Văn nghệ thế giới
“Để không phạm sai lầm”
09:28 | 19/11/2019

Jordan Ellenberg vốn là một thần đồng. Phần thần đồng của anh dường như chỉ được thể hiện một cách chói lọi trong tiểu thuyết đầu tay “Vua châu chấu” được giới phê bình đánh giá rất cao và bây giờ là quyển sách phi hư cấu “Để không phạm sai lầm”.

“Để không phạm sai lầm”

Cuộc sống xung quanh chúng ta, như được thuật lại trong câu chuyện quán nước hàng ngày, hay trên báo chí, có rất nhiều những con số cùng suy diễn trên cơ sở những con số đó. Những suy diễn đó đôi khi đúng, nhưng đa phần lại rất không đúng. Chúng thường xuyên dẫn chúng ta đến những đánh giá sai lầm về quá khứ, hiện tại và tương lai, về những gì đang xảy ra ở tầm vĩ mô cũng như những gì xảy ra ngay bên cạnh chúng ta. Tại sao những con số, những suy diễn có vẻ có lý lại dẫn chúng ta đến những nhận thức sai lầm, đó là những gì tác giả Jordan Ellenberg muốn giải thích qua quyển sách “Để không phạm sai lầm”.

Khi một người bạn kể với bạn rằng anh họ của anh ta được chữa khỏi bệnh gút nhờ vào một bài thuốc thảo dược nào đó, bạn có nên tin hay không? Khi có nhiều hơn một người bạn kể lại cùng một câu chuyện đó thì niềm tin của bạn sẽ tăng lên bao nhiêu lần? Khi nào thì một chuỗi những sự kiện có thể được coi là có ý nghĩa thống kê? Khái niệm ý nghĩa thống kê thực sự có ý nghĩa hay không và chúng ta nên tin tưởng nó đến mức nào? Thế nào là xác suất tiên nghiệm, thế nào là xác suất hậu nghiệm, định lý Bayes nói gì? Đó là những điều mà Jordan Ellenberg giải thích cặn kẽ qua nhiều tình huống sinh động của cuộc sống. 

Quyển sách này là món quà tuyệt vời cho những người hay đặt ra câu hỏi: Khái niệm này trong toán học liên quan gì đến thực tế? Tác giả không chỉ đưa ra một mà vô cùng nhiều tình huống thực tế để minh hoạ cho những khái niệm toán học mà ông cho là quan trọng. Cần chú ý gì khi rút ra kết luận về những vị trí cần củng cố vỏ thép máy bay dựa trên thống kê vị trí vết đạn trên những máy bay chiến đấu quay về từ những trận không chiến khốc liệt. Tại sao dự đoán về tỷ lệ béo phì trong dân số đôi khi đưa ta đến những kết luận rất hài hước? Tại sao hồi quy tuyến tính thường xuyên dẫn ta đến những kết luận sai lầm? Tại sao ta không nên quá ngạc nhiên về những phát hiện thần bí về mật mã trong kinh Cựu ước? Tại sao cách vận dụng sai xác suất điều kiện sẽ đưa chúng ta đến những kết luận nguy hiểm trong việc sử dụng mạng xã hội để chống khủng bố?

 “Tôi tin cuốn sách sẽ đem đến cho bạn đọc những niềm vui thực sự, nếu không phải là tiếng cười sảng khoái bên ngoài thì sẽ là tiếng cười rộn ràng ở bên trong...”

Jordan Ellenberg vốn là một thần đồng. Anh tự học đọc khi mới hai tuổi. Lên sáu tuổi, anh giúp cô trông trẻ giải bài tập toán cấp ba, rồi sau đó đi học lớp giải tích ở Đại học Maryland ngay khi còn ở cấp hai. Sau khi giành hai huy chương vàng ở điểm tuyệt đối và một huy chương bạc ở các kỳ thi IMO 1987, 1988, 1989, anh đi học toán ở Harvard và sau đó làm luận án tiến sĩ dưới sự hướng dẫn của Barry Mazur, một trong những nhà toán học lỗi lạc nhất nửa cuối thế kỷ XX. Bây giờ Jordan Ellenberg là giáo sư Đại học Wisconsin ở Madison. Tuy được đánh giá là một trong những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực chuyên môn của mình là lý thuyết số, nhưng Jordan Ellenberg đã chiến thắng được lời nguyền thần đồng để trở thành một người bình thường, sống một cuộc sống gia đình như nhiều người khác, là một giáo sư đại học như nhiều giáo sư khác, được những người xung quanh tôn trọng như bất kỳ một công dân lương thiện nào khác, được các đồng nghiệp tôn trọng về những công trình nghiên cứu chuyên môn. Phần thần đồng của anh dường như chỉ được thể hiện một cách chói lọi trong tiểu thuyết đầu tay “Vua châu chấu” được giới phê bình đánh giá rất cao và bây giờ là quyển sách phi hư cấu “Để không phạm sai lầm”. 

Văn phong của Jordan Ellenberg mang đậm tính hài hước của giới hàn lâm Mỹ. Các dịch giả đã hết sức nỗ lực để truyền tải tính hài hước này qua tiếng Việt nhưng phải thừa nhận rằng đó là điều rất khó, vì hài hước không hoàn toàn chỉ là hiệu ứng của ngôn từ mà còn bị chi phối rất nhiều bởi bối cảnh văn hoá. Đối với những tình huống thực tế lấy từ bóng rổ, bầu cử ở Mỹ hay những cuộc tranh luận xung quanh kinh Cựu ước, độc giả Việt Nam có thể sẽ không có cùng mức độ nhận thức trực quan như độc giả Mỹ. Tuy vậy, tôi tin rằng cuốn sách này sẽ đem đến cho bạn đọc những niềm vui thực sự, nếu không phải là tiếng cười sảng khoái bên ngoài thì sẽ là tiếng cười rộn ràng ở bên trong...

Theo GS. Ngô Bảo Châu - ĐBND
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng