Văn nghệ thế giới
Đọc Truyện Kiều từ điểm nhìn phương Tây
15:22 | 26/03/2020

Truyện Kiều được xem là một trong những tác phẩm quan trọng nhất của văn học Việt Nam. Vẻ đẹp ngôn ngữ Truyện Kiều cùng phạm vi rộng lớn của các hoàn cảnh cùng cực trong đời sống và hi vọng trong câu truyện này, sự cứu chuộc kì diệu đối với Kiều và sự hồi phục cuộc đời nàng trong phẩm giá tạo nên một phần thống nhất của di sản văn hóa Việt Nam.

Đọc Truyện Kiều từ điểm nhìn phương Tây
Hai dịch giả Truyện Kiều ra tiếng Đức Irene và Franz Faber - Ảnh tư liệu

Bản dịch tiếng Đức của thiên sử thi này được xuất bản lần đầu vào năm 1964, do Irene và Franz Faber dịch. Các bản dịch như thế sẽ giúp nâng “Cô Kiều” lên hàng văn học thế giới. Thông qua các bản dịch Truyện Kiều, Nguyễn Du đã trở thành một phần của chuẩn mực văn chương thế giới cùng với các tác giả như Chekhov, Shakespeare và Goethe. Ngày nay, Truyện Kiều thậm chí hấp dẫn những người không biết nhiều lắm về Việt Nam. Chính câu chuyện về cô Kiều và vẻ đẹp của ngôn ngữ là điều lay động người đọc. Truyện Kiều vì thế đã trở thành một phương tiện trung giới cho hiểu biết văn hóa và sự tiếp cận Việt Nam.

Trong sự biết ơn bản dịch tiếng Đức và tôn kính nguyên bản của Nguyễn Du, Viện Goethe mời ba đạo diễn sân khấu người Việt và người Đức cùng bày tỏ các cách tiếp cận mới mẻ và độc đáo của họ sau khi đọc lại Truyện Kiều. Ý tưởng phía sau là di sản văn hóa - trong bối cảnh dân tộc hay thế giới - chỉ tiếp tục tồn tại nếu nó luôn luôn trải qua được sự kiểm nghiệm của thời gian.

Vì thế, ngày nay khi đọc Truyện Kiều, ta bị thách thức phải đặt cho chính mình câu hỏi về sự quan yếu của nó đối với đời sống của mình. Nó tác động và phản ứng thế nào đối với cuộc đời của độc giả đương thời? Một chủ đề cơ bản của sự suy tư về câu truyện như một toàn thể có lẽ sẽ là vai trò của nhân vật chính - Thúy Kiều. Thúy Kiều liên hệ như thế nào đến cảm xúc, kinh nghiệm và khát vọng của nam giới và phụ nữ ngày nay? Và lịch sử cùng như bối cảnh xã hội và chính trị thay đổi tác động đến cách chúng ta đọc, hiểu, và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, cách ta thưởng thức Truyện Kiều như thế nào?

Trên đây là những câu hỏi thôi thúc các đạo diễn sân khấu và nhiệm vụ đầy thách thức của họ kiểm nghiệm những cách thức mới trình hiện Kiều trên sân khấu. Các câu hỏi như thế cung cấp bối cảnh cho bài tiểu luận này, bài viết nhằm tổng kết lại một số quan sát và suy nghĩ cá nhân về Truyện Kiều trên cơ sở hai bản dịch[*].

Sử dụng một sử thi dân tộc cho một trải nghiệm liên văn hóa

Điều hấp dẫn tôi về Truyện Kiều và thôi thúc tôi tìm kiếm một cuộc trò chuyện sâu sắc về văn bản chủ yếu là điều này: sự không tưởng có tính sử thi vĩ đại về khả năng hồi phục nhanh chóng trong gương mặt của nỗi đau khổ lớn lao; sự quanh co của “kiếp” (karma) thông qua cốt truyện như một sợi chỉ kép; bản năng tự bảo tồn chiến thắng nỗi đau đớn nặng nề của hoàn cảnh xã hội; sự đề cao giáo dục như phương tiện để bảo tồn phẩm giá con người; và diễn ngôn chính trị về giá trị của sự thống trị của luật.

