Văn nghệ thế giới
Người An Nam qua góc nhìn của người Pháp có gì khác?
08:37 | 18/06/2019

Với nhiều năm sinh sống và làm việc ở Việt Nam cùng vốn hiểu biết rành rẽ về con người và tập quán bản xứ, Paul Giran đã vẽ nên một bức tranh sinh động và tỉ mỉ về xã hội An Nam cũng như những điều kiện về tự nhiên và xã hội cách đây hơn một thế kỷ trong cuốn “Tâm lý người An Nam” vừa được NXB Nhã Nam cho ra mắt.

Người An Nam qua góc nhìn của người Pháp có gì khác?

Là một trí thức người Pháp sống và làm việc ở Việt Nam mấy chục năm, đồng thời là một quan chức của chính quyền Đông Dương thuộc địa, Paul Giran luôn mang trong mình một mong muốn về công cuộc “khai hóa” viễn xứ. Ông nhận ra rằng đã từ lâu, người Pháp gặp khó khăn trong việc nhìn nhận những dân tộc xa lạ và khác biệt với họ.

“Chúng ta thừa nhận – và phải mất đến hơn một thế kỷ chúng ta mới khám phá ra chân lý mà chủ thuyết bình đẳng đã khiến ta không ngờ đến – rằng mỗi dân tộc, cũng như mỗi con người, đều có một tâm hồn riêng; và còn những tính cách dân tộc cũng như có những thuộc tính cá nhân.”, trích đoạn trong “Tâm lý người An Nam”.

Chính vì lẽ đó, Paul Giran mang trong mình tham vọng tường giải tâm lý dân tộc An Nam, bằng một cuộc truy nguyên về cội nguồn dân tộc đó ở đại gia đình dòng giống Mông Cổ chiếm cứ vùng trung tâm châu Á, đánh giá những nhân tố tác động thuộc về môi trường tự nhiên và nhân văn, để rồi đúc kết nên cá tính và tâm hồn bản địa trải qua cuộc tiến hóa dài lâu của lịch sử.

Trong vai trò học giả, Paul Giran đã không ngại phơi bày những lề lối hủ tục của đối tượng nghiên cứu, dù là người An Nam, Trung Hoa, hay Mã Lai. Từ đó giúp độc giả hiểu thêm về con người Việt Nam, đời sống vật chất và tinh thần cũng như tín ngưỡng tâm linh của dân tộc cách nay hơn một thế kỷ từ một góc nhìn khác lạ.

Với kiến văn sắc sảo và sự hiểu biết khá phong phú về lịch sử, ngôn ngữ, tôn giáo và văn hóa Việt Nam, Paul Giran đã viết nên “Tâm lý người An Nam” như một tư liệu có giá trị lịch sử. Đó cũng một phép so sánh thú vị về những giá trị và quan niệm khác nhau giữa hai nền văn minh Đông – Tây trên nhiều bình diện.

Tuy nhiên, quan điểm của tác giả, cách nhìn, kể cả tư tưởng và những nhận định cần đặt trong diễn biến nhận thức của giới quan lại mẫu quốc đối với thuộc địa. Vì vậy, sách cần thiết phải có một lời giới thiệu kỹ với những lưu ý chi tiết để tránh hoang mang cho bạn đọc, nhất là bạn đọc tuổi 20.

Theo Nguyễn Hòa - ANTĐ

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng