Người ta bảo “vui như tết” thực ra là nói không khí náo nức, nhộn nhịp của những ngày trước tết.
Như nhà tôi ở Yên Phụ, con phố nhỏ ngay cửa ô, vào dịp cuối năm, cứ mở cửa ra là thấy những dòng hoa, dòng cây đầy màu sắc tuôn hối hả từ ngoại ô vào nội thành suốt từ tờ mờ sáng cho đến gần đêm mới dứt. Và dứt hẳn thì phải đến tận sau buổi tối ngày 30. Sáng mùng 1 mở cửa, đường sá vắng tanh, xác pháo rải đầy hè phố. Nhìn cảnh đó biết là tết đã qua và người cứ nao nao nuối tiếc như đã qua đi một niềm vui không bao giờ trở lại. Hơn hai chục năm nay sống nơi xứ người, cái háo hức tết đến, Xuân về cứ vơi hao dần dần, rồi mất hẳn. Thông thường vào dịp tết, bên này tuyết phủ trắng trời, lạnh cắt da cắt thịt chứ đâu có mưa xuân rây rây như rắc bụi, vừa đủ se se như ở nhà. Nhịp sống thì vẫn hối hả đến sôi sục vì có ai được nghỉ đâu. Có thể vì thế mà cảm giác về tết cứ mất dần theo năm tháng.
Tết Nguyên đán là tết của mình, của người Việt, không phải tết của... Tây. Ở Đức, chỉ duy nhất một nơi có không khí tết, đấy là khu bán hàng châu Á trong trung tâm buôn bán mà cộng đồng ở đây thường gọi là chợ Việt. Chợ Việt ở đây to nhất Berlin, nhất nước Đức, thậm chí nhất thế giới, tên gọi là là chợ Đồng Xuân. Vâng, ai đó đã mang tên cái chợ nổi tiếng Hà Nội sang đây đặt cho chợ này hẳn cũng có ngụ ý để cộng đồng người Việt cảm thấy gần hơn với Tổ quốc. Bạn bè Đức hỏi ý nghĩa của cái tên đó, thì người Việt ta giải thích Đồng Xuân có nghĩa là “cánh đồng mùa xuân”. Các bạn nghe thấy thế tỏ vẻ thú vị lắm.
“Cánh đồng mùa xuân” ở Đức đích thị là cái chợ. Ở đây, cái gì cũng có. Vào dịp tết, chợ nhộn nhịp, tấp nập từ lúc mở cho đến khi đóng cửa. Hàng hóa ê hề từ đồ khô như măng, miến, mộc nhĩ, nấm hương, bánh đa nem, bún, phở...; đến đồ tươi sống như lòng, mề, tim, gan, gà tươi, cá còn đang bơi trong bể... Nhưng nhiều nhất vào dịp tết là giò, chả, bánh chưng. Đủ các loại. Loại làm tại Đức, tại Pháp, tại các nước châu Âu, loại nhập từ Việt Nam bày thành đống có ngọn trên các mặt bàn rộng ngay cửa ra vào các cửa hàng châu Á.
Ở chợ Đồng Xuân Đức có hai thứ được bán thêm vào dịp tết là mứt và cành đào. Mứt được bày nhiều ngay vị trí trung tâm gian hàng. Còn đào được cắm trong những bồn nước to tha hồ chọn. Năm nào tôi cũng mua vài cành về cắm. Không có đào còn gọi gì là tết. Nhưng ở đây chỉ có đào phai bông nhỏ, cánh mỏng, chứ không bao giờ kiếm nổi một cành đào bích Nhật Tân hoa to, cánh dày, đỏ như xác pháo. Cành đào bên này thẳng đuột chứ không ngang dọc, gân guốc đầy sinh lực như bên nhà.
Bên này nhiều người cả năm chẳng bao giờ lai vãng đến chợ Đồng Xuân vì ngại đường xa và vì đồ châu Á bao giờ cũng đắt hơn hẳn đồ châu Âu bán trong các siêu thị gần nhà, nhưng đến ngày 30 tháng Chạp vẫn lọ mọ tàu xe từ sớm vào chợ, mua cái bánh chưng, con gà về thắp hương gia tiên đêm giao thừa. Gà hay bánh chưng thực ra không nhất thiết phải đến tận “cánh đồng mùa xuân” mới mua được, cái chính là để hưởng chút lao xao, chộn rộn, chen vai thích cánh mua mua sắm sắm cho vơi đi nỗi nhớ nhà. Cũng còn có một cách để người ta như thấy được sẻ chia không khí tết ở quê nhà, đấy là xem Đài Truyền hình Việt Nam. Tết năm ngoái lần đầu tiên ở chỗ làm của vợ chồng tôi có Internet. Trước giao thừa mấy anh em mở VTV ra xem chương trình cầu truyền hình, thấy không khí đón xuân náo nức rộn ràng ấm cúng trong nước mà háo hức, bồn chồn, thèm muốn đến nghẹn thở. Càng xem càng nhớ, càng thấy cái khoảng cách từ đây về Việt Nam, về Hà Nội, về nhà xa thật là xa. Mới nhận ra đã lâu, lâu lắm rồi mình chưa thật sự hưởng một cái tết quê hương, gia đình với đúng với nghĩa của nó. Cũng một phần bởi hoàn cảnh, công việc bận rộn. Phần nữa giá vé máy bay vào dịp tết đắt gần gấp đôi ngày thường. Nhìn cái không khí tết thật của quê hương hừng ấm qua màn hình, thèm đến quắt quay, lòng lại nhói đau, ứa nước mắt.
Tôi sang đây thấm thoắt đã hơn hai chục năm. Thời gian quá dài, gần bằng nửa đời người còn gì. Ngày bước chân ra đi, không thể nghĩ mình lại gắn bó với mảnh đất này lâu đến vậy. Năm ấy, vào dịp cuối tháng ba, tức đầu mùa xuân. Vừa xuống sân bay, tôi may mắn gặp đợt tuyết rơi muộn. Trong nắng vàng hanh hao, tuyết lắc rắc rơi trên đầu trắng như bụi phấn. Về đến kí túc xá Gehrensee ở Berlin đã thấy các khuôn viên ngập tràn trong màu xanh non của cỏ. Thấp thoáng trong đó là những nụ hoa vàng chớm nở. Hoa dáng như thủy tiên nhưng có màu vàng như cúc. Sau này tôi mới biết đó là hoa xuyên tuyết, loại báo hiệu mùa xuân. Và sau này, hễ cứ nhìn thấy sắc hoa đó tôi lại nhớ về những ngày đầu gian khổ khi sang nước Đức.
Bao năm bôn ba nơi quê người tôi mới chỉ về Hà Nội ăn tết với mẹ tôi được hai lần. Nhớ ngày tôi bay sang Đức, trước lúc đi, tôi cùng bố lên vườn đào Nhật Tân, nơi có mộ của bà nội, để thắp hương và cầu xin bà phù hộ cho mình “chân cứng đá mềm“ nơi đất khách. Hôm đó trời mưa như vẫn thường mưa sau dịp tết. Cả vườn đào mênh mông chỉ còn trơ những gốc cây đen thâm như rừng Trường Sơn sau bom rải thảm những năm chiến tranh. Đường vào nghĩa trang lầy lội tới mức không dắt nổi xe. Bố tôi phải đứng ngoài trông xe để tôi một mình vào thắp hương cho bà. Tôi không ngờ đấy là lần cuối cùng tôi được đi bên bố.
Bố tôi mất sau ngày tôi đi đúng ba năm. Bảy năm sau nữa tôi mới về nhà vào dịp tết. Tết không có bố, niềm vui đón năm mới vơi đi già nửa. Mẹ tôi cũng chẳng gói bánh chưng như năm nào. Mà có gói thì biết lấy ai bắc bếp luộc đây? Anh em đều có gia đình, mỗi người phiêu bạt một phương. Người Nam, kẻ Bắc, người tận trời Tây. Tết đến ai cũng lo cho mẹ, chẳng thiếu thứ gì, nhưng chẳng ai ở bên mẹ. Giao thừa năm đó tôi và mẹ ngồi lặng bên nhau. Ngoài phố không rộn ràng pháo nổ, chẳng ríu rít tiếng trẻ nô đùa như năm nảo năm nào. Trong khói hương và di ảnh của bố, tôi thèm biết mấy được như ngày xưa: bố mẹ đầy đủ, anh em quây quần.
Lần thứ hai tôi về tết là cách đây năm năm. Tranh thủ mấy ngày cuối năm tôi về thăm bố mẹ vợ. Quê vợ tôi là một xã nằm sát ngay thị trấn Quỳnh Côi tỉnh Thái Bình. Trước khi sang Đức tôi cũng đã nhiều lần về quê vợ ăn tết. Điều tôi nhớ nhất là đến nhà nào chúc tết người ta cũng hỏi nhau về mùa màng, về thu hoạch nông sản, rồi hỏi năm nay đụng lợn với nhà ai, gói bao nhiêu bánh chưng, giò năm nay có giòn hay bở... Chỉ loay xoay mấy chuyện đó, không hơn không kém. Vậy mà lần về ấy mọi thứ đã khác hẳn. Bố mẹ vợ tôi chẳng đụng lợn, gói bánh. Hỏi ra mới biết dịch vụ ở thị trấn đầy. Muốn mua bao nhiêu giò chả, bánh chưng đều có hết, đắt rẻ chẳng đáng là bao mà đỡ phải làm lích kích lại không lo giò hỏng, bánh thiu. Tôi đến nhà ai cũng cũng thấy “buôn”, nào nhà ông nọ vào cầu vụ ớt, nhà bà kia con đi nước ngoài về cho mấy trăm triệu xây nhà. Rồi chuyện đất chỗ này lên, đất chỗ kia xuống. Nhà này nhiều vàng. Nhà kia lắm của. Có người giàu nhanh như trúng số...
Hà Nội thì sao? Sau những năm đi xa mang theo bao nhiêu nhớ nhung thèm khát, giờ trở về tôi mong gặp một cái tết xửa xưa Hà Nội. Nhưng tôi không khỏi hẫng hụt. Đèn hoa, băng rôn nhiều hơn, rực rỡ hơn. Ban đêm Hà Nội mất đi vẻ u tịch, cổ kính vốn có. Các loại cổng chào uốn lượn với cơ man đèn đóm đủ màu sắc khiến người đi trong lòng phố mà ngỡ như đang ở tiệm Disco. Các loại dịch vụ, khuyến mại mọc như nấm sau mưa. Đêm giao thừa chẳng còn nhà nào háo hức, quây quần bên nồi bánh. Trẻ con chẳng hí hửng chờ manh áo mới. Hàng tết có người mang đến tận nhà. Đi đâu cũng thấy người người lo quà tết. Gặp ông nọ, bà kia thì khoe của biếu, hàng độc. Rồi khoe tiền thưởng. Tiền thưởng càng cao đẳng cấp càng lớn. Cứ nháo nhào cả lên. Thật giả, vàng thau lẫn lộn. Chẳng biết đằng nào mà lần. Vậy mà ai cũng bảo đó mới chính là không khí tết thời bây giờ.
Những ngày đầu về Việt Nam và những ngày đầu từ Việt Nam trở lại Đức bao giờ tôi cũng bị lẫn lộn. Lẫn lộn thời gian. Lẫn lộn cảm giác. Lẫn lộn tiền. Lẫn lộn thói quen tham gia giao thông... Ở Việt Nam lại nghĩ mình đang ở Đức. Đã về đến Đức lại ngỡ mình vẫn đang ở Việt Nam. Vì trái giờ, lúc người ta đi ngủ, mình còn thức nhơn nhơn. Lúc người ta đi chơi, đi làm, mình lại ngủ vùi ngủ dập. Đang nằm lơ mơ nghĩ, hôm nay mình phải đi làm, rồi phải mua hàng gì, đặt hàng gì? Bỗng nghe thấy còi xe tí toét, tiếng hàng quà rong rao ông ổng, bừng tỉnh, thấy mình đang nằm trong khách sạn ở Hà Nội. Ôi, vui mừng không kể xiết. Rồi cũng vẫn trạng thái mơ mơ màng màng, đang tính rủ đứa này đi chơi chỗ nọ, mời đứa nọ đi ăn chỗ kia, bỗng thấy yên ắng quá. Giật mình tỉnh dậy, hóa ra đang nằm cùng giường với vợ. Nhìn qua cửa sổ, chỉ thấy những con quạ đen và một màu tuyết trắng. Ngao ngán không tả nổi.
