liên Xô, phải chịu đựng để có ngày chiến thắng. Bên cạnh đó, triển lãm còn giới thiệu những đoạn hội thoại, phỏng vấn sưu tập được của những nhân chứng, các cựu chiến binh và thân nhân những người đã thiệt mạng trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai.
Từng là một ngôi trường quân sự còn nguyên vẹn sau chiến tranh, Viện Bảo tàng Đức-Nga đã được chọn làm địa điểm tiến hành Lễ ký chính thức văn kiện xác nhận đầu hàng vô điều kiện của lực lượng Đức Quốc xã ngày 8/5/1945 theo giờ Berlin và 9/5/1945 theo giờ Moskva. Sự kiện này chính thức đánh dấu kết thúc cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai ở châu Âu. Đúng 70 năm sau ngày Đức Quốc xã ký văn bản đầu đầu vô điều kiện quân đồng minh, rất nhiều người dân Đức và các nước khác đã về đây để cùng tưởng nhớ những người chiến sỹ Xô viết đã anh dũng hy sinh trong cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại.
Bà Heike Marquardt, một người dân ở Berlin xúc động cho biết, đối với cá nhân bà, ngày 8/5 thực sự là ngày giải phóng. Bà đánh giá cao vai trò của Liên Xô, nước đã có tới 20-30 triệu chiến sỹ ngã xuống trong cuộc chiến chống Phátxít, đồng thời lên án những người không tôn trọng, thậm chí muốn làm giảm vai trò lịch sử của Liên Xô trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai. Trong khi đó, theo ông Werner Plaschke lịch sử là điều không thể đảo ngược và điều này được chứng minh khi có rất nhiều người dân Đức cũng như các nước khác vẫn luôn quan tâm và tới tham dự các sự kiện trong ngày kết thúc chiến tranh. Nhiều người dân Đức được hỏi cũng tôn vinh những mất mất, hy sinh cao cả của lực lượng Hồng quân trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai, đặc biệt là trận đánh quyết định vào sào huyệt của Đức Quốc xã, sự kiện mang tính bước ngoặt dẫn tới kết thúc cuộc chiến đẫm máu này.
Trong những ngày qua, cũng có rất nhiều người dân tới đặt hoa tại Đài Tưởng niệm Xôviết ở trung tâm Berlin để tri ân những chiến sỹ Hồng quân đã hy sinh trong cuộc chiến chống Phátxít. Chỉ trong hơn 10 ngày giao tranh ác liệt (từ 22/4-2/5/1945) đã có hàng chục nghìn người thiệt mạng ở Berlin, trong đó riêng lực lượng Hồng quân Liên Xô đã có 22.000 chiến sỹ hy sinh.