Văn nghệ thế giới
Người đàn bà bị Lỗ Tấn ruồng bỏ
10:00 | 28/04/2009
Bà tên là Chu An, nếu không quan hệ gì tới Lỗ Tấn, có lẽ đã không có ai nhắc đến bà, và biết đâu bà đã có một cuộc đời khác, hạnh phúc, bình lặng và  được chung sống với một người đàn ông nào đó thương yêu mình. Nhưng bà đã lấy cả cuộc đời thất bại của mình, góp phần làm nên một nhà văn phi phàm.
Người đàn bà bị Lỗ Tấn ruồng bỏ
Từ phải qua trái, hàng dưới: Lỗ Tấn, Hứa Quảng Bình (Thượng Hải, 1929).

Số phận đã để cho bà lựa chọn Lỗ Tấn, cái ông nhà văn có vị trí quan trọng trong văn học Trung Quốc. Bởi vậy, cuộc đời bà cũng đã theo đó mà trở nên không bình thường.
 
Năm ấy, đang du học ở Nhật Bản thì Lỗ Tấn nhận được lệnh của mẹ là phải về ngay lấy vợ. Đối với việc hôn nhân này, Lỗ Tấn vốn không mấy bằng lòng, nhưng ông cũng không hoàn toàn từ chối bởi đây là món quà tặng mang nỗi niềm của mẹ; hơn nữa, đối với người đàn bà chưa từng tường mặt này, ít nhiều ông cũng còn mang chút kỳ vọng.

Nghĩa là nếu cô ta đáp ứng được sự kỳ vọng ấy trong lòng ông, dù ở mức tối thiểu nhất, thì có thể ông đã ưng thuận theo tình lý rồi. Thế nhưng, cái đêm tân hôn động phòng ấy, khi lật tấm lụa đỏ che mặt cô dâu, ông đã buông ngay sợi kỳ vọng cuối cùng trong lòng. Đứng trước người đàn bà mắt sâu, mặt dài, trán rộng này ông đã không đủ dũng khí để nhìn thêm một lần, và ông quay người rời khỏi tân phòng.

Bốn đêm liền sau đó, ông ngủ riêng ở phòng khác, để lại một mình người đàn bà hoảng hốt giữa buồng tân hôn, không biết mình đã mắc phải lỗi gì.

Bà không có lỗi  nào, chỉ là bà không đẹp, lại bó chân nhỏ theo lễ giáo phong kiến và không có văn hóa, thế là dù có hiếu thảo đức hạnh gì nữa thì bà cũng không có tư cách làm người đàn bà của đời ông. Đến ngày thứ 5, ông đã ra đi với lý do còn bận học hành, bỏ lại bà ở nhà.

Khi ấy bà từng tính thầm, cứ hết lòng chăm sóc ông, thuận theo ông, rồi sau này thể nào cũng sẽ ổn thôi. Bởi nghĩ vậy trong lòng, nên bà đã có được động lực chờ đợi dài lâu. Những ngày ông vắng nhà, bà luôn tận tâm chăm nom mẹ chồng, nhà cửa, tần tảo lo lắng công việc nội trợ và cứ vậy ngày ngày mòn mỏi đợi chờ.


Chu An, người vợ đầu
có hôn thú của Lỗ Tấn.


Những năm tháng ấy, Lỗ Tấn cũng đầy đau khổ. Ông không yêu Chu An, nhưng lại không thể li dị bà. Vào thời ấy, nếu ông bỏ Chu An, nền lễ giáo cũ sẽ dồn bà tới tuyệt đường. Thế là từ ngày Chu An bước vào cuộc đời ông, nỗi khổ này cũng đã bám rễ trong ông.

Cả cuộc đời, ông đã không nói với Chu An được mấy lời, càng không thể có phút giây thân mật, vậy mà vẫn không làm giảm nỗi đau trong tâm hồn ông. Mãi đến lúc ông gặp được cô nữ sinh Hứa Quảng Bình.

