Văn nghệ thế giới
Van Gogh bị cắt tai bởi lưỡi kiếm của Gauguin?
14:25 | 06/05/2009
Vì sao Van Gogh bị cắt tai? Đó là một trong những bí ẩn lớn nhất của lịch sử nghệ thuật. Sau 10 năm nghiên cứu, hai nhà khoa học Đức cho rằng họ đã giải đáp được câu hỏi này: Không phải Van Gogh tự hành xác như cách giải thích vẫn được đưa ra cho tới nay, mà chính Paul Gauguin đã cắt tai của bạn mình bằng kiếm trong một cuộc cãi vã. Nhưng Van Gogh đã giữ kín chuyện này để Gauguin tránh bị truy tố với hy vọng níu kéo được tình bạn với một người mà ông rất ngưỡng mộ.
Van Gogh bị cắt tai bởi lưỡi kiếm của Gauguin?

Chuyện danh họa Hà Lan Vincent Van Gogh (1853 - 1890) bị cắt tai trái cho tới nay vẫn được Bảo tàng Van Gogh ở Amsterdam và nhiều cuốn sách kể lại như sau: Tối 23/12/1888, sau cuộc tranh cãi nảy lửa với người bạn là họa sĩ Pháp Gauguin (1848 -1903), trong một cơn cuồng trí, Van Gogh muốn tự hành xác và đã dùng dao cạo râu cắt chiếc tai trái của mình. Tiếp đó, ông gói chiếc tai này vào một tấm vải và mang tới nhà thổ để “tặng” cho một cô gái điếm có tên là Rachel.

Cách giải thích như trên quá đơn giản và đầy sự phi lý - đó là kết luận mà hai nhà nghiên cứu người Đức Hans Kaufmann và Rita Wildegans ở Đại học Hamburg đưa ra trong cuốn Chiếc tai của Van Gogh: Paul Gauguin và giao ước im lặng vừa được xuất bản của họ. Hai nhà khoa học này cho rằng thực tế diễn ra phức tạp hơn rất nhiều.

Sau 10 năm thu thập và xem xét kỹ lưỡng các báo cáo của cảnh sát, lời khai của người trong cuộc, gồm cả lời khai đầy mâu thuẫn mà Gauguin đưa ra, cũng như những bức thư trao đổi giữa hai họa sĩ, Kaufmann và Wildegans cho rằng chính Gauguin, một tay kiếm cừ khôi, đã cắt tai của Van Gogh. Theo họ, câu chuyện đã diễn ra như sau: Năm đó, theo lời mời của bạn mình, Gauguin đến sống ở “Ngôi nhà vàng”, xưởng vẽ của Van Gogh tại Arles, miền Nam nước Pháp, để cùng sáng tác. Trước lễ Giáng sinh, giữa họ xảy ra một cuộc cãi vã lớn. Sau khi bị Van Gogh ném một chiếc cốc vào người, Gauguin lập tức thu xếp hành lý và xách kiếm rời khỏi ngôi nhà. Van Gogh “lẽo đẽo” theo sau. Khi hai người tới gần nhà thổ ở cách đó khoảng 300m, Van Gogh không kiểm soát được bản thân mình và lại bắt đầu “lên cơn điên”.

“Van Gogh tấn công bạn mình, còn Gauguin có lẽ đã tìm cách tự bảo vệ bản thân trước một kẻ điên loạn. Ông rút kiếm ra, khua một nhát về phía Van Gogh để thị uy và qua đó đã chém đứt tai trái của bạn mình” - Kaufmann mường tượng. Rồi Gauguin ném “hung khí” xuống dòng sông Rhône, còn Van Gogh mang cái tai bị cắt chạy vào nhà thổ và sau đó lê bước về nhà, nơi mà ngày hôm sau cảnh sát đã tìm thấy ông.

Hôm sau, hai họa sĩ này đưa ra những lời khai khá mâu thuẫn nhau trước cảnh sát. Gauguin khai Van Gogh có vấn đề về tâm lý nên hay thích tự hành xác mình và kể rằng ông nhìn thấy bạn bước loạng choạng trên đường với chiếc dao cạo trong tay. Còn Van Gogh chỉ lẩm bẩm những câu không mạch lạc.


Bức chân dung tự họa của Van Gogh


Kể từ đấy hai người không hề gặp lại nhau. Gauguin trở lại Paris và sau đó định cư ở đảo Tahiti . Còn Van Gogh thì điều trị trong một trại tâm thần rồi chuyển tới sống ở làng Auvers-sur-Oise, gần Paris . Sau một thời gian bùng nổ sáng tạo mà ông vẽ được 70 bức tranh trong 70 ngày, Van Gogh dùng súng tự bắn mình vào ngày 27/7/1890 và qua đời hai ngày sau đó ở tuổi 37.

Nếu giả thuyết của Kaufmann và Wildegans là đúng thì người ta sẽ xóa bỏ được hình ảnh mà cho tới nay hậu thế vẫn hình dung về Van Gogh: Đó là một người có thần kinh yếu và hay cãi vã khi say xỉn.

Hai nhà nghiên cứu nói trên thừa nhận rằng họ thiếu “chứng cứ cuối cùng”, trong khi cuộc điều tra của cảnh sát về vụ cãi vã giữa hai họa sĩ khá sơ sài. Nhưng họ nói rằng tất cả những chứng cứ khác đều cho thấy Gauguin đã vô tình cắt đứt tai của Van Gogh và cách lý giải đó là hợp lý nhất. Cần biết là trong lá thư cuối cùng gửi cho Gauguin, Van Gogh có viết: “Anh im lặng thì tôi cũng sẽ như vậy”. Tại sao Van Gogh lại bao che cho Gauguin? “Ông hy vọng rằng làm như vậy thì sẽ khiến Gauguin trở lại sống chung nhà với mình. Van Gogh rất ngưỡng mộ Gauguin”, Kaufmann giải thích.

Theo hai nhà khoa học người Đức, nếu tai nạn đó không xảy ra thì Van Gogh có thể không bị sốc đến mức phải vào trại tâm thần và sẽ sống đến già như Claude Monet.

Trong những tuyên bố đầu tiên được đưa ra, các chuyên gia của Bảo tàng Van Gogh ở Amsterdam (Hà Lan) không đồng tình với giả thuyết nêu trên. Còn bà Nina Zimmer, một chuyên gia về Van Gogh tại Bảo tàng Nghệ thuật Basle (Đức), thì nói nước đôi: “Có thể họ đúng. Nhưng một khi có quá ít bằng chức xác thực thì giả thuyết nào cũng có vẻ hợp lý”.

                                                                                                           Theo TT&VH

Các bài mới
Các bài đã đăng
Chạm vào Angkor (05/05/2009)