Văn nghệ thế giới
Pedro Páramo: Một thời xa vắng
09:52 | 26/07/2019

Chỉ riêng một lời của Gabriel García Márquez, rằng “Nếu tôi có thể viết một cuốn tiểu thuyết như Pedro Páramo của Juan Rulfo thì tôi sẽ bẻ bút không viết nữa”, là đủ để người ta nhất định phải đọc Pedro Páramo.

Pedro Páramo: Một thời xa vắng
"Pedro Páramo" trong ấn bản của Phanbook và NXB Hội nhà văn hợp tác xuất bản

Và, kiệt tác sinh ra kiệt tác. Cũng như James Joyce đã đĩnh ngộ Odysseus của Homère, để rồi viết nên một kỳ thư về cái ngày 16 tháng 6 năm 1904, khi người đàn ông tên Leopold Bloom loanh quanh khắp Dublin, như một lời đáp của chủ nghĩa hiện đại với thiên sử thi Hy Lạp, thì Márquez cũng đã viết nên Trăm năm cô đơn nhờ nguồn cảm hứng từ Pedro Páramo - một ngọn núi của văn chương Mexico và văn chương thế giới thế kỷ 20.

Đặt song song hai cuốn sách, một dày cộp, một mỏng tang, ta xem Pedro Páramo đã bắt đầu thế nào: “Tôi tới làng Comala vì người ta bảo rằng cha tôi, một Pedro Páramo nào đó đã từng sống ở đây.” 

Còn với Trăm năm cô đơn, đoạn mở đầu là: “Rất nhiều năm sau này, trước đội hành hình, đại tá Aureliano Buendía đã nhớ lại buổi chiều xa xưa ấy, cái buổi chiều cha chàng dẫn chàng đi xem nước đá. Thời ấy, Macondo là một làng gồm vài chục góc nhà tranh vách đất…”

Một đứa con trai, một người cha, một cái làng của cái “thời ấy” với những ký ức “đã từng sống ở đấy”, và hành động ngược dòng ký ức, chừng ấy những điểm chung như báo hiệu rằng, lời mở đầu của Trăm năm cô đơn là sự tri ân mà Márquez dành tới Rulfo, tựa một khúc biến tấu trên chủ đề của Mozart mà Beethoven dâng lên bậc thầy.

Nhưng nếu làng Macondo của Márquez đã khởi sinh như một miền đất hứa của cặp tình nhân muốn “chạy trốn vào cõi cô đơn”, và dù sau cả trăm năm cuối cùng cũng hóa vào gió bụi, nhưng suốt những thời đoạn sinh tồn, cuộc sống nơi đây vẫn có sự lảnh lót đầy mê hoặc, thì Comala của Rulfo là cái làng trũng “dãi dầu nhật nguyệt”, nơi rất gần địa ngục, nơi ngọn lửa địa ngục liếm lên, tạo nên cái nóng bã bời, tạo nên một lớp người lún trong lớp sình lầy mà không buồn quẫy đạp. 

Chưa hết, nếu Trăm năm cô đơn là biên niên sử của cả một dòng tộc bị kết án cô đơn, thì Pedro Pàramo, ngay từ tựa đề đã gợi ý đây là huyền sử một con người. Điều đó cũng không khiến Pedro Páramo kém đồ sộ hơn hay dễ bề luận giải. Cuốn sách chỉ vỏn vẻn 200 trang phủ một lớp sương ứ đọng, như một giấc mơ thách thức người giải mộng.

Juan Preciado vâng lời mẹ, tìm đến làng Comala để tìm người cha là một Pedro Páramo nào đó. Anh được dẫn đường bởi một người dắt lừa, gã chỉ là một hồn ma. Anh gặp được một người phụ nữ mà mẹ anh dặn dò, bà chỉ là một hồn ma nốt. Trong thế giới ấy, người ta đều đã chết, nếu sống, họ cũng sống mà như đã chết. Họ không bước ra khỏi nhà. Họ không có gì, chỉ còn một cuộc đời dài lê thê. Và quanh họ chỉ còn những tiếng thầm thì dội lên từ những vách tường, thoát ra từ những kẽ hở, những vọng âm của một thời hoang liêu. Thế rồi, một đêm, Juan Preciado phát hiện ra mình đã chết. Dưới nấm mồ, anh kể lại chuyến đi của mình.

Chuyến đi tìm cuộc đời của cha anh, Pedro Páramo, cuộc đời từ khi là đứa trẻ sinh ra trong gia đình giàu có đã sa sút, đến khi trỗi dậy thành bạo chúa nhờ những mánh khóe ăn cướp của mình, rồi đến khi tay trắng hoàn trắng tay sau cuộc nổi dậy của nông dân Mexico. Suốt ba chặng đời ấy, chỉ hai mối tương tư không đổi với y, một mối thù giết cha và một mối tình đầu.

Pedro Páramo, bên trong y có thói lừa đảo và phẩm chất của một nhà tiên tri. Y biết khi nào thời của mình đến. Khi thời của mình đã tàn, y cũng nhận chân. Và Pedro Páramo, y vĩ đại bởi y không chỉ là một con người. Ít ai để ý, ngay từ cái tên Páramo đã nói nhiều hơn thế, “paramo” nghĩa là những cao nguyên đồi trọc. Theo nghĩa đó, Pedro Páramo - tay địa chủ -  là ẩn dụ của cả một miền địa lý. 

Ta thậm chí có thể so sánh thế này: dòng họ Buendía của Márquez là trục tung, đế chế Páramo là trục hoành, bởi dòng họ Buendía kéo dài hàng mấy đời và vì thể để lại nghiệp chướng “cái đuôi lợn” theo chiều dọc thời gian, còn đế chế Páramo được kể trong sự rộng dài địa lý (“...ngút tầm mắt mới bao quát được đất đai vùng này. Cả Media Luna là thuộc quyền sở hữu của ngài Pedro Páramo”), và cái nghiệp chướng của dòng họ ấy lan rộng theo chiều ngang không gian.

Chiều ngang là thế nào? Đạo diễn Carlos Velo sau này đã có một lí giải thật hay về cái nghiệp chướng của dòng dõi Páramo khi ông chuyển thể tác phẩm thành phim điện ảnh. Ở cảnh cuối cùng, Pedro Páramo ngồi trên chiếc ghế trước cửa ngôi nhà ở điền trang Media Luna, ngóng nhìn về con đường thiên lý dẫn về phía xa xăm, bơ vơ giữa một thế giới đã từng thuộc về y nhưng nay đã rã rời, thì tay dắt lừa Abundio ngật ngưỡng say bước tới, hỏi xin tiền không được, hắn cầm con dao đâm túi bụi lên don Pedro, vừa đâm, gã vừa thất thanh: “Tao là con trai của Pedro Páramo. Tao là con trai của Pedro Páramo. Chúng tao tất cả đều là con trai của Pedro Páramo.”

“Chúng tao tất cả đều là con trai của Pedro Páramo”, câu thoại này tương tự một câu ở đoạn đầu trong tiểu thuyết, một câu thoại không có gì đáng chú ý, được nói ra khi hồn ma bóng quế của Abundio gặp gỡ người anh em cùng cha Juan Preciado, nhưng khi vào phim lại được đảo vị trí, ẩy tới tận cùng, trở thành chìa khóa giải mã toàn bộ bối cảnh mà Rulfo đã dày công bài trí. Tên bạo chúa Pedro Páramo ấy, dòng máu xấu của y đã sinh sôi rộng khắp Media Luna và Comala. Y cưỡng hiếp những người đàn bà và đẻ ra những đứa con tội lỗi, y cưỡng hiếp cả mảnh đất rộng bao la và đẻ ra những trái cây chua loét. Y là một kiếp đầu thai của Vua Laius, người đã từ bỏ đứa con “nghiệt chủng” Oedipus, để rồi một ngày kia, đứa con chối bỏ quay trở lại, hạ sát cha mình.

Một đời viết văn, Juan Rulfo chỉ sở hữu vỏn vẻn hai tác phẩm (thế thôi cũng đủ để tên ông xếp ngang với Carlos Fuentes hay Octavio Paz). Một là tập truyện ngắn Bình nguyên lửa, hai là tiểu thuyết ngắn Pedro Páramo. Sau Pedro Páramo, ông không phong bút, vẫn tiếp tục viết, nhưng hầu như đều dang dở. Ông bảo rằng mình đã viết tất cả những gì cần phải viết. 

Ông vẫn làm những công tác khác, như chụp ảnh. Juan Rulfo chỉ có hai cuốn sách thôi, nhưng có tới sáu ngàn bức ảnh, đều là ảnh đen trắng về đời sống nông thôn Mexico. Không để lại nhiều bút tích, thành ra những tấm ảnh lại trở thành ngọn nến rọi vào mỹ học trong văn chương của ông.

Cái sự thật rằng Juan Rulfo là một nhiếp ảnh gia thực sự làm sáng tỏ cách viết của ông trong Pedro Páramo, một cuốn truyện như được bện bởi hàng trăm những bức ảnh chồng chéo lên nhau, là một tổ hợp rất nhiều những khoảnh khắc tưởng chừng rời rạc trong một album ảnh, với những giọng nói khác nhau, những người kể khác nhau, những độc thoại và đối thoại phân mảnh, nhưng rốt cuộc lại xâu chuỗi thành một cõi đời chung.

Milan Kundera đã từng để một nhân vật của mình nói thế này trong tiểu thuyết  Sự bất tử, đại để là, việc chụp một tấm ảnh là sự làm phiền tới một khoảnh khắc đáng ra chỉ là phù du. Ta có thể diễn giải lại câu ấy thành, chụp ảnh là một sự trêu ngươi thời gian. Sự trêu ngươi thời gian ấy nhiễm vào văn chương của Juan Rulfo. Trong Pedro Páramo, thời gian bị bóp méo, phi tuyến tính, thậm chí thời gian đã chết. Những cư dân làng Comala luẩn quẩn trong khung hình của mình, như những cái bóng bị nhốt trong tấm ảnh, không thể đi đâu, không thể trốn thoát.

Ngày nay, nếu ai có dịp tìm đến ngôi làng San Gabriel quê hương của Juan Rulfo, nguyên mẫu cho ngôi làng Comala trong tiểu thuyết, sẽ thấy vạn sự đã đổi dời. Ngôi làng đã có ga tàu, những cửa hàng tấp nập bán những đôi giày tennis, những chiếc bánh taco, những lon coca-cola, không thiếu thứ gì. Sau cái chết của những lãnh chúa như Pedro Páramo, trái đất cổ xưa “khô dầu kêu lạo xạo” đã tiêu tán, một trái đất mới được thai nghén và ra đời.

Nhưng, cái chớp sáng nơi cửa chập trong con mắt của Juan Rulfo đã an định rằng, sẽ không ai có thể quên, tại Comala này, đã từng có một thời đại điêu tàn đến thế.

Theo Hiền Trang - Tia Sáng

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng