Văn nghệ thế giới
Wonder Woman: Truyện tranh và nữ quyền
10:26 | 23/01/2018

Sự thực xoay quanh sự ra đời của Wonder Woman mới được làm sáng tỏ sau cả bảy thập kỷ. Đằng sau đó là những câu chuyện quan trọng về sức ảnh hưởng của truyện tranh, về các siêu anh hùng, về sự kiểm duyệt, và về nữ quyền.

Wonder Woman: Truyện tranh và nữ quyền
Bức thư trao đổi giữa William Moulton Marston và họa sĩ Harry G. Peter về tạo hình đầu tiên của Wonder Woman vào năm 1941.

Như chính cha đẻ của Wonder Woman là William Moulton Marston tuyên bố: ‘Wonder Woman là một tuyên truyền tâm lý cho kiểu phụ nữ mà tôi tin là nên thống trị thế giới’.

Wonder Woman là nhân vật nữ siêu anh hùng truyện tranh nổi tiếng nhất mọi thời đại. Ngoài Superman (Siêu Nhân) và Batman (Người Dơi) ra, chưa có một nhân vật truyện tranh nào lại có sức hút dài lâu như vậy. Đã có biết bao nhiêu thế hệ bé gái mang theo mình đến trường hộp cơm trưa in hình Wonder Woman. Giống như mọi siêu anh hùng khác, Wonder Woman có một danh tính bí mật. Nhưng khác với tất cả, cô ấy còn có cả một lịch sử bí mật nữa.

Truyện tranh (comic books- khác với truyện có tranh minh hoạ) gần như được phát minh vào năm 1933 bởi Maxwell Charles Gaines, người từng là hiệu trưởng một trường tiểu học và sau này sáng lập tuyển tập truyện tranh All-American Comics. Các nhân vật nổi tiếng ngày nay như Superman, Batman lần lượt xuất hiện vào năm 1938, 1939. Trẻ em thời đó bắt đầu vùi đầu vào những xấp truyện tranh với Siêu Nhân bay lượn trên những toà nhà chọc trời, hay Người Dơi ẩn nấp trong bóng tối. Nhưng trong bối cảnh chiến tranh đang tàn phá châu Âu, những bộ truyện tranh này lại cổ xuý bạo lực, thậm chí cả bạo lực tình dục.Vào năm 1940, tờ Chicago Daily News gọi truyện tranh là ‘nỗi nhục của quốc gia’.Trước thực tế là có 10 triệu bản truyện tranh với nội dung tình dục bạo lực được bán hàng tháng, biên tập văn chương của tờ báo này đã kêu gọi phụ huynh và giáo viên cấm con em mình đọc truyện tranh để tránh sản sinh ra một thế hệ mới quá bạo lực.

Trước những chỉ trích gay gắt này, vào năm 1940, Gaines đã thuê Marston làm chuyên gia tư vấn cho mình. Gaines nhìn nhận Marston như một người ủng hộ các tạp chí truyện tranh đúng đắn từ lâu. Marston có ba bằng từ Đại học Harvard, trong đó có một bằng tiến sỹ tâm lý học. Ông từng là một luật sư, một nhà khoa học, và một giáo sư. Marston còn được coi là người đã phát minh ra phương pháp kiểm tra phát hiện nói dối. Điều này cho thấy ông khá bị ám ảnh với việc khám phá bí mật của người khác. Ông còn từng là chuyên gia tư vấn tâm lý học cho hãng Universal Pictures, viết kịch bản phim, là tác giả của một tiểu thuyết và hàng chục bài báo. Gaines biết đến Marston qua một bài báo về ông trên tạp chí Family Circle. Vào mùa hè năm 1940, Olive Richard, một cây bút của tạp chí này đã đến phỏng vấn Marston tại nhà riêng của ông ở Rye, New York để xin ý kiến của ông về truyện tranh. Marston đã thừa nhận rằng một số truyện tranh chứa đầy những cảnh bạo lực như tra tấn, bắt cóc và những hành động ác độc, tàn bạo khác nữa.

Marston là một người đàn ông sống nhiều cuộc đời một lúc và cũng che giấu rất nhiều bí mật riêng tư. “Olive Richard” thực ra là bút danh của Olive Byrne, người không phải đến nhà phỏng vấn Marston mà thực chất đã sống với ông từ trước. Olive Byrne là cháu gái của Margaret Sanger, một trong những nhà nữ quyền quan trọng nhất của thế kỷ 20. Vào năm 1916, Sanger và chị mình là Ethel Byrne- mẹ của Olive Byrne- đã mở phòng khám kế hoạch hoá sinh đẻ đầu tiên ở Mỹ. Họ sau đó đều bị bắt vì đã phân phát thuốc tránh thai bất hợp pháp.

Olive Byrne gặp Marston từ năm 1925, khi bà đang là sinh viên năm cuối ở Đại học Tufts, còn ông chính là giáo sư tâm lý học của bà. Khi đó, Marston đã kết hôn với một luật sư tên là Elizabeth Holloway, một phụ nữ có học và cũng là một nhà tâm lý học từng làm việc cùng Marston trong phòng thí nghiệm tại Harvard. Khi Marston và Byrne bắt đầu yêu nhau, ông đã cho Holloway một lựa chọn: hoặc để Byrne sống cùng họ, hoặc ông sẽ rời bỏ Holloway. Kết quả là Byrne chuyển vào sống cùng gia đình Marston. Họ nói với điều tra viên dân số và người ngoài rằng Byrne là người em dâu đã goá bụa của Marston. Trong khoảng từ năm 1928 đến 1933, mỗi người phụ nữ đều sinh hai đứa con với Marston. Họ sống chung như một gia đình với nhiệm vụ phân chia rõ ràng: Holloway đi làm kiếm tiền, còn Byrne ở nhà nuôi dạy cả bốn đứa trẻ. Họ sống với nhau như vậy ngay cả sau khi Marston qua đời vào năm 1947. Marston đã từng viết trong một bài luận đăng trên tạp chí vào năm 1939 rằng: “Những người dễ dung thứ là những người hạnh phúc nhất, vậy tại sao không trút bỏ những định kiến ngăn cản chúng ta tiến đến hạnh phúc?”. Marston liệt kê sáu loại định kiến phổ biến nhất, trong đó, việc loại bỏ “định kiến với những người không theo khuôn phép thông thường” có ý nghĩa quan trọng nhất trong quan niệm sống của ông.

Tất nhiên Gaines không hề biết về những bí mật này của Marston khi họ gặp nhau vào năm 1940, nếu không Gaines đã không bao giờ thuê Marston khi bản thân đang cố tránh gây tranh cãi. Marston và Wonder Woman đóng vai trò then chốt trong sự ra đời của DC Comics- một trong những công ty truyện tranh lớn nhất của Mỹ. Vào năm 1940, Gaines quyết định đáp trả những chỉ trích về mình bằng cách thành lập một ban cố vấn biên tập và bổ nhiệm Marston làm thành viên.

Lúc đó, truyện tranh của DC Comics đã nổi tiếng với hai nhân vật là Superman và Batman. Những ấn bản về hai nhân vật này được công ty tự hào đóng dấu logo và dòng chữ ADC Publication (Một ấn bản của DC) như một sự đảm bảo về chất lượng. Nhưng Marston nhận ra rằng, sự xúc phạm tệ nhất của thể loại truyện tranh đang tồn tại là sự nam tính một cách ghê rợn của nó. Bởi vậy, cách tốt nhất để đẩy lùi chỉ trích là tạo ra một nhân vật nữ anh hùng.

Gaines, người đã tin và chọn phát triển Superman khi nhân vật này bị tất cả các hiệp hội khác ở Mỹ từ chối, đã quyết định cho ý tưởng về Wonder Woman của Marston một cơ hội. Vào tháng hainăm 1941, Marston gửi bản thảo kịch bản đầu tiên của mình, giải thích ý nghĩa ngầm của nguồn gốc chiến binh Amazon của Wonder Woman trong thần thoại Hy Lạp cổ đại, trong đó phụ nữ bị đàn ông giam hãm bằng xiềng xích cho đến khi họ tự giải phóng mình và trốn thoát. Những người phụ nữ mới này sống và hỗ trợ lẫn nhau trên Paradise Island (Hòn đảo Thiên đường) và dần dần phát triển một sức mạnh thể chất và quyền năng tinh thần vô cùng to lớn. Với câu chuyện này, Marston muốn ghi lại một phong trào vĩ đại đang xảy ra trong lịch sử, đó là sự lớn mạnh của nữ quyền.

Wonder Woman xuất hiện lần đầu tiên trên All-Star Comics vào cuối năm 1941 và xuất hiện trên trang bìa một tạp chí truyện tranh mới là Sensation Comics vào đầu năm 1942. Cô được khắc hoạ bởi một hoạ sĩ tên là Harry G. Peter. Wonder Woman đeo một chiếc vương miện bằng vàng, mặc một chiếc áo nịt đỏ, quần lót màu xanh dương và đi một đôi bốt da màu đỏ cao đến gối. Cô khá uyển chuyển và rất lập dị. Wonder Woman đã rời Paradise Island để đi đánh lại chủ nghĩa phát-xít bằng chủ nghĩa nữ quyền ở nước Mỹ, ‘thành trì cuối cùng của nền dân chủ và quyền bình đẳng cho phụ nữ’.

Gaines hoàn toàn hài lòng với một nhân vật chính diện yêu nước như vậy. Nhưng vào tháng ba năm 1942, tổ chức National Organization for Decent Literature đã cho Sensation Comics vào danh sách đen ‘những ấn phẩm không được phê duyệt cho thanh niên’ bởi một lý do: trang phục của Wonder Woman không đủ kín đáo.

Vậy là Gaines lại phải nhờ cậy đến một chuyên gia khác là Lauretta Bender, giáo sư tâm thần học tại trường Y của Đại học New York và cũng là một bác sĩ tâm thần học lâu năm, trưởng khoa nhi tại Bệnh viện Bellevue. Vào năm 1940, bà và cộng sự là Reginald Lourie đã tiến hành một nghiên cứu về ảnh hưởng của truyện tranh lên bốn trẻ có vấn đề về hành vi tại Bệnh viện Bellevue. Những đứa trẻ này thường tưởng tượng mình là những nhân vật truyện tranh với những khả năng phi thường khi chúng phải đối mặt với những tình huống khó khăn trong đời thực. Họ kết luận rằng truyện tranh chính là ‘truyện dân gian của thời nay’ và có tầm ảnh hưởng văn hoá giống như truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn.

Tuy nhiên, minh chứng về ảnh hưởng tích cực của truyện tranh đó vẫn chưa dừng được những tranh cãi về Wonder Woman. Gaines tiếp tục nhận được những bức thư chỉ trích những hình ảnh tàn bạo như trói và tra tấn phụ nữ trong truyện. Tuy Marston bỏ ngoài tai những chỉ trích này, một trong những người biên tập Wonder Woman và cũng là biên tập viên nữ đầu tiên của DC Comics là Dorothy Roubicek cũng phản đối những cảnh Wonder Woman bị tra tấn xuất hiện dày đặc trong từng tập truyện. Roubicek cũng không đồng tình với một số cách thể hiện về phụ nữ mà Marston truyền đạt trong truyện.

Gaines bèn đề nghị Roubicek đến nói chuyện với Bender. Với góc nhìn của một giáo sư tâm thần học, Bender cho rằng Marston muốn truyền tải tới công chúng vấn đề thực sự của thế giới hiện nay, đó là: sự khác biệt giữa nam giới và nữ giới không phải là một vấn đề về giới tính hay sự tranh đấu để giành quyền lực mạnh hơn mà thực ra là vấn đề về mối quan hệ giữa hai giới. Bender nhận định Marston đã bày tỏ quan điểm nữ quyền một cách rất thông minh, và dư luận nên để Wonder Woman được yên.

Vào năm 1944, Gaines và Marston ký thoả thuận để Wonder Woman trở thành một truyện tranh dài kỳ đăng báo, được quản lý bởi King Features. Công việc bận rộn hơn buộc Marston phải thuê một nữ sinh viên 18 tuổi là Joye Hummel để giúp ông viết kịch bản. Những câu chuyện trong sáng hơn của Hummel đã giúp Marston tránh được những chỉ trích về nội dung hơn. King Features trong những quảng bá của mình đã tuyên bố rằng Wonder Woman đã có hơn 10 triệu người hâm mộ trung thành.

Đến tận bây giờ, công chúng mới được biết rằng Marston xây dựng hình mẫu Wonder Woman không chỉ dựa trên người vợ chính thống là Holloway mà còn dựa trên cả người vợ ẩn danh Byrne nữa. Như vậy, tất cả những nhân vật có liên quan đến sự ra đời của Wonder Woman: Marston, Byrne, Holloway và cả hoạ sĩ Harry G. Peter đều là những người bị ảnh hưởng lớn lao bởi các phong trào nữ quyền như phụ nữ bầu cử, thuốc tránh thai v.v.  Tuy tính nữ quyền trong Wonder Woman còn gây nhiều tranh cãi và gặp phải chỉ trích của cả những người bảo thủ lẫn những người ủng hộ bình quyền nam nữ, nhưng đúng như Bender đã nhận xét: ‘những phụ nữ trong những câu chuyện này đã được đặt lên vị thế ngang bằng với nam giới và được thoả mãn làm những gì mà nam giới được làm’.

Nguồn: Khánh Minh - Tia Sáng

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng