Văn nghệ thế giới
Nhiều nhà thơ Việt đọc tác phẩm trên đài phát thanh Mỹ
14:56 | 21/02/2019

Sáng tác của Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh, Nguyễn Trọng Tạo... vang trên radio nhiều đại học và đài phát thanh công cộng ở Mỹ.

Nhiều nhà thơ Việt đọc tác phẩm trên đài phát thanh Mỹ
Chín nhà thơ có tác phẩm phát ở chương trình phần 1 (từ trái sang, từ trên xuống): Tuyết Nga, Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh, Nguyễn Quang Thiều, Bùi Hoàng Tám, Trần Quang Quý, Giang Nam, Ngô Tự Lập, Nguyễn Bảo Chân.

Khởi đầu năm Kỷ Hợi 2019 và chào Ngày thơ Việt Nam lần thứ 17 (ngày 19/2, tức Rằm Nguyên Tiêu), chương trình thơ - nhạc mang tên Lanterns Hanging on the Wind (Những chiếc lồng đèn treo vào ngọn gió) đến với thính giả Mỹ. Chương trình gồm hai phần, mỗi phần dài một giờ đồng hồ, được phát sóng từ ngày 11/2.  

Dự án do Melodically Challenged, thuộc đại học công lập Georgia State University (tiểu bang Atlanta, Mỹ), sản xuất cùng với nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai.

Tất cả tác giả tham gia chương trình đã ghi âm giọng đọc của mình, trong đó có nhà thơ Giang Nam, người đọc bài Quê hương khi ông 88 tuổi, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đọc bài Tin thì tin không tin thì thôi trước khi ông qua đời vì bệnh ung thư. Bài thơ Tiếng Việt của Lưu Quang Vũ và Thuyền và biển của Xuân Quỳnh được thể hiện qua giọng đọc của em gái ông - nhà phê bình văn học, tiến sĩ Lưu Khánh Thơ. Bản dịch tiếng Anh các tác phẩm được thể hiện qua giọng đọc của nữ thi sĩ Jennifer Fossenbell, người có nhiều sáng tác về Việt Nam, như bài In Hanoi, Again (Lại được ở trong lòng Hà Nội). Bài thơ của Jennifer nhận được tặng thưởng cuộc thi Thơ về Hà Nội 2008 - 2010 do báo Văn Nghệ và Đài Phát thanh & Truyền hình Hà Nội tổ chức.

nhà thơ Giang Nam ghi âm giọng đọc cho chương trình khi ông 88 tuổi

Nhà thơ Giang Nam ghi âm giọng đọc cho chương trình khi ông 88 tuổi.

Chương trình cũng phát sóng các bài thơ phổ nhạc như Thuyền và biển (thơ Xuân Quỳnh, nhạc Phan Huỳnh Điểu, Thu Minh trình bày), Tiếng Việt (thơ Lưu Quang Vũ, nhạc Nguyễn Lê Tâm, Tân Nhàn trình bày), Khúc hát sông quê (thơ Lê Huy Mậu, nhạc Nguyễn Trọng Tạo, Anh Thơ trình bày). Ngoài ra, Những chiếc lồng đèn treo vào ngọn gió còn giới thiệu tới thính giả quốc tế các tác phẩm dân ca ba miền Bắc, Trung, Nam, qua âm thanh trầm bổng, du dương của các loại nhạc cụ truyền thống như đàn bầu, đàn tranh, đàn nhị, đàn nguyệt... được các nghệ sĩ Hoàng Anh Tú, Nguyễn Thế Dân, Hồng Lê, Đoàn Minh Tuấn, Thu Hà, Ngọc Hoàn thể hiện. Chương trình cũng bao gồm các tác phẩm ca Huế của nhà thơ Võ Quê qua giọng hát của nghệ sĩ Dạ Lê và Kim Liên.

Từ Indonesia, Nguyễn Phan Quế Mai kể quá trình dịch các bài thơ khá gian nan. Chị cùng Jennifer Fossenbell dịch mười trong 18 bài thơ trong chương trình. "Các tác phẩm đều khó dịch. Trong quá trình chuyển ngữ, tôi đã nhiều lần trao đổi với các tác giả. Trong trường hợp bài thơ Tiếng Việt của nhà thơ Lưu Quang Vũ, tôi đã hỏi ý kiến chị Lưu Khánh Thơ và cha tôi để hiểu hơn những cụm từ như: 'hun thuyền', 'lòng khế xót', 'lòng trai ôm ngọc sáng', 'kẻ ăn cầu ngủ quán', 'mai về trúc nhớ'...", nhà thơ Quế Mai cho biết.

Chương trình có sự tham gia dịch thuật của: Nguyễn Bá Chung, Martha Collins, Nguyễn Tuyết Ngân, Kevin Bowen, Nguyễn Minh Phương, Bruce Weigl, Ngô Tự Lập, Lady Borton, Thiếu Khanh, Kwame Dawes, Giàu Minh Trương.

Chín nhà thơ tham gia chương trình phần hai (từ trái sang phải, từ trên xuống dưới): Ly Hoàng Ly, Lê Huy Mậu, Mai Văn Phấn, Hoàng Việt Hằng, Nguyễn Trọng Tạo, Hữu Việt, Lê Anh Hoài, Đặng Nguyệt Anh, Vi Thùy Linh.


Bà Katherine Kincer, giám đốc Melodically Challengedchia sẻ: "Tôi tin thính giả Mỹ và quốc tế khi nghe chương trình sẽ bất ngờ bởi vẻ đẹp của thơ ca và âm nhạc Việt". Nhà thơ Paul Christiansen, một trong những thính giả đầu tiên của chương trình nhận xét: "Thưởng thức các bài thơ đọc bằng tiếng Việt trước khi nghe bản dịch là điều cần thiết để hiểu được nhịp điệu và kết cấu phong phú của ngôn ngữ này. Các bản dịch qua giọng đọc truyền cảm của Jennifer Fossenbell giúp tôi kết nối một cách sâu sắc với các nhà thơ và Việt Nam".

18 tác phẩm thơ tham gia chương trình là những câu chuyện về tình yêu: Tình yêu quê hương đất nước, tình yêu đôi lứa, tình yêu tiếng Việt. Chúng còn là câu chuyện về những nỗi đau mất mát từ chiến tranh, những nỗi đau trước thân phận con người và bi kịch xã hội. Đó là những câu chuyện về quá khứ, hiện tại, và cả tương lai, nơi thi ca không đứng bên ngoài mà dự phần vào cuộc sống.

Tên chương trình - Những chiếc lồng đèn treo vào ngọn gió - được trích từ bài thơ Mắt của nhà thơ Tuyết Nga, vốn viết ở một trường khiếm thị với những câu như: "Thử nhìn bằng đôi mắt em/ chợt thấy bầu trời ngay trên ý nghĩ/ thấy ước mơ như những chiếc đèn lồng treo vào ngọn gió/ thấy những bông hoa không màu/ Nếu trái tim không mù lòa/ quờ tay là thấy được hồn nhau/ thấy được cả những giấc mơ côn trùng dấu dưới nhành cỏ biếc...".

Theo Tam Kỳ - vnexpress
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng