Văn nghệ thế giới
Nghị lực và tình yêu cuộc sống của tác giả Nobel Gunter Grass
14:26 | 03/09/2015

Cuốn sách cuối đời của "người khổng lồ" văn chương Đức mang tên "Vonne Endlichkait" vừa phát hành ngày 28/8.

Nghị lực và tình yêu cuộc sống của tác giả Nobel Gunter Grass
Cuốn sách cuối đời của Gunter Grass vừa phát hành hôm 28/8, được lấp đầy bởi sự nhạy cảm và những điều mỉa mai, hài hước.

Bốn tháng sau khi Gunter Grass qua đời (13/4/2015), tác phẩm Vonne Endlichkait đã có mặt tại các hiệu sách của Đức ngày 28/8. Tựa sách là ngôn ngữ địa phương nơi nhà văn sinh ra, tạm dịch là "Sự hữu hạn". Trong tác phẩm, ông ít động chạm đến chính trị, cũng không tập trung vào các cuộc chiến và biến động xã hội như thường thể hiện trong sách hay trên truyền thông. Lần này, ông viết về sự suy sụp của cơ thể. Những trang thơ, văn xuôi được tạo ra từ trải nghiệm cuối đời của tác giả.

Cuốn sách được miêu tả như một tác phẩm nghệ thuật dù ngôn từ đơn giản, dễ dàng hiểu theo nghĩa đen. 176 trang của Vonne Endlichkait là các bài thơ kết hợp văn xuôi và 60 bức vẽ bút chì, thể hiện sự khắc nghiệt của tuổi già. Phần thơ Gunter Grass viết nhiều về quá trình lão hóa, thuốc men, bệnh tật, kèm sự suy nhược tinh thần.

Trong bài thơ "Selbstbild", tác giả kể cuộc sống của mình, điều mình trăn trở, cả việc ông thấy thật phiền phức với răng giả, nước mũi, nước dãi và chứng khó thở. Hàm răng xuất hiện trong sách của Gunter Grass giống như biểu tượng của sự suy tàn.

Tác giả mạnh dạn đối mặt với chứng rối loạn giấc ngủ và giảm ham muốn tình dục, mất đi vị giác, khứu giác và thốt ra những tiếng không rõ ràng. Nhưng cuối cùng, ông vẫn là chính mình, vẫn chỉ ra ngay cả khi cơ thể suy thoái, ông vươn lên tất cả, xua tan những khó khăn về thể chất để nắm lấy cuộc sống.

Trong truyện ngắn dung lượng dài nhất cuốn sách, Grass xây dựng một cao trào: Người kể chuyện và vợ của anh ta đến gặp một thợ mộc để đặt quan tài cho mình. Trong suốt cuộc gặp gỡ, họ không chỉ bàn về chiều dài, chiều rộng chiếc quan tài mà còn lựa chọn cả nghĩa trang nơi họ muốn chôn. Cũng ở tác phẩm này, tính chính trị trong con người Gunter Grass xuất hiện.

body-Gunter-2196-1440996936.jpg

Gunter Grass vượt mọi khó khăn tuổi già để nắm bắt cuộc sống.

Là một nghệ sĩ đích thực, dù cuộc sống dần tàn lụi trước mắt, Gunter Grass vẫn không ngừng khám phá. Ông vẽ lại các họa tiết mình yêu thích: chim, nấm, gỗ, rễ, lá, lông vũ, đá, ốc, hóa thạch... Mọi thứ dưới con mắt nhà văn trở nên phong phú và sinh động.

Nổi tiếng từ năm 1959 sau khi ra mắt tiểu thuyết Cái trống thiếcGunter Grass đã viết hơn 70 tác phẩm và dịch ra 40 ngôn ngữ. Nhà văn đoạt giải Nobel năm 1999 được xem là một trong những tác giả quan trọng nhất nước Đức. Ông qua đời ở tuổi 87. Cuốn sách cuối cùng của Gunter Grass sẽ có bản dịch tiếng Anh vào năm 2016.

Theo Đàm Khánh Toàn - vnexpress

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng