Từ lâu người ta vẫn nói rằng người Áo nói chung và người dân Salzburg nói riêng đơn giản là không hiểu nổi nỗi ám ảnh với bộ phim đoạt giải Oscar và vở nhạc kịch Broadway The Sound of Music (được dịch sang tiếng Việt thành Giai điệu hạnh phúc) lấy bối cảnh ở Salzburg vào khoảng thời gian Áo sáp nhập với nước Đức Quốc xã năm 1938.
Theo công ty Tourism Salzburg, cứ ba du khách người Nhật tới thành phố này thì có một người đã xem bộ phim nói trên, trong khi 75% số du khách người Mỹ (ước tính khoảng 230.000 người năm 2016) đến đây phần nào là để lần theo dấu chân nhân vật cô nữ tu tập sự đã mang âm nhạc tới gia đình của những đứa trẻ mồ côi mẹ.
Nhưng có một cảnh tượng khác vào buổi tối mùng 1/5 khi người Đức và người Áo đổ đầy khán phòng Landestheater (Nhà hát Quốc gia), đông áp đảo so với khách du lịch, để xem phiên bản tiếng Đức của vở nhạc kịch được yêu thích.
Đến thời điểm vị thuyền trưởng góa vợ von Trapp, do ca sĩ ngôi sao Uwe Kröger người Đức thủ vai, mời khán giả cùng hát bài “Edelweiss” (Cây nhung tuyết) trong phần biểu diễn thêm, nhiều khán giả lấy khăn chấm nước mắt.
“Ban đầu có nhiều du khách hơn dân địa phương.” Veronika Puttinger, trưởng ban truyền thông của Landestheater, viết trong một email. “Nhưng giờ tình thế đã xoay chuyển.”
The Sound of Music chỉ là một phần trong lịch sử âm nhạc phong phú của Salzburg.Thành phố này còn là nơi chôn rau cắt rốn của Wolfgang Amadeus Mozart và là cái nôi của Liên hoan Salzburg, một trong những liên hoan âm nhạc cổ điển lớn nhất thế giới diễn ra vào mùa hè hằng năm kể từ năm 1920.
Salzburg cũng tổ chức nhiều liên hoan âm nhạc khác quanh năm, trong đó có Liên hoan Mozart, Liên hoan Phục sinh, và Liên hoan Hạ trần (Salzburg Whitsun Festival).
Năm nay, Cecilia Bartoli, ca sĩ giọng nữ trung (mezzo-soprano) người Ý, kỷ niệm sáu năm làm giám đốc nghệ thuật của Liên hoan Hạ trần bằng một chương trình bao gồm buổi hòa nhạc của nghệ sĩ violin nổi tiếng người Đức Anne-Sophie Mutter, vở opera Ariodante của Handel cùng vở ballet La Sylphide.
Salzburg cũng là quê hương của nhà sáng lập Liên hoan Hạ trần Herbert von Karajan, vị nhạc trưởng suốt 35 năm của Berlin Philharmonic, một trong những nhạc trưởng quan trọng nhất thế kỉ 20, và Joseph Mohr, người đã viết lời cho cho bài hát Giáng sinh kinh điển “Silent Night”.
Clive Gillinson, giám đốc điều hành và nghệ thuật của Carnegie Hall, nhận định trong một email rằng Salzburg đã trở thành nam châm hút tất cả những nghệ sĩ biểu diễn vĩ đại nhất thế giới. “… mọi nghệ sĩ và dàn nhạc thính phòng lớn đều muốn được biểu diễn ở đó,” ông viết.
Salzburg, từng rất giàu tài nguyên muối và vàng (Salzburg trong tiếng Đức nghĩa là “thành phố muối”), được điều hành bởi các tổng giám mục như một lãnh địa thuộc giáo hội của Đế quốc La Mã Thần thánh cho tới đầu thế kỉ thứ 19. Theo Helga Rabl-Stadler, chủ tịch của Liên hoan Salzburg, buổi trình diễn vở opera đầu tiên ở phía Bắc dãy Alpes với tác phẩm của Monteverdi vào năm 1617 tại Salzburg được tổ chức theo lời mời của đức tổng giám mục.
Mozart chào đời vào năm 1756 và sống ở Salzburg cho đến năm 25 tuổi, khi ông rời đi sau mối bất hòa với tổng giám mục đang nắm quyền cai quản. Dù ông không bao giờ quay về sống ở Salzburg nhưng vào năm 1841, Dàn nhạc Mozart Salzburg đã được thành lập với sự hỗ trợ của hai người con trai của Mozart, và một tượng đài tưởng nhớ ông được dựng lên vào năm sau đó ở vị trí hiện nay là Quảng trường Mozart.
Một thế kỉ trước, đạo diễn sân khấu và điện ảnh người Do Thái Max Reinhardt cùng nhà soạn nhạc Richard Strauss và Hugo von Hofmannsthal, đã quyết định tạo ra một liên hoan mà họ hy vọng sẽ đoàn kết người dân khắp châu Âu đang trong thời chiến.
Liên hoan Salzburg được khai mạc vào năm 1920 với buổi trình diễn vở kịch Jedermann của von Hofmannsthal. Tác phẩm này được trình diễn hằng năm tại Liên hoan, trừ các năm từ 1922 tới 1925 và từ 1938 đến 1946. Trong The Sound of Music, Liên hoan được dùng làm bối cảnh cho tình tiết gia đình von Trapp thoát khỏi tay Quốc xã nhờ chiến thắng tại một cuộc thi hát diễn ra ở nhà hát Felsenreitschule, nơi đến nay vẫn được sử dụng làm một trong ba địa điểm chính tổ chức Liên hoan.
Ngôi nhà trên thực tế của gia đình von Trapp giờ đây biến thành một nhà nghỉ dạng chỉ phục vụ chỗ ngủ và bữa sáng - Villa Trapp - do một cặp vợ chồng cựu ký giả điều hành. Tháng Bảy hằng năm, họ mở cuộc triển lãm thường kỳ “The Sound of Music World” ở trung tâm thành phố, kể lại câu chuyện có thật của gia đình von Trapp, cuộc sống của các thành viên trong gia đình, lai lịch ngôi nhà (từng là nơi ở của Heinrich Himmler - thống chế Đội cận vệ SS và thành viên đầu sỏ của đảng Quốc xã – ở Salzburg trong chiến tranh) và cuộc đào thoát sau cùng của họ khỏi thành phố.
Tháng Năm vừa qua đánh dấu buổi diễn thứ 100 của phiên bản tiếng Đức của vở nhạc kịch (nó được công diễn lần đầu năm 2011) và đã có người đặt vé cho mùa diễn tiếp theo.
Mặc dù Max Reinhardt, người sở hữu lâu đài Schloss Leopoldskron mang phong cách rococo hoa lệ, một bối cảnh khác trong phim The Sound of Music, qua đời trong cảnh tha hương ở New York vào năm 1943, Liên hoan Salzburg vẫn tiếp tục là nơi hòa giải.
“Khi chúng ta đầu hàng vào năm 1945, Tướng Mark W. Clark nói rằng chúng ta nên khôi phục liên hoan vì với sự trợ giúp của văn hoá và nghệ thuật, chúng ta có thể tái thiết lập hệ thống dân chủ”, bà Rabl-Stadler nói, diễn giải ý kiến của vị tướng.
Vào mùa hè, các tác phẩm của cả Landestheater và Liên hoan Salzburg thường được biểu diễn ngay tại lâu đài bên hồ từng bị Đức Quốc xã trưng dụng làm nhà nghỉ trong suốt Thế chiến thứ hai này.
Peter Sellars, đạo diễn sân khấu người Mỹ đang dàn dựng vở opera La Clemenza di Tito (Lòng nhân từ của Tito) của Mozart chuẩn bị cho Liên hoan Salzburg năm nay, phát biểu: “Vở opera nào của Mozart cũng nói về hòa giải và nỗ lực vượt qua tình trạng chia rẽ do bạo lực.”
Ông nói thêm rằng, tác phẩm của ông sẽ kiểm chứng bằng cách nào mà con người có thể chung sống trong những thời khắc xung đột. Ông nói: “Chính trong những thời khắc quan trọng này, Salzburg là nơi bạn có thể thấy mọi người cùng dành mối quan tâm cho một điều gì đó sẽ có sức ảnh hưởng. Đó là điều đặc biệt về Salzburg.”
Nguồn: Ginanne Brownell Mitic - Tia Sáng
Ngọc Anh dịch (theo: https://www.nytimes.com/2017/06/02/arts/salzburg-must-visit-classical-music.html?_r=1)