Không phải Chu An đã không có phản kháng. Khi bị mẹ chồng trách cứ là không biết sinh đẻ, bà nói trong oan ức: “Lão gia không sống gần con, thì đẻ cách gì?” Những lúc trò chuyện cùng các sinh viên, Lỗ Tấn không muốn bà xuất hiện. Để chứng tỏ thân phận của mình, bà chỉ còn cách bước ra bưng trà rót nước với tư cách sư mẫu.

Bà muốn để cho người ta biết mình là người có danh phận. Những lúc ấy, cô Hứa Quảng Bình cũng là một trong các nữ sinh có mặt,  sự xuất hiện của bà chỉ làm Lỗ Tấn thêm căm ghét, ông cảm thấy bị bẽ mặt trước đám sinh viên.

Chuyện ông và cô Hứa Quảng Bình đến với nhau dường như là điều tất nhiên. Mặc dù là học sinh của ông, nhỏ hơn ông đến 18 tuổi, nhưng lý tưởng và những đeo đuổi chung rất dễ để họ mến nhau và động lòng.

Lúc đầu họ còn chung sống với nhau trong bí mật, một người ở tầng 3 còn người kia thì sống ở tầng 2. Mãi đến lúc Hứa Quảng Bình có bầu, mối quan hệ của họ mới được công khai.

Năm ấy, Chu An đã chờ đợi Lỗ Tấn tới tuổi 50, cái đến với bà thì lại là tấm ảnh Lỗ Tấn làm đám cưới với Hứa Quảng Bình ở Thượng Hải. Đến lúc này Chu An đã tuyệt vọng hoàn toàn, bà nói: “Tôi giống như một con ốc sên, từ dưới chân tường cứ nhích từng tí một để bò lên, tuy chậm nhưng cũng sẽ có ngày leo được lên đỉnh tường. Nhưng giờ thì hết cách rồi, tôi không còn hơi sức để leo nữa, tôi có đối xử với ông ta tốt đến đâu nữa cũng vô dụng thôi.”

Chu An lúc này, dù có muôn vàn đau đớn oan ức, vẫn phải chấp nhận sự thật. Dù sao thì Lỗ Tấn đã có con với Hứa Quảng Bình, Chu An cho rằng đó là con của lão gia, cũng là con của bà, và bà thật lòng yêu thương đứa nhỏ.

Đối với Chu An, ngoài thái độ căm ghét giống như Lỗ Tấn, Hứa Quảng Bình còn không thể chịu nổi việc sở hữu chung người chồng với bà, có thể cô cảm thấy Chu An tuyệt nhiên không xứng làm vợ của Lỗ Tấn.

Cả một đời Chu An đều sống bên bà mẹ Lỗ Tấn, tận đến lúc bà cụ mất. Nếu Lỗ Tấn mà không gặp được Hứa Quảng Bình, có thể là ông sẽ còn đau khổ hơn Chu An, nhưng rốt cuộc thì ông đã có được hạnh phúc của mình, chỉ để  lại Chu An ở nguyên một chỗ, trở thành kẻ bất hạnh chung cuộc.

Có người nói, được cưới Lỗ Tấn là vận may của Chu An. Nếu không là vợ của Lỗ Tấn thì ai biết đến bà ta? Làm sao bà được xuất hiện trong sử sách về Lỗ Tấn? Nhưng nếu đem hạnh phúc một đời để đánh đổi lấy cái danh này, thì e rằng cái giá mà Chu An phải trả là quá lớn.

Một người đàn bà không có được đời sống hôn nhân bình thường, vất vả một đời, đau khổ một đời, đợi chờ một đời, những đắng cay xót xa ấy, có lẽ chỉ bản thân bà Chu An mới thấu hiểu? Bà đã lấy cả cuộc đời thất bại của mình, góp phần làm nên một nhà văn phi phàm. Cái nỗi đau thời kỳ đầu bà gây nên cho tâm hồn ông, đã biến thành những dòng chữ quý giá nhất dưới ngòi bút của ông.

                                                                                                               Theo VietNamNet

Các bài mới
Các bài đã đăng