Văn nghệ thế giới
Napoleon - một cách nhìn
14:26 | 14/09/2017

Thực hiện hơn 1.000 cuộc phỏng vấn, dựa trên tư liệu từ 33.000 lá thư mới được công bố, sử gia Andrew Roberts đã đem đến một cái nhìn đa chiều, chi tiết hơn về thiên tài quân sự thế giới, vị hoàng đế vĩ đại của nước Pháp, với đầy đủ nhân cách và hoài bão, sự tháo vát toàn tài, quyết đoán song cũng rất giàu tình cảm.

Napoleon - một cách nhìn

Chinh phục đỉnh cao quyền lực

Ngay sau khi ra mắt, Napoleon Đại đế của sử gia Andrew Roberts trở thành tác phẩm đứng đầu bảng xếp hạng sách bán chạy nhất của New York Times nhiều tuần liền, được tờ The Telegraph (Anh) nhận xét nằm trong “số ít tác phẩm toát lên khí chất Napoleon”. Cuốn sách vừa được dịch sang tiếng Việt, do Công ty CP Sách Omega Việt Nam phát hành chính thức trên toàn quốc từ ngày 20.9.

Sức lôi cuốn của Napoleon và thời đại của ông đã dẫn tới sự ra đời của hàng nghìn cuốn sách suốt 2 thế kỷ qua. Hành trình của sử gia người Anh Andrew Roberts cũng bắt đầu như vậy. Ông dành hàng chục năm để lần theo dấu chân nhân vật, tới 53/60 chiến trường mà Napoleon đã có mặt, ở Pháp, Tây Ban Nha, Nga, Bỉ... Từ đó, những tư liệu lịch sử mới mẻ và ý nghĩa đã được khai quật. Với nhãn quan sắc bén và lối viết đằm thắm, tác giả đã đưa đến cho bạn đọc cuốn tiểu sử xứng với tầm vóc nhân vật. Độc giả thấy được hoàn cảnh thời Cách mạng Pháp đã đưa Napoleon lên đỉnh quyền lực, cách mà ông giành lấy nó bằng đại bác và lưỡi lê, củng cố quyền lực bằng chiến tranh, thiết lập trật tự các nước bằng quân sự…

Chân dung Napoleon được khắc họa với những nét nổi bật về một vị chỉ huy mạnh mẽ, tự tin tột bậc, như ông viết năm 1805: “Đối với tôi, chỉ có duy nhất một yêu cầu, đó là thành công”. Nhưng để đạt được thành công trong lĩnh vực mà Napoleon chọn lựa, đó là tái thiết nước Pháp và chinh phạt thế giới, đòi hỏi những phẩm chất cá nhân mà không người nào cùng độ tuổi ông sở hữu. Ông không bao giờ dừng lại - tác giả minh chứng: Các trận chiến nối tiếp nhau, cuộc hành quân kéo dài, khi Napoleon di chuyển ở tốc độ cao nhất, người ta đã phải đổ nước vào bánh xe của ông để hạ nhiệt.

Suốt cuộc đời, Napoleon đã viết và nói về mình như thể ông là con người bất tử. Nhưng vị hoàng đế có căn cứ để tự đánh giá bản thân như vậy. Thuở nhỏ, cậu bé Napoleon ham mê đọc sách nhưng trình độ học vấn không cao, Pháp văn rất tệ và thường bị trêu chọc vì chất giọng khôi hài. Napoleon chỉ tìm thấy mình khi vào quân đội - sau khi tốt nghiệp Trường Quân sự ở Paris - với vị trí sĩ quan pháo binh. Năm 1973, Napoleon đóng vai trò nổi bật trong cuộc đánh bật quân Anh khỏi cảng Toulon và chiếm được thành phố này cho các lực lượng cộng hòa, nhờ đó, được thăng cấp tướng. Khi cuộc Cách mạng bao trùm nước Pháp, tài năng của Napoleon trên cương vị một người lính lên đến tột đỉnh, với một chuỗi dấu ấn mang uy danh “thiên tài quân sự vô song”. Năm 1799, ông trở thành người cai trị nước Pháp. Năm 1804, ông tự phong mình làm Hoàng đế. Trở thành người được tôn sùng, khi ấy, Napoleon mới vừa qua tuổi 20.

... và những cảm xúc đời thường

Những người cùng thời và sau này vẫn nghĩ về Napoleon bằng góc nhìn nhận riêng. Như lời nhà báo Trương Anh Ngọc - người có nhiều năm nghiên cứu tư liệu về nhân vật này: Đối với giới sử học, đấy là một kho tàng đáng giá về nghệ thuật chiến tranh. Đối với nhiều nhà nghiên cứu các phong trào nông dân và tư sản ở các nước bị quân đội Napoleon tràn qua, ông hoặc là người châm ngòi cho tư tưởng cách mạng, hoặc là kẻ xâm lược. Ở Pháp, ông là một anh hùng thực sự. Còn với những nhà nghiên cứu nghệ thuật, Napoleon là chất xúc tác để thổi bùng chủ nghĩa lãng mạn trong thơ ca và âm nhạc thời đại ấy, để sau này, người ta lại nhắc đến ông, bằng âm nhạc, kịch nghệ và văn chương… Có điều, theo cách mà sử gia Roberts khắc họa, Napoleon không chỉ có thế. Ông không chỉ là một hoàng đế, mà còn là một con người với những cung bậc cảm xúc đời thường.

Dịch giả Lê Đình Chi dẫn chứng, Napoleon từng nói với thư ký của mình: “Khi sinh ra, ta là người tử tế. Tuy nhiên, qua năm tháng ta cố gắng làm cho con tim im lặng bớt đi và đến giờ nó không rung động thêm gì nữa”. Thậm chí, ông còn bảo: “Nếu như ngay trước trận đánh mà hay tin người tình yêu quý nhất vừa qua đời, ta cũng tiếp tục tập trung vào trận. Sau khi giành chiến thắng, nếu có thời gian, ta sẽ than khóc nàng… một chút… Nếu không kiểm soát, làm chủ bản thân đến mức độ đó, ta có thể làm được những gì ta đã làm hay không?”.

Nói như vậy, nhưng không phải Napoleon có trái tim sắt đá. Trong trận đánh năm 1909, một vị thống chế của ông tử trận. Sau khi tiễn biệt trở về, người hầu phòng của Napoleon chứng kiến cảnh hoàng đế ngồi trước bữa ăn không nói một lời, cứ thế hai dòng nước mắt rơi xuống bát súp chưa hề động đến. “Có lẽ, đấy là giây phút hiếm hoi Napoleon cho phép mình được sống thật với cảm xúc. Điều đó càng cho thấy sự vĩ đại của một con người không phải không biết sợ, không phải không có cảm xúc, mà nói như lời của một ca khúc Pháp: Để làm một vị vua phải vượt lên nỗi sợ hãi, để xứng tầm người ta trông đợi… Đó là tính cách nổi bật nhất ở Napoleon”, dịch giả Lê Đình Chi nói.

Nhà báo Trương Anh Ngọc kể về lần thăm nhà Napoleon ở Ajaccio, đảo Corse. Căn nhà to và rộng nằm trong con ngõ nhỏ. Ông yêu Corse, nhưng nó quá bé đối với ý nghĩ muốn ra thế giới. Và trên hành trình ấy, Napoleon thậm chí đã từ cách phiên âm họ tên mình theo tiếng bản địa để trở thành “người Pháp chính hiệu”. Để rồi, đến cuối đời, khi đã sa cơ, ông nhìn lại bản thân và thừa nhận rằng mình luôn là một người con của Corse. Để thời khắc hấp hối trên hòn đảo ở Saint Helena cách xa nước Pháp hàng vạn dặm (năm 1821), ông ngóng về quê hương.

Theo Lê Thư - ĐBND

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng