Kết quả điều tra chính thức vừa được Sở Công thương tỉnh Quảng Đông công bố ngày 30-6. Theo Nhật Báo Trung Quốc, kết quả điều tra cho thấy hơn 50% sản phẩm nước giải khát, nước uống đóng chai và các sản phẩm vệ sinh của 72 công ty ở tỉnh này sản xuất đều có vấn đề về tiêu chuẩn an toàn vệ sinh. Thật ra từ ngày 26-6, trước khi Sở Công thương tỉnh Quảng Đông đưa ra kết quả trên, báo chí ở tỉnh Quảng Đông đã phát hiện hàng loạt sản phẩm thức uống có vấn đề. Nước giải khát đầy hóa chất Báo Chất Lượng Trung Quốc cho biết đa số thức uống đóng hộp ở thành phố Trung Sơn, tỉnh Quảng Đông có chứa đường hóa học, lượng vi khuẩn đều cao hơn mức quy định an toàn vệ sinh thực phẩm. Báo dẫn lời ông Lạc Cẩm Chương, lãnh đạo Công ty thực phẩm giải khát Hoa Thành có nhà máy ở Trung Sơn, khẳng định: “Doanh nghiệp sản xuất hiện nay đều dùng đường hóa học thay thế đường nguyên chất chỉ vì lợi nhuận và xem thường sức khỏe người tiêu dùng”. Nguồn tin từ Sở Công thương Quảng Đông khẳng định sản phẩm thức uống trái cây hương sữa đóng hộp của công ty ở Yết Đông có hàm lượng đường hóa học cao gấp 4,2 lần mức cho phép. Ngoài sử dụng hóa chất sai quy định, hàng loạt thức uống khác còn có lượng vi khuẩn cao gấp nhiều lần mức cho phép. Cụ thể như sản phẩm nước uống đóng hộp hương dứa loại 250ml của một công ty ở thành phố Mai Châu sản xuất có lượng vi khuẩn lên men cao hơn 20 lần mức an toàn cho sức khỏe con người. Ngoài ra, theo Nhật Báo Phương Nam, các sản phẩm thức uống và nước uống đóng chai còn có hàm lượng khoáng chất không phù hợp cho sức khỏe con người và doanh nghiệp còn cố ý làm sai lệch thông tin về hạn sử dụng, thành phần nguyên liệu trên nhãn mác của sản phẩm... để đánh lừa người tiêu dùng!? Giấy vệ sinh... kém vệ sinh Trong lần công bố kết quả điều tra này của Sở Công thương Quảng Đông, danh sách sản phẩm kém chất lượng còn bao gồm cả sản phẩm vệ sinh dành cho phụ nữ và các sản phẩm giấy vệ sinh sử dụng hằng ngày khác. Theo Nhật Báo Trung Quốc, có gần 49% mẫu sản phẩm vệ sinh không hợp vệ sinh, trong đó sản phẩm khăn giấy chiếm 32,1% chủ yếu là có lượng vi khuẩn, nấm độc hại cao gần gấp đôi mức an toàn. Giải thích nguyên nhân không hợp vệ sinh này, cơ quan kiểm định cho biết chủ yếu là do nhà sản xuất sử dụng nguyên liệu tái chế nhằm hạ giá thành sản xuất để tăng lợi nhuận. Theo Nhật Báo Quảng Châu, dù quy định chất lượng đối với sản phẩm vệ sinh phụ nữ khá gắt gao, nhưng ở thị trường Quảng Đông vẫn tồn tại gần 25% sản phẩm không đạt chuẩn do nhà sản xuất không tuân thủ quy định sử dụng nguyên liệu vệ sinh chuyên dụng, thậm chí có sản phẩm còn không có giấy chứng nhận an toàn cho sức khỏe con người nhưng vẫn được bán ra. Nhật Báo Trung Quốc cho biết thêm đây là đợt công bố và kiểm tra lần thứ hai đối với các sản phẩm tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Quảng Đông. Những kết quả trên liên tục làm rúng động người tiêu dùng ở Quảng Đông và các vùng khác ở Trung Quốc. Tuy nhiên, lần này Sở Công thương tỉnh Quảng Đông chỉ công bố số lượng sản phẩm và 72 nhà máy sản xuất nhưng lại không công bố danh tính cụ thể với lý do thời điểm chưa thích hợp. Điều này càng khiến người bán lẫn người mua ở Quảng Đông phẫn nộ. “Cơ quan chức năng nên cho chúng tôi biết rõ sản phẩm nào không chất lượng và không an toàn, chứ cứ nói chung chung vài sản phẩm có hại cho sức khỏe thì có tác dụng gì” - Nhật Báo Trung Quốc dẫn lời nhà kinh doanh Hoàng Xuân Hồng ở Quảng Đông phản ứng. Theo TT |