Sự không tưởng của thiên sử thi: Khả năng hồi phục nhanh chóng của một nhà nước dân tộc trong tình trạng bị giam cầm

Lịch sử tiếp nhận Truyện Kiều của Nguyễn Du thời kì đầu vẫn phần nào ít được biết đến. Người ta vẫn chưa tìm được bản thảo đầu tiên của thiên sử thi này. Cũng không chắc chắn về việc nó đã lan truyền như thế nào. Tuy nhiên, việc tiếp nhận tác phẩm từ cuối một phần ba của thế kỉ 19 thì khá chắc chắn. Chính các giai tầng có học vấn, con cháu của giới tinh hoa chính trị và giáo dục là những người đã sao lại tác phẩm, ghi nhớ nó, thưởng thức nó trong tính toàn vẹn, và thực hiện các bài giảng truyền miệng về nó, vì thế lan truyền phổ biến tác phẩm vượt ra ngoài phạm vi hẹp của giới có học thức.

Đó là thời điểm khi Việt Nam chịu ách đô hộ của Pháp. Ba thế hệ người Việt đã trưởng thành dưới sự cai trị của Pháp. Rồi thế hệ kế tiếp chiến thắng trong cuộc chiến đấu chống lại bộ máy quân đội Mỹ cũng như chiến thắng trong cuộc xung đột quân sự ở biên giới Trung Quốc để Việt Nam cuối cùng giành được sự tự trị của mình.

Nhà báo, nhà thơ, dịch giả văn học Franz Faber và Bác Hồ năm 1954 (ảnh tư liệu)

Trong nhà trường, các thế hệ trẻ Việt Nam được dạy để nhấn mạnh rằng Truyện Kiều “thực ra” là một câu chuyện từ Trung Quốc, viết theo quy tắc của văn học phong kiến, nhưng thời kì đó đã qua từ lâu. Tôi muốn nhấn mạnh rằng chính Hồ Chí Minh là người sau chiến thắng Điện Biên Phủ đã đưa bản sao Truyện Kiều của Nguyễn Du cho nhà báo Đức là Franz Faber cùng yêu cầu dịch nó sang tiếng Đức. Một thông điệp văn hóa cho phương Tây, tới một quốc gia đã chứng tỏ sự thấu cảm sâu sắc và tình đoàn kết kiên định cho cuộc đấu tranh giải phóng của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tôi chắc rằng không ai lại buộc tội Hồ Chí Minh rằng ông muốn lưu truyền những giá trị phong kiến và truyền thống Trung Quốc, điều khiến cho việc ông thưởng thức Truyện Kiều đáng chú ý hơn. Ông không phải là người duy nhất. Rất nhiều người bạn tâm giao khác về chính trị và quân sự của Hồ Chí Minh cũng đánh giá cao Truyện Kiều như một biểu hiện của bản sắc Việt Nam trong cuộc chiến giải phóng dân tộc.

Truyện Kiều tự nó đã thiết lập một sử thi dân tộc, không chỉ bởi các lý do chính trị, mà còn bởi hình thức và nội dung của nó. Về mặt thẩm mỹ, thiên sử thi góp một tiếng nói vào nỗi đau đớn của cá nhân người. Vẻ đẹp và tính tao nhã của ngôn ngữ tác phẩm giúp người đọc nhận ra chính mình trong nỗi đau đớn này, đồng thời vượt lên trên nỗi đau. Do độ sâu của cảm xúc, nhiều câu thơ trong thiên sử thi đã trở thành những lời nói thông thường ngày nay.

Một khía cạnh khác làm cho Truyện Kiều thành một tác phẩm vĩ đại là chủ đề có tính không tưởng của nó. Mỗi tác phẩm nghệ thuật vĩ đại đều chứa đựng một lời hứa về một thế giới tốt hơn. Chính lời hứa này làm cho Truyện Kiều của Nguyễn Du thành một thiên sử thi dân tộc. Sự kiên trì trong suốt những nỗ lực vô ích giành lấy tự do, kháng cự lại sự thống trị ngoại bang, và sự đau đớn không ngừng đi cùng với nó cuối cùng sẽ được đền đáp bằng lời hứa về một cuộc đời mới. Kiều kết luận câu chuyện đời cô bằng quyền tự quyết, bắt đầu một cuộc đời trong phẩm giá và bình an. 

Cho đến khi những cuộc chiến tranh thế kỉ 20 trên mảnh đất Việt Nam đi đến kết thúc, Thúy Kiều có thể được diễn giải như một nhân vật văn học gợi cảm hứng và âm vang không chỉ những độc giả đơn lẻ, mà toàn bộ dân tộc.