Về Việt Nam, nếu ai đó hỏi tôi ở bên đó người Việt mình ăn tết thế 7nào, tôi chỉ ừ hữ cho qua chuyện. Gặp người chi tiết quá thì đành nói ở nhà mình có cái gì, bên đó có thứ đó. Quả là chả thiếu thứ gì thật. Nhưng đấy chỉ là ăn, không phải tết.
Cái thiêng liêng, hồn cốt nhất của tết cổ truyền nằm ở thời khắc giao thừa. Ở Việt Nam là lúc 12 giờ đêm 30 tháng Chạp. Đó là thời khắc tống cựu nghinh tân. Năm cũ qua đi, năm mới đến. Thời khắc đó dù chỉ diễn ra trong tích tắc nhưng cùng lúc cả không gian, thời gian, cả thiên nhiên cây cỏ đến con người đều thay đổi. Ngày xưa, khi còn giàu trí tưởng tượng, vào lúc giao thừa tôi đã đứng một mình trong cái ngõ tối hun hút của xóm, rồi dang rộng hai tay. Khi tiếng pháo giao thừa bắt đầu nổ, tôi nhắm mắt lại và cảm giác năm mới giống như nguồn sáng bắt đầu chạm vào ngón trỏ bàn tay bên trái và đẩy lùi dần bóng tối của năm cũ đang đọng lại bên cánh tay phải. Cho đến khi cả người tôi như sáng bừng, đấy là thời điểm năm mới đã tới trọn vẹn. Cảm giác đó đến trong tôi rất rõ. Thậm chí nó khiến tôi nổi gai khắp người. Mặc dù lúc mở mắt, xung quanh vẫn ngập trong bóng tối nhưng không khí thật thoáng đãng dù đã pha đậm khói pháo thơm nồng... Nhưng trong thời khắc Việt Nam đón giao thừa thì ở Đức mới là 6 giờ tối. Nhịp điệu cuộc sống ở một đất nước công nghiệp hàng đầu cộng với đồng hồ sinh học ở mỗi con người cũng vào thời điểm đó, dù có giàu trí tưởng tượng đến đâu cũng chẳng cảm thấy bất kì một rung động giao hòa cũ, mới nào cả. Nói cho nhanh, giao thừa là thời khắc thiêng liêng chỉ của người Việt và phải ở trên đất Việt, chứ còn người mang hồn Việt đang ở trên đất Đức thì dù có muốn đến đâu đi nữa, vào giờ đó cũng chẳng rảnh rang để tâm trí được phiêu diêu cùng sông núi, đất trời. Đơn giản vì đó đang là giờ làm việc. Thế nên, có một điều tưởng như cực kì đơn giản là muốn chọn một người hợp tuổi, mời họ xông nhà vào đúng thời khắc giao thừa, tôi cũng chưa năm nào làm được. Người ta cũng như mình, giờ đó đâu có rảnh rang quần là, áo lượt, tiền mới phẳng phiu đầy túi để đi xông nhà, chúc tết. Thế là năm nào cũng vậy, trước giao thừa dăm phút tôi đẩy thằng con ra ngoài cửa, sau giao thừa ít phút lại lôi nó vào, xem như đã có người xông đất cho lành. Ban đầu là thằng con lớn của tôi sắm vai xông nhà cho bố. Rồi qua thời gian nó học xong, đi làm cũng bận rộn thì đến lượt thằng bé. Nó đã tự xông đất cho nhà mình từ năm sáu tuổi, đến giờ đã mười sáu, ngộc nghệch cao gần mét tám mà vẫn chẳng hiểu tại sao phải làm như thế. Có giải thích nó cũng chẳng hiểu. Lớp người Việt thế hệ thứ hai, thứ ba sinh ra ở Đức trong tương lai đa số sẽ là lớp người vong bản. Vì tiếng là con của bố Việt, mẹ Việt nhưng vừa đẻ ra, theo luật, hầu hết nghiễm nhiên mang quốc tịch Đức. Lớn lên thì nói tiếng Đức, học trường Đức. Thích ăn bánh mì hơn ăn cơm. Xem việc cắt tiết gà, ăn trứng vịt lộn là hành động man di, mọi rợ. Giờ đã thế mong gì sau này ngày tết có vài nén hương, ngày giỗ có mâm vàng mã. Có năm sau giao thừa, thằng con bé của tôi rủ mấy thằng bạn cùng học mắt xanh, mũi lõ về nhà chơi. Thấy con gà đã luộc chín vẫn để nguyên đầu, mỏ còn điệu đàng ngậm bông hoa hồng đỏ chót, thoạt đầu chúng nó ngỡ ngàng, rồi chụp ảnh lia lịa, hôm sau về khoe ở lớp. Cả đám Tây con chưa bao giờ nhìn thấy con gà đã bị làm thịt mà để nguyên đầu, mỏ lại còn ngậm bông hoa, thảy đều cười ngả cười nghiêng, khiến cô giáo phải đập bàn giải thích đấy là tập tục phương Đông, lớp mới trật tự ngồi học.
Hơn hai mươi cái tết ở Đức tôi chưa một lần được cùng gia đình đoàn tụ ấm áp bên mâm cơm cúng tổ tiên vào giờ giao thừa. Mặc dù vợ chồng, con cái vẫn ở cùng một nhà chứ có xa xôi cách trở gì đâu. Thời đi làm thuê, giao thừa còn bục mặt làm cho chủ. Chồng làm cho chủ Tầu, vợ làm cho chủ Nhật. Mươi năm nay nhà có cửa hàng, giao thừa vợ thắp hương ở nhà, chồng thắp hương ở quán. 12 giờ đêm, tức là đã sau giao thừa 6 - 7 tiếng, quán đóng cửa, chồng mới thất thểu lê bước về nhà. Chân tay rã rời, người ngợm sực mùi dầu mỡ. Vào đến nhà con đã ngủ từ lâu. Vợ đang ngáp dài bên mâm cơm cúng mà đến bông hoa cắm trên mỏ con gà đặt ở giữa mâm cũng đã héo rũ nói chi đĩa bóng xào chân tẩy nấm hương không thâm đen, bát canh miến nấu lòng gà không nguội tanh, đặc như bánh đúc. Chẳng riêng gì nhà mình, nhìn quanh anh em, bạn bè cũng đều thế cả. Cũng chẳng riêng gì nghề làm quán. Mấy nghề đặc trưng của dân Việt tại Đức cũng vậy. Từ nghề bó hoa, bán quần áo, bán hoa quả đến nghề mới nhất - nail - cũng chẳng ai đóng cửa lúc 6 giờ tối để về nhà đón giao thừa. Chẳng riêng gì tết nhất, từ sinh nhật vợ, sinh nhật chồng đến sinh nhật con; từ kỉ niệm ngày cưới hay giỗ ông, giỗ bà tất tật đều chờ vào cuối tuần. Cá nhân đã vậy, các tổ chức hội đoàn người Việt kể cả Đại sứ quán Việt Nam ở Đức cũng thế. Không tổ chức vào cuối tuần thì chẳng có ma nào đến. Quang Trung ngày xưa cho quân sĩ ăn tết sớm đã làm nên chiến công Ngọc Hồi, Đống Đa lừng lẫy, đập tan hai mươi vạn quân Thanh. Ngày nay cộng đồng người Việt ở khắp năm châu, bốn bể ăn tết sớm, tết muộn lại chỉ vì miếng cơm, manh áo.
Những ngày về Việt Nam, nhất là vào dịp tết, dù ở Hà Nội, Sài Gòn hay Nam Định, Thanh Hóa, Vinh...; dù vào sớm, trưa, chiều, tối, thậm chí đêm, quán nhậu vẫn là nơi đông người nhất. Không biết họ làm gì mà dư dả tiền bạc, rộng rãi thời gian như thế? Tôi cũng biết ở Việt Nam hiện nay, bên cạnh những người được coi là khá giả thì còn nhiều, rất nhiều những mảnh đời cơ cực. Nhưng dù là lớp người nào ở Việt Nam thì họ đều sung sướng hơn những kẻ tha hương. Họ hơn chúng tôi cái hạnh phúc vô ngần là những ngày tết luôn được đoàn tụ bên nhau, ấm áp giây phút giao thừa.
Viết đến đây tôi bỗng giật mình nhận ra: Hình như lòng mình còn quá nhiều khao khát không được toại nguyện nên sinh ra tâm lí so sánh, suy bì? Ừ, mà cứ cho là người mình ở quê hương sung sướng hơn người mình ở hải ngoại đi, thế tại sao lòng ta còn lấn cấn mãi chưa định quay về?
Nguồn: Hùng Lý (CHLB Đức) – VNQĐ