Văn nghệ thế giới
Cuốn hồi kí sống động về bà ngoại của Aida Edemariam đạt giải thưởng Ondaatje
09:27 | 17/05/2019

Với The Wife’s Tale, nhà văn, nhà báo Edemariam đã vượt qua hàng loạt các đồng nghiệp khác như Sarah Moss, Adam Weymouth để nhận giải thưởng văn học của Hiệp hội Văn học Hoàng gia Anh trị giá 10.000 bảng Anh (khoảng 300 triệu VNĐ).

Cuốn hồi kí sống động về bà ngoại của Aida Edemariam đạt giải thưởng Ondaatje
Tác giả Aida Edemariam.

Tác phẩm The Wife’s Tale: A Personal History (tạm dịch: Câu chuyện về người vợ: Một hồi kí cá nhân) thuộc thể loại tiểu sử hồi kí. Nhân vật chính là bà ngoại của tác giả tên là Yetemegnu, sinh ra ở miền Bắc Ethiopia từ hơn 100 năm trước. Câu chuyện được kể lại từ khi Yetemegnu ra đời, tới năm lên 8 tuổi đã phải kết hôn với một người lớn hơn mình 20 tuổi; trải qua nhiều những biến cố của đời sống và những thay đổi về nhận thức, cuối cùng nhân vật chính mất vào năm 2013 ở tuổi 97; qua 97 năm của đời một cá nhân, cuốn sách đã khéo léo bao quát được cả bức tranh lớn của nước Ethiopia thời kỳ đó: tình hình kinh tế - chính trị, sự chiếm đóng của phát xít, sự trỗi dậy và sụp đổ của nhà cai trị Haile Selassie, những cuộc cách mạng và nội chiến…

Yetemegnu - bà ngoại của Aida Edemariam - nhân vật chính trong cuốn sách, người đã sống qua sự chiếm đóng của Ý ở Ethiopia vào những năm 1930. Ảnh: Harper Collins

Tác phẩm được giới chuyên môn nhận xét là kế thừa được nguồn cảm hứng tinh thần mà các tác phẩm chiến thắng giải thưởng này trước đó như The Hare With Amber Eyes (tạm dịch: Thỏ rừng có đôi mắt màu hổ phách) của Edmund de Waal và This boy (tạm dịch: Cậu bé này) của Alan Johnson, đã từng thể hiện.

Roberts – một thành viên trong ban giám khảo ngợi khen, cuốn tiểu sử với hình thức, cấu trúc, ngôn từ đầy ấn tượng đã thể hiện được một câu chuyện gợi cảm, đẹp đẽ, phức tạp về người phụ nữ dung dị mà phi thường với tất cả sự mạnh mẽ, lạc quan và ý chí sinh tồn vĩ đại.

Còn chủ tịch Hội đồng giám khảo - Sabrina Mahfouz thì cho rằng: Cuốn hồi kí đã được Edemariam thể hiện bằng sự tinh tế của nhịp đập trái tim và tâm hồn, miêu tả sinh động người phụ nữ kiên cường, mạnh mẽ, bất khả xâm phạm, trong tình hình biến động của chính trị, tôn giáo, chủ nghĩa yêu nước…

Aida Edemariam có cha là người gốc Ethiopia và mẹ là người Canada. Cô lớn lên ở Addis Ababa, thủ đô của Ethiopia, châu Phi, theo học Văn học Anh tại Đại học Oxford và Đại học Toronto.Edemariam được đánh giá là nhà báo kì cựu của Canada, từng làm việc tại nhiều nơi như: New York (Mĩ); Toronto (Cannada) và London (Anh), có thời gian đảm nhận vị trí Phó tổng biên tập và biên tập sách của Bưu chính Quốc gia Canada. Hiện, cô sống ở nước Anh, chuyên sáng tác văn học và làm biên tập viên cao cấp của The Guardian.

Aida Edemariam từng chia sẻ vào năm ngoái với The Guardian về nguồn gốc cảm hứng để viết nên tác phẩm The Wife’s Tale, đó là sự cuốn hút kì lạ từ những câu chuyện và cuộc đời của bà ngoại cô: “Bà không thể viết hay đọc, cho đến những năm 60 tuổi, bà đã kể lại từ kí ức của mình những câu chuyện kì lạ, những mẩu chuyện cười và những giấc mơ một cách khéo léo. Tôi đã dành thời gian của mình để nghe những câu chuyện được kể đi kể lại như thế, bằng tiếng Amharic (ngôn ngữ Phi-Á tại Ethiopia, thuộc nhánh Semit). Tác phẩm này như là sản phẩm truyền miệng được ghi lại bằng văn xuôi. Những gì tôi viết chính là một bản dịch trực tiếp những điều bà tôi kể với nhịp điệu của riêng bà. Tôi và bà thuộc hai thế hệ khác nhau, sống thời đại khác nhau, có những quan điểm sống và môi trường giáo dục khác nhau, tôi lại tiếp nhận luồng văn hóa tư tưởng phương Tây, nên khi ghi lại, tôi đã cố gắng để bà và thế giới của bà nói càng nhiều càng tốt. Mặc dù tôi vẫn có mặt, đã dịch lại, viết lại bằng cách lựa chọn ngôn từ.”

Ngay khi xuất bản lần đầu vào năm 2018, The Wife’s Tale đã nhận được sự khen ngợi từ nhiều chuyên gia. HarperCollins viết trên The Times: "Cuốn hồi kí đã làm giàu thêm cho văn chương", còn tờ New Statesman đăng ý kiến của Lucy Hughes-Hallett: "Đọc The Wife’s Tale, độc giả không chỉ để nghe về thời gian đã qua mà còn được sống lại thời đại ấy"; trong khi đó thì nhà phê bình Nilanjana Roy trên thời báo Financial Times lại mô tả đây là "cuốn hồi kí nổi bật và khác thường, tác giả đã truy tìm cả một thế kỉ lịch sử của Ethiopia chỉ thông qua cuộc đời của bà ngoại mình."

Giải thưởng Ondaatje được thành lập từ năm 2004 của Hiệp hội Văn học Hoàng gia Anh nhằm trao cho các “tác phẩm xuất sắc, đánh thức những giá trị tinh thần cao quý”.

Theo Ngọc Hiên - VNQĐ

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng