Sáng 17/3/2019 tại Hà Nội, Công ti Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam đã tổ chức buổi hội thảo Simenon - tiểu thuyết gia giữa các nhà văn. Đây là sự kiện kỉ niệm 30 năm ngày mất của nhà văn Georges Simenon và Ngày Quốc tế Pháp ngữ 2019 tại Việt Nam.
Georges Simenon (1903-1989) là nhà văn Bỉ sáng tác bằng tiếng Pháp. Ông nổi tiếng nhờ sức viết đáng nể và thành công bởi những tiểu thuyết trinh thám, đặc biệt là với nhân vật thanh tra Maigret, nhân vật đưa tên tuổi ông đến khắp nơi trên thế giới.
Simenon là tác giả tiếng Pháp trong thế kỉ XX được dịch ra nhiều ngôn ngữ nhất. Ông viết gần 200 tiểu thuyết, trong đó có khoảng 70 tiểu thuyết được chuyển thể lên màn ảnh rộng và truyền hình. Những đạo diễn xuất sắc nhất của thời kì đó như Jean Renoir, Marcel, Claude Chabrol... đều được tác phẩm của ông gợi cảm hứng. Họ cho rằng những tác phẩm của Simenon tài năng mang hơi thở thời đại và chứa đựng những yếu tố mà con người luôn quan tâm.
Tham dự buổi hội thảo, Giáo sư Laurent Demoulin - nhà phê bình văn học, tiểu thuyết gia, người phụ trách Trung tâm Nghiên cứu và Quỹ Georges Simenon của trường Đại học Liège chia sẻ: Simenon không thuần túy là người viết tiểu thuyết trinh thám, ông viết cả những tiểu thuyết tâm lí. Tuy nhiên Simenon cho rằng những tiểu thuyết tâm lí ấy là sự nặng nề, bi kịch. Con người đã không thoát ra khỏi điều đó, họ chấp nhận quay lại với nếp sống và thói quen cũ, không có một đột phá hay khác biệt nào xảy ra. Đó là một sự cố hữu tăm tối.
Đương thời, Simenon không được các nhà trí thức đánh giá cao, bởi phần lớn họ cho rằng tiểu thuyết trinh thám không được văn học cho lắm. Tuy nhiên đông đảo bạn đọc bình dân ở phương Tây lại vô cùng yêu thích các tác phẩm của ông. Sự thành công của Simenon trước hết đến từ cách kể chuyện cực kì đơn giản nhưng ông lại là bậc thầy trong việc mô tả tâm lí một cách sâu sắc, khiến cho phần đông bạn đọc đều thấy được mình trong câu chuyện của ông.
Simenon cũng được biết đến là một nhà văn có cuộc đời khá đặc biệt và điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến văn chương của ông. Simenon yêu bố, và không có được tình yêu từ người mẹ. Khi bố mất, Simenon đã lao vào viết văn để đuổi theo và tìm kiếm tình mẫu tử. Đó là giai đoạn ông viết nhiều nhất trong cuộc đời mình. Sự vô vọng trong cuộc rượt đuổi tình yêu ấy đã mang lại cho ông một sự nghiệp văn xuôi đồ sộ. Khi mẹ ông mất, gần như ông đã không thể viết lại, cho đến khi một nỗi đau khác ập đến: con gái ông - người xem ông như thần tượng của cuộc đời mình - tự vẫn, Simenon đã trở lại viết văn để an ủi linh hồn con gái cũng như tìm sự bình yên cho chính mình.
André Gide, nhà văn của giải Nobel văn học năm 1947 là một trong ba nhà phê bình đầu tiên công nhận tài năng của Simenon. André Gide đã chủ động trao đổi với Simenon về việc sáng tác và khẳng định: “Simenon là tiểu thuyết gia thiên tài, và là tiểu thuyết gia xác tín nhất của nền văn học ngày nay”.
Một số tác phẩm của Simenon đã được xuất bản tại Việt Nam như: Chuyến tàu định mệnh, Sự thật về Bébé Donge, Ông thị trưởng ở Furnes. Theo GS. Laurent Demoulin, từ lâu người ta đã thay đổi quan niệm và cái nhìn về văn chương Simenon. Rất nhiều nhà phê bình, các bậc trí thức đã nghiên cứu về văn học trinh thám của ông và làm cho nó đi xa hơn, phổ biến hơn.
Theo Hoài Phương - VNQĐ