Văn nghệ thế giới
Đông Nam Á quan tâm văn học mạng Trung Quốc
09:36 | 01/10/2018

Kể từ khi tác phẩm nổi tiếng của Trung Quốc Sự tiếp xúc thân mật đầu tiên ra mắt cư dân mạng năm 1998, văn học mạng Trung Quốc đã đi qua chặng đường 20 năm. Một số cuộc khảo sát cho thấy, văn học mạng Trung Quốc rất được quan tâm ở nước ngoài, trong đó có Đông Nam Á.

Đông Nam Á quan tâm văn học mạng Trung Quốc
Tiểu thuyết Hồ ly biết yêu của tác giả Diệp Lạc Vô Tâm được dịch sang tiếng Việt

Tiểu thuyết mạng Trung Quốc thâm nhập Việt Nam từ năm 2007. Tân Hoa Xã cho biết, trước năm 2007, lượng đầu sách Trung Quốc được dịch sang tiếng Việt và xuất bản tại Việt Nam đã chiếm một nửa tổng lượng đầu sách mới xuất bản hàng năm. Tuy nhiên, khi đó chưa có bóng dáng của văn học mạng Trung Quốc. Sau năm 2007, tiểu thuyết mạng Trung Quốc nhanh chóng “ấm” lên trong ngành xuất bản Việt Nam. Theo Nhân dân nhật báo, từ năm 2009 đến 2013, Việt Nam đã dịch và xuất bản 841 đầu sách Trung Quốc, trong đó có 617 đầu sách thuộc dòng văn học mạng Trung Quốc. 10 năm qua, Việt Nam đã xuất hiện website văn học mạng và 100 tác phẩm được hoan nghênh nhất đều là văn học mạng Trung Quốc. 

Một cư dân mạng Trung Quốc đã truy cập, tìm hiểu tình hình website văn học mạng ở Việt Nam và bất ngờ rằng, trang mạng Việt Nam dịch sang tiếng Việt tức thời, chỉ sau nửa tiếng văn học mạng Trung Quốc đăng trên trang mạng ở Trung Quốc. Hiện nay, các tác giả văn học mạng Trung Quốc như Diệp Lạc Vô Tâm, Noãn Tình Thiên, Đạo Tình... rất được độc giả Việt Nam ưa thích. Tác phẩm của họ chủ yếu là tiểu thuyết ngôn tình.

Cộng đồng người Hoa ở Đông Nam Á có thể đọc trực tiếp tiểu thuyết mạng Trung Quốc, thậm chí nhiều độc giả còn sáng tác văn học bằng tiếng Trung. Những tác giả văn học mạng ở Đông Nam Á thường đăng ký đăng bài trên các website lớn của Trung Quốc như qidian.com, zhulang.com. Anh Lạc Thế Tuấn, làm xuất bản ở Malaysia, cho biết một số tác giả Đông Nam Á từng đăng bài trên những website lớn của Trung Quốc, nhưng ít người quan tâm nên họ không đăng bài trên đó nữa. Lý do. website văn học mạng Trung Quốc cập nhật nhanh, tác giả đông nên cạnh tranh rất quyết liệt. 

Nhận thấy khoảng trống này, năm 2014, anh Lạc Thế Tuấn đã lập trang qidian.com phiên bản Malaysia. Thoạt nhìn, trang mạng này có đủ các đề tài văn học như huyền huyễn (kỳ ảo, có yếu tố phép thuật), lịch sử, thanh xuân vườn trường (học đường, cuộc sống sinh viên)... Điều khác biệt lớn nhất là các tác phẩm thường ngắn gọn hơn. Ở Trung Quốc, tác giả văn học mạng viết 3.000 chữ/ngày là chuyện bình thường nhưng trên qidian.com phiên bản Malaysia, anh Lạc Thế Tuấn ban đầu yêu cầu tác giả viết tối thiểu 1.500 chữ/ngày, sau đó lại giảm xuống còn 800 chữ.

Trang mạng của anh Lạc Thế Tuấn nhanh chóng thu hút các tác giả sáng tác văn học mạng bằng tiếng Trung đến từ các nước trong khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Philippines, Indonesia, Thái Lan, thậm chí cả ở Mỹ, Anh. Dần dần nó trở thành website văn học mạng tiếng Trung lớn nhất ở nước ngoài. Trong số các tác giả văn học mạng trên website của anh Lạc Thế Tuấn, có thể kể đến Alice Thái, người Malaysia, đang học lớp 9. Alice Thái bắt đầu sáng tác tiểu thuyết mạng sau khi được gợi ý từ tiểu thuyết đề tài huyền huyễn đăng trên trang mạng của Trung Quốc. Tiểu thuyết do Alice Thái sáng tác, kể lại câu chuyện một chàng cáo biết nói, từ Mỹ đến Malaysia, ở bên cạnh một nữ sinh trung học phổ thông. Alice Thái đã dùng sáng tác văn học để lột tả cuộc sống trung học phổ thông của mình.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn học mạng thuộc Hiệp hội Internet thanh niên Bắc Kinh Ngô Trường Thanh, cho rằng lý do văn học mạng Trung Quốc được độc giả Đông Nam Á quan tâm là vì các nước trong khu vực có một số nét văn hóa giống Trung Quốc ở một chừng mực nào đó.

Theo Minh Châu - SGGP

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng