Văn nghệ thế giới
Giải mã bí ẩn cái tai của danh họa Van Gogh
08:24 | 01/09/2016

Sự việc kinh hoàng danh họa Hà Lan Vincent Van Gogh cắt tai chính mình năm 1888 là một trong số những sự cố nổi tiếng và bí ẩn nhất lịch sử nghệ thuật. Đến nay, những bí ẩn đó đã có lời giải đáp thuyết phục.

Giải mã bí ẩn cái tai của danh họa Van Gogh
Bức chân dung tự họa của Van Gogh

Cắt toàn bộ tai

Các chuyên gia từ lâu đã đồn đoán về việc Van Gogh cắt bao nhiêu phần tai. Họ cũng tranh cãi về Rachel - cô gái mại dâm bí ẩn mà Van Gogh đã trao cho cái tai vừa cắt đứt kèm theo lời dặn dò "hãy giữ thứ này cẩn thận".

Vụ cái tai của Van Gogh nay có thêm nhiều chi tiết quan trọng, rọi ánh sáng mới vào câu chuyện thực sự đã diễn ra. Người ta đã tìm được một bức thư trong đó có các hình vẽ tai trái của Van Gogh trước và sau khi ông tự cắt tai mình. Người vẽ chính là bác sĩ Felix Rey, người đã điều trị vết thương cho danh họa trong bệnh viện.

Hình vẽ là mấy đường nét phác họa hình dạng tai của Van Gogh trên tờ giấy kê đơn thuốc. Hình thứ nhất vẽ cái tai còn nguyên vẹn. Hình thứ hai cho thấy cái tai chỉ còn lại một mẩu nhỏ phía dưới. Trước đây, người xem cứ phải đoán già đoán non xem ông còn bao nhiêu phần tai khi xem hai bức chân dung tự họa của danh họa, trong đó phía tai bị cắt đã được băng kín. Vậy là danh họa đã xẻo gần như toàn bộ tai, chứ không chỉ một mẩu như một số nhân chứng đương thời tuyên bố.

Ông Louis van Tilborgh, nhà nghiên cứu cấp cao kiêm giáo sư lịch sử nghệ thuật tại Đại học Amsterdam, nói: "Các nét vẽ đã giải đáp một câu hỏi từ lâu là liệu ông ấy cắt hết tai hay chỉ một phần tai. Giờ chúng ta biết chắc là ông ấy đã cắt toàn bộ tai. Đây là một tài liệu quan trọng với nhiều giá trị cảm xúc".

Bí ẩn cái tai nói trên do bà Bernadette Murphy 58 tuổi giải mã. Bà đã chuyển từ Anh tới Pháp cách đây 30 năm, làm nhiều nghề khác nhau, trong đó có nghề hướng dẫn viên du lịch. Sau khi lấy xong bằng lịch sử nghệ thuật, bà Murphy quyết định điều tra về Van Gogh sau khi tới thăm Arles, nơi danh họa ở trong cuối những năm 1880.

Quá trình nghiên cứu về Van Gogh kéo dài tới 7 năm. Khi bà trình bày nghiên cứu với các chuyên gia tại Bảo tàng Van Gogh ở Amsterdam, bà đã làm họ rất ngạc nhiên. Họ phấn khích tới mức đã thông báo chính thức về việc mở một cuộc triển lãm đầu tiên về cuộc đấu tranh của Van Gogh với chứng bệnh tâm thần.

Trong suốt 7 năm điều tra, bà Murphy đã tìm ra bức vẽ của bác sĩ Felix Rey trong một kho lưu trữ ở California. Nó nằm trong đống giấy tờ của tiểu thuyết gia người Mỹ Irving Stone - người đã trao đổi thư từ với bác sĩ Rey năm 1930. Bốn năm sau, tác giả Stone đã xuất bản cuốn tự truyện hưu cấu Lust for Life, trong đó diễn viên Kirk Douglas vào vai Van Gogh.

Trong thực tế, Van Gogh bị suy sụp tinh thần nghiêm trọng tháng 12/1888 khi ông cầm lưỡi dao lam cắt tai. Cảnh sát tìm thấy ông tại nhà vào ngày sau đó và ông đã nhập viện. Em trai của Van Gogh đã viết cho vợ mình sau khi thăm Van Gogh: "Buồn khủng khiếp khi có mặt ở đây vì nỗi đau của anh ấy liên tục trào lên trong lòng và anh ấy cố khóc nhưng không thể. Chiến binh tội nghiệp và một người đau khổ tội nghiệp".

Bác sĩ Rey cho rằng Van Gogh bị chứng động kinh một phần do uống quá nhiều cà phê và rượu, lại ăn ít thức ăn. Ông đã kê thuốc an thần giảm đau và khuyên Van Gogh uống rượu cinchona có chứa chiết xuất ký ninh.

Sự cố cái tai là một trong số những câu hỏi mà du khách hay hỏi nhất khi tới thăm Bảo tàng Van Gogh. Triển lãm mới nhất trưng bày cả một đơn kiến nghị do 30 người dân ở Arles ký, kêu gọi giam Van Gogh trong bệnh viện tâm thần. Nghiên cứu của bà Murphy cũng cho thấy bà hoài nghi về số người trong thực tế đã ủng hộ đưa Van Gogh vào bệnh viện tâm thần vì bà phát hiện có bốn người không biết chữ và không thể tự ký tên. Triển lãm còn giới thiệu bức chân dung bác sĩ Rey mà Van Gogh vẽ. Kiệt tác này được mượn từ Bảo tàng Puskin ở Moscow.

Giải mã bí ẩn cái tai của danh họa Van Gogh - ảnh 1
Bức thư có hình vẽ tai của Van Gogh trước và sau khi bị cắt.

Bí ẩn mang tên Rachel

Một chi tiết mới nữa được bà Murphy phát hiện cho thấy Rachel không phải là một gái điếm mặc dù cô này có làm việc tại khu vực đèn đỏ ở thành phố Arles, miền nam nước Pháp. Rachel thực ra là một người hầu làm việc ca đêm tại các nhà chứa, còn ban ngày làm nghề lau chùi các cơ sở kinh doanh gần đó.

Rachel tên thật là Gabrielle Berlatier, 18 tuổi. Gabrielle sống ở Moules, một làng cách Arles vài km về phía đông. Tháng 1/1888, cô bị chó dại cắn vào tay. Vết thương đã được đốt bằng sắt nung đỏ. Sau đó, cô thoát chết nhờ may mắn được đưa tới Paris tiêm vaccine phòng dại.

Tháng 12/1888, cô trở lại Arles và làm nghề thay ga giường, rửa chén ly trong một nhà thổ để kiếm tiền trả chi phí tiêm vaccine. Tại đây, Van Gogh đã đưa tai bị cắt cho Gabrielle. Bà Murphy nói: "Van Gogh là người rất dễ mủi lòng trước những người gặp khó khăn. Tôi cảm thấy ông ấy muốn trao cho cô gái món quà là cái tai bị cắt".

Bà Murphy đã tìm ra được danh tính thực của Rachel khi tìm hiểu các tài liệu đương đại, trong đó có hồ sơ các vụ bắt giữ và hồ sơ về những phụ nữ được trị bệnh lây truyền qua đường tình dục. Khi bà xem danh sách những người được tiêm vaccine dại ở Viện Pasteur tại Paris, bà đã thấy cái tên Gabrielle.

Van Gogh đã sống một năm tại bệnh viện tâm thần Saint Paul de Mausole ở Saint Remy. Ông chết sau khi tự tử bằng súng vào tháng 7-1890, ngay sau khi viết thư cho em trai nói về cảm giác thất bại. Ông đã chật vật trong việc bán tác phẩm khi còn sống. Còn ngày nay, giá kỷ lục một tác phẩm của ông là 49,1 triệu bảng Anh. Trong khi đó, Gabrielle sống đến năm 1952. Hậu duệ của bà hiện nay vẫn sống ở đó.

Chuyện quanh cái tai của Van Gogh đã được bà Murphy kể lại trong cuốn sách "Van Gogh's War: The True Story" (Cuộc chiến của Van Gogh: Câu chuyện thật).

Theo An Ninh Thế Giới

 

Các bài mới
Các bài đã đăng