Trong một lần gặp gỡ với thi sĩ Sándor Halmosi, người sinh sống bên dòng Danube xinh đẹp của đất nước Hungary, chúng tôi đã có cuộc thảo luận bất ngờ về hạnh phúc và tâm hồn.
Lí do của cuộc trò chuyện này là tôi đã không hiểu một từ mà Sándor sử dụng khi chúng tôi trao đổi công việc văn chương. Tôi với anh đang thực hiện một dự án dịch văn học, trong đó, tuyển tập truyện ngắn Ma Văn Kháng sẽ được dịch sang tiếng Hungary và xuất bản ở nước này. Nhưng khi trò chuyện với anh về tác phẩm của Ma Văn Kháng, do đang vội, và cũng vì hình thức chat qua inbox facebook, nên tôi dùng từ “romance” để mô tả thể loại tác phẩm của Ma Văn Kháng. Sándor đã hỏi lại tôi, rằng thực ra tác phẩm của Ma Văn Kháng thuộc thể loại “roman” hay “romance”.
Trước đây, trong những lần chat với Sándor Halmosi, tôi cứ tưởng hai từ trên là một. Anh hay dùng từ “roman”, tôi nghĩ do anh cố tình cắt ngắn từ “romance”. Thực tế, trong tiếng Anh, từ “roman” không có nghĩa như mỗi người trong hai chúng tôi ngầm hiểu.
Sándor Halmosi đã giải thích với tôi, rằng theo ý anh hiểu, thì “roman” là những tản văn, không có cốt truyện, nhưng giàu tính văn chương, đầy cá tính trong nghệ thuật ngôn từ; còn “romance” là những câu chuyện tình yêu lãng mạn, thường có kết thúc bi kịch, có thể giàu chất văn, nhưng không nhất thiết phải là tác phẩm văn chương, mà hầu hết có thể chỉ là một ấn phẩm hư cấu có cốt truyện yêu đương hấp dẫn phục vụ thị trường, hợp thị hiếu đại chúng.
Nhưng sau khi giải thích như vậy cho tôi thì chính Sándor lại ngạc nhiên khi tìm kiếm trên google những giải nghĩa cho hai từ “roman” và “romance”. Hóa ra, anh đã nhầm lẫn. Trong tiếng Anh, thứ ngôn ngữ mà cả anh và tôi sử dụng (không phải tiếng mẹ đẻ của hai chúng tôi) để trò chuyện, thì từ “roman” không hề có nghĩa như anh hiểu và giải thích với tôi. Anh đã kinh ngạc nói ngay với tôi về sự nhầm lẫn này, do anh suy luận chủ quan từ nghĩa tiếng Hungary của từ “regény” - dịch ra thành từ “romance” trong tiếng Anh - là tiểu thuyết yêu đương, nhưng người Hungary lại có từ “novella”, tương tự từ “novel” (tiểu thuyết) của tiếng Anh, và người Hung lại hiểu từ “novella” trong tiếng Hung là truyện ngắn.
Tất nhiên chúng tôi đã hiểu lộn xộn về từ ngữ khi lẫn lộn nghĩa trong tiếng mẹ đẻ với tiếng Anh, và sức ép tốc độ của việc chat với nhau qua inbox đã khiến cả hai không kịp hiểu kĩ, làm rõ nghĩa của từ “roman” hay “romance” này ngay từ đầu. Nhưng không sao cả, từ việc tranh luận ngữ nghĩa của hai từ “roman” và “romance” này mà Sándor đột ngột hỏi tôi đã có thời gian đọc kĩ tập thơ Everness (Vĩnh cửu) của anh chưa. Tôi chưa đọc hết, nhưng tôi trả lời anh, rằng trong tập Everness có một câu ngay lập tức khiến tôi chú ý:every human being is born with a whole soul, and then everybody sells it (tôi tạm dịch: mỗi người sinh ra với trọn vẹn tâm hồn, để rồi sau đó ai cũng bán nó đi). Tôi chất vấn thi sĩ Sándor về câu thơ này: “Ai cũng bán linh hồn đi ư, kể cả anh, kể cả tôi?”. Anh im lặng hồi lâu, không trả lời.
Tôi nhớ, đầu năm 2019, lần đầu tiên đến thăm Việt Nam, Sándor đã bị Việt Nam quyến rũ. Anh cho rằng, đất nước, văn hóa, con người Việt Nam đã làm giàu thêm cho tâm hồn anh, mặc dù anh cũng cảm nhận, ở đất nước này, có những người đã lạc mất hồn mình.
Thấy anh im lặng bất thường trước câu hỏi của tôi, tôi xuống nước, an ủi anh: “Tôi đùa đấy. Thực ra, mỗi khi nghĩ về anh, tôi nhìn thấy một sự trọn vẹn. Điều đó lí giải vì sao anh không cần một người vợ, hay một người yêu, để cảm thấy hạnh phúc. Bởi anh chính là hạnh phúc! Hầu hết mọi người bây giờ chỉ là những mảnh vỡ. Nên suốt cuộc đời, họ đi tìm kiếm một nửa của mình, mong ghép lại thành cặp thành đôi, với hi vọng để được trọn vẹn, để được hạnh phúc. Nhưng anh thì khác, anh không như thế”.
Sándor Halmosi sinh năm 1971, là một nhà toán học, đồng thời là một chuyên gia công nghệ thông tin làm việc cho một tập đoàn lớn của Hungary về lĩnh vực này, là một diễn giả, một nghệ sĩ tranh gốm tráng men, một dịch giả văn học, nhưng trước hết, là một thi sĩ đặc biệt. Sau khi dịch tập thơ Mười ngày của Sándor Halmosi, dịch giả Nguyễn Chí Hoan nhận định: “Những bài thơ của Sándor Halmosi trong tập này biểu hiện một tự do tính mãnh liệt và lạ lùng. Một trong vài đặc điểm nổi trội của chúng là không có những cái kết hồi ứng - cái kết gói lại một ý một tứ hàm ngụ nơi tên bài thơ hay trong những khổ thơ mở đầu và phát triển. Hoặc sự hồi ứng bên trong mỗi bài thơ này vận hành theo liên hệ trừu tượng giữa các hình ảnh - một thứ liên tưởng tự do rất đặc sắc (…) Đây là thứ thơ ca tin vào chính mình - không phải như một năng lực viết văn chương, mà đúng hơn như một năng lực của cái tự do tự tại”.
Năm 2018, Sándor Halmosi được trao tặng Giải thưởng thơ của Hội Nhà văn Quốc tế Pjeter Bogdani (Brussels-Pristina). Năm 2019 anh được trao Giải thưởng thơ Lukijan Musicki (Beograd).
Có được thành công cả về thi ca và công việc thu nhập, nhưng Sándor lại là một người luôn đứng ngoài mọi khuôn khổ và quy tắc mà người đời đặt ra. Anh có thể yêu mãnh liệt, nhưng chưa từng lập hôn nhân, chỉ là một ông bố đơn thân. Đôi khi sống cùng con gái nhỏ lên chín tuổi, anh hài lòng với cuộc sống trọn vẹn của mình, chẳng bao giờ tự vấn, cũng chẳng bao giờ cần bí mật. Cuộc đời một nhà thơ, theo anh, minh bạch, trong vắt như nước, mọi người có thể nhìn thấu. Nhà anh - rất rộng, tại con phố trung tâm nổi tiếng Béla Bartok ở thủ đô Budapest - là trụ sở của Nhà xuất bản AB ART mà anh là đồng sáng lập, cũng chính là địa điểm anh thường tổ chức các hội thảo, tọa đàm và hoạt động salon văn chương. Ngay từ thuở nhỏ, tính trọn vẹn này đã thể hiện rất rõ trong Sándor. Anh chơi đùa, học tập, làm việc… đều mãnh liệt, tràn đầy vui thú và tự do. Có cảm giác con người này không bao giờ cần giấu mình, kìm nén hay kì vọng, mà luôn hiện hữu, phô bày nguyên bản một cách tự nhiên và trọn vẹn. Do đó, ở bên anh, dường như bất cứ ai cũng đều cảm thấy được cuốn vào niềm vui; cứ như anh đã hào phóng tiếp thêm cho người bên mình một tài khoản hạnh phúc bất tận.
Sándor Halmosi tuyệt đối tin tưởng, rằng với tinh thần cởi mở, chăm chỉ làm việc, không ngừng tiến lên phía trước và dám thay đổi nhận thức, hiện hữu thực sự năng động và chú tâm thực hành tự điều chỉnh, thì con người vẫn tìm ra giải pháp cho những tình huống khó khăn nhất mà thế giới phải đối mặt hôm nay, kể cả những cuộc xung đột giữa các dân tộc, quốc gia, những căng thẳng trong xã hội, hoặc những thách thức ở mỗi địa phương cũng như trên toàn cầu.
Trở lại câu chuyện giữa Sándor và tôi khi bàn về tâm hồn. Lúc sau, anh mới trả lời tôi: “Cô là người quan sát tốt đấy. Bởi vì cô nhìn thấy, bằng cả tâm hồn mình”.
Với thói đùa dai, tôi cười và bảo Sándor: “Tôi không biết là mình lại có tâm hồn cơ đấy. Tôi nghĩ tâm hồn của tôi đã ở lại trên đồi Gellert, trong tượng đài Tự do trên đỉnh đồi…”.
Cái điển “hồn tôi ở lại trên đỉnh đồi Gellert” do tôi và anh tạo nên, trong chuyến thăm ngắn ngủi bốn ngày của tôi ở thủ đô Budapest huyền thoại. Một buổi, Sándor dẫn tôi lên đỉnh đồi Gellert để chiêm ngưỡng dòng Danube trong đêm và ngắm tượng đài Tự do - hình tượng một người phụ nữ trên đỉnh cao nhất của Budapest. Tôi đã xúc động bởi vẻ đẹp, bởi tình cảm, bởi những gì linh thiêng nhất trong tâm hồn người, tới nỗi khi rời nơi này ra đi, tôi đã mất thăng bằng trong suốt nửa năm sau. Và tôi đùa với Sándor, rằng có lẽ có cơn choáng váng dai dẳng đó là do hồn tôi đã ở lại trên đỉnh đồi Gellert, để tôi - một kẻ mất hồn - trở lại Việt Nam.
Chính tôi, lắm khi cũng chỉ là một mảnh vỡ lang thang, đi tìm hạnh phúc, trong một nghĩa mình chẳng hiểu mình là ai, và hạnh phúc là gì. Bởi tìm, tưởng thấy mà không phải, rồi lại nhanh chóng chơi vơi, thống khổ vì những điều vô nghĩa. Chỉ đến khi tôi tới chân tượng đài Tự do, trên đỉnh đồi Gellert, tìm thấy tâm hồn mình trọn vẹn, và sau đó cho đi, để trở nên trống rỗng hoàn toàn cho cuộc trở về của mình. Thực là ngoạn mục, khi dám trống rỗng, tôi đã có thể chứa đựng được mọi điều, trong cảm nhận hạnh phúc sâu xa. Và tôi biết rõ, mình cũng có một tâm hồn, không để bán, mà để bay đi.
Theo Kiều Bích Hậu - VNQĐ