Kiều là câu chuyện về nỗi đau khổ của một người phụ nữ, nhưng nó đại diện cho nỗi đau đớn về thể xác và tinh thần của mọi người Việt Nam, đặc biệt là phụ nữ. Những câu thơ nói về nỗi đau và hi vọng của cá nhân. Thơ ca Truyện Kiều góp vào một tiếng nói về nỗi đau của họ. Ngôn ngữ của nó hướng về cái cao cả, không bi lụy. Mỗi câu thơ và sự xuất sắc của nó kiên trì một niềm hi vọng rằng đến cuối cùng sau mọi nỗ lực tranh đấu sinh tồn và tự do, nhân vật chính sẽ không còn bị sỉ nhục hay hủy diệt, mà tái sinh một cuộc đời tự quyết và được thừa nhận rộng rãi.

Dưới dạng những thực tại chính trị, lời hứa đinh ninh trong thiên sử thi Truyện Kiều đã được thực hiện từ lâu. Chủ nghĩa phong kiến là một điều gì đó đã thuộc về quá khứ; những kẻ cai trị ngoại bang đã bị quét sạch. Việt Nam đã tự giải phóng. Từ sau khi giành độc lập và sau “Đổi mới”, Việt Nam đã giành độc lập và người Việt Nam đã được thừa nhận trên toàn thế giới.

Vậy thì những diễn giải về ý chí của Truyện Kiều của Nguyễn Du, tất nhiên, hoàn toàn khác với những điều kiện của những năm 1950. Kiều không còn đại diện cho một dân tộc bị đàn áp. Thiên sử thi dân tộc không còn thuộc về riêng Việt Nam, mà đã giữ địa vị cao trong danh mục văn chương thế giới. Điều này mở ra những viễn tượng mới, một cái nhìn từ bên ngoài đối với tác phẩm. Tiểu luận này chỉ là một trong nhiều cách tiếp cận rồi sẽ tiếp tục đến.

Niềm hi vọng bất diệt có một cái tên: Khả năng phục hồi nhanh chóng

Nếu ta định chọn những từ khóa của thiên sử thi cho một danh mục của thư viện, ta không thể không ấn định từ khóa “buôn người” cho Truyện Kiều của Nguyễn Du. Một người phụ nữ mất đi địa vị và quyền như một thành viên trọn vẹn của xã hội dưới những hoàn cảnh dị thường, và trước khi cô biết điều đó, cô nằm dưới quyền sinh quyền sát của bạo lực không bị kiểm soát, dưới sự thay đổi thất thường của hoàn cảnh bên ngoài, và âm mưu của những mạng lưới phần nào hiểm ác. Điều này khiến cho câu chuyện thành một bản cáo trạng về sự bất công của thế giới. Nó cũng đồng thời nhắc nhở ta, năm thế kỉ sau phiên bản nguồn gốc Trung Quốc của nó, để nói lên tiếng nói chống lại nạn buôn người và nỗ lực xây dựng một thế giới trong đó mọi phụ nữ và nam giới có thể đi lại tự do mà không sợ hãi.

Gần với các tác giả vĩ đại như Shakespeare và Goethe, Nguyễn Du trụ lại được: Trong tác phẩm của ông, ngôn ngữ đã đưa nỗi đau và sự thống khổ cùng bao khoảnh khắc hạnh phúc và tình yêu say mê vào địa hạt của cái cao cả. So sánh Kiều với các nhân vật nữ trong văn học cổ điển Đức thế kỉ 18 và 19 (G.E.Lessing, J.W.Goethe, F.Schiller, H. v. Kleist, G. Büchner, T. Fontane, F. Wedekind), có một điều nổi bật là Kiều có một kết thúc có hậu: một người phụ nữ đau khổ, bị chối bỏ bởi mọi người đàn ông và quyền lực xã hội, không gặp một cái chết bi kịch mà vẫn sống, trong sự tự quyết và phẩm giá.

 Việc Kiều không kết thúc như một thiên thần trên thiên đường, như Gretchen trong Faust của Goethe, mà tiếp tục sống như một người phụ nữ trưởng thành trong một cuộc sống do chính cô lựa chọn là một kết thúc cổ tích đẹp. Nó làm dấy lên mối quan tâm của độc giả nước ngoài về những kho báu của văn chương hơn nữa có thể được giấu trong quá trình Thúy Kiều tìm kiếm những con đường thoát khỏi những vướng mắc của định mệnh và những hoàn cảnh bi đát.

Trong những đoạn tiếp theo, tôi sẽ không xem Thúy Kiều như một ẩn dụ của trải nghiệm dân tộc trong cuộc tranh đấu giành lại quyền tự quyết, mà là biểu hiện vai trò của các nhân và định mệnh, của nỗi đau và niềm hi vọng của một người phụ nữ thuộc tầng lớp trung lưu có giáo dục.

Thúy Kiều - một anh hùng trong tuyệt vọng

Thúy Kiều là một anh hùng. Nàng sống trong những cuộc phiêu lưu và những hoàn cảnh của cuộc đời có thể làm suy sụp hầu hết những người khác. Nàng bị bắt làm nô lệ, bị cưỡng bức “Thanh lâu hai lượt thanh y hai lần”, nhưng tai họa không hủy diệt được nàng.

Cuộc đời Kiều là một cuộc tranh đấu giành lấy cuộc đời bình an cho mình, giải thoát khỏi đau đớn và mất phẩm giá. Nhưng trên thực tế, ba lần nàng bị đòn roi, ba lần hầu như bị đánh cho đến chết, ba lần hầu như mất đi cuộc sống, sáu lần bị bán cho người khác, hai lần tự vẫn, chỉ có một lần thấy có lý do để cười.

Bước ngoặt trong cuộc đời cô là một lần cô hầu như nỗ lực tự tử thành công. Người ta có thể cho rằng cuối cùng cô đã đầu hàng hoàn cảnh quá tàn bạo vây phủ quanh mình. Điều này có thể làm cho cô giống như nhiều nhân vật nữ trong văn học Đức, những người không tìm ra được con đường khác thoát ra khỏi cuộc đời bị chi phối bởi người nam và thói đạo đức giả hơn là kết thúc cuộc đời trong ghê tởm và tuyệt vọng. Thực ra thì, những nỗ lực như thế là hành động kiểm soát cuộc đời của riêng mình. Khi Thúy Kiều gieo mình xuống nước, nàng tuyệt vọng. Đó là ý chí mạnh mẽ của nàng cự tuyệt một cuộc hôn nhân ép buộc với một viên thổ quan không có tên. Nàng quyết định trốn thoát và mạo hiểm. Nàng phải đưa mình đi. Nhưng nàng không rời khỏi con thuyền mà không hi vọng. Nàng có một ý niệm mơ hồ về sự cứu thoát nhờ vào lời tiên tri mà nàng Đạm Tiên đã hứa về sự cứu chuộc nàng ở không gian và thời gian nhất định quả thực gần lúc Thúy Kiều gieo mình trên sông Tiền Đường.

Thúy Kiều giao phó thân mình cho lời hứa của Đạm Tiên, lời hứa đưa nàng đến cuối của cái được xem là một kiếp (karma) đầu tiên trong cuộc đời nàng. Bằng cách trầm mình, nàng rửa sạch mọi tội lỗi của bản thân và của thế giới xung quanh mình. Nàng làm cho mình tự do để có một cuộc đời mới. Giai đoạn thứ hai này của cuộc đời nàng đã được chuẩn bị và chờ đợi bởi một bà tiên hộ mệnh mới, vãi Giác Duyên. Những niềm vui của cuộc đời mới này bao gồm chiêm nghiệm suy tư, thơ ca và trò chuyện. Thúy Kiều bước vào cuộc đời mới này thông qua một quá trình thanh tẩy được Giác Duyên giúp đỡ. Sau khi hồi phục từ sự gian khổ và niềm an ủi của Giác Duyên, Thúy Kiều sẽ sẵn sàng tiếp tục sống, trở lại nhà cùng chàng Kim, cùng cha mẹ và hai em và bắt đầu một cuộc đời mới không còn hung bạo và nhơ bẩn, trong một trạng thái lấy lại phẩm giá.  

Kiếp (Karma)-một hình thức văn học của bạo lực và cứu chuộc trong cấu trúc

Trong suốt phần chính của đời Kiều, sức sống và những quyết định, hi vọng và khao khát của nàng không ngừng bị hoàn cảnh ngăn trở. Bất cứ ý định tốt đẹp nào của nàng cũng bị hoàn cảnh làm cho biến thành một cái gì đó đau đớn. Ở nơi mà người ta nói về số phận và “kiếp”có sức mạnh lớn hơn ý chí cá nhân con người, những người giống như tôi có xu hướng nhìn các hoàn cảnh xã hội và chính trị và những cấu trúc chống lại ý muốn tốt đẹp của cá nhân và đảo ngược những ý định tốt đẹp thành những kết quả không mong đợi đầy xấu xa của những trở lực bên ngoài

Một số độc giả diễn giải số phận của nàng Kiều như việc hoàn thành số kiếp của nàng. Trong giai đoạn thứ nhất của cuộc đời, đây là nơi tụ lại của tội lỗi cá nhân quay trở lại với một tiền kiếp mơ hồ nào đó cộng với ảnh hưởng kỳ lạ của nàng Đạm Tiên, người chiếm giữ nàng trong đoạn đầu của tự sự và hứa hẹn về sự cứu chuộc chỉ trong một tương lai xa.

Giai đoạn thứ hai của cuộc đời Kiều được nhân vật Giác Duyên chuẩn bị. Cuộc gặp với Giác Duyên bắt đầu bằng việc Kiều thoát khỏi công việc của kẻ nô tì trong nhà Hoạn Thư. Nàng được cho phép sống trong chùa như một ni cô. Sự giải thoát này bị hỗn loạn bằng sự quay trở lại của Thúc Sinh. Thúy Kiều phải thoát khỏi tình huống thỏa hiệp. Nàng đã may mắn và tìm được chốn dung thân tạm thời với Giác Duyên. Nhưng nàng phải tiếp tục cuộc chiến của mình. Sau đó, khi Thúy Kiều được Từ Hải giải phóng và được quyền báo ân báo oán, nàng triệu mời Giác Duyên và trả ơn cho bà. Mối quan hệ giữa Giác Duyên và Thúy Kiều tiếp tục vượt ra ngoài sự báo đáp này. Giác Duyên được báo trước về việc giải thoát Thúy Kiều và sứ mệnh cao quý của mình trong việc này. Giác Duyên đón Thúy Kiều lần thứ hai và giúp nàng sẵn sàng trở lại nhà và quyết định tiếp tục cuộc đời mình như thế nào

Theo cách đọc của tôi thì tỷ lệ của cá nhân với một chút vai trò mảy may nhỏ bé trong dòng chảy thời gian cũng như việc thêm vào các tình huống xấu và tốt thông qua những bà tiên chẳng hạn như Đạm Tiên và Giác Duyên là các hình thức thẩm mỹ của việc tạo mã cho thơ ca và văn học làm chúng ta hiểu được vì sao ta phải chịu đựng những ngọn triều của đau buồn và hạnh phúc trong cuộc đời - vì lý do gì đi chăng nữa.

Với một người phương Tây xa lạ như tôi thì sự tương tác giữa cá nhân và xã hội đưa ra những cách khác nhau làm thế nào để hợp lý hóa điều xảy ra xung quanh ta. Ta có thể xem cuộc đấu tranh của Thúy Kiều để làm điều tốt cho gia đình mình, cho việc giải phóng bản thân khỏi tình trạng bị giam cầm, cho sự hòa hợp giữa tình yêu với lòng ghen, cho việc dùng một lời nói dối trong tình huống bất khả kháng để giành lại phẩm giá như những nỗ lực dũng cảm và hợp pháp cho một cuộc đời trong phẩm giá làm người. Nhưng không may thay, chúng không phù hợp với cấu tạo của xã hội xung quanh nàng. Tôi sẽ gọi những cấu tạo này là bạo lực về cấu trúc. Vì thế, tất cả sức sống và ý định tốt đẹp của nàng đều bị ngăn cản và đảo ngược thành những tác động xấu đến nàng. Các mô thức ứng xử của những đối tượng phi pháp của một băng đảng, của người nắm quyền tối cao đồi bại do địa vị của họ, hay điều cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là nguyên tắc tương tác toàn cầu, tức là giá trị bằng tiền hữu hình và vô hình vô hiệu hóa những cơ hội có được tự do và phẩm giá của con người.

Cái nối số kiếp thứ hai với cái kiếp đầu tiên là học vấn của Kiều. Tầm quan trọng của những kĩ năng văn hóa đối với phẩm giá cá nhân của nàng trở nên hiển nhiên trong các trường hợp khi Thúy Kiều được mang đến những cơ hội để trình hiện bản thân như một người phụ nữ được giáo dục tốt và hoàn toàn ở địa vị xã hội cao hơn.

Thông qua những khoảnh khắc ngắn như thế, nàng thoát ra khỏi sự thống trị của môi trường xã hội của mình với tất cả những đe dọa, đau đớn và đàn áp. Nàng có thể chứng tỏ phẩm chất, sự tế nhị bằng cầm, kì, thi, họa. Trong các khoảnh khắc hiếm hoi chứng tỏ mình với thế giới xung quanh đó, nàng có thể tác động đến tư tưởng của viên quan lúc đầu muốn hủy bỏ cuộc hôn nhân của nàng với Thúc Sinh và đẩy nàng trở lại lầu xanh. Nàng thậm chí còn chạm đến trái tim của Hoạn Thư, người đàn bà ghen tuông sau đó đã thả cho nàng vào chùa chép kinh. Ngay cả sự tái hợp muộn màng của nàng với chàng Kim cũng theo hướng của học vấn theo nghi thức và đạo đức của mình. Nàng hướng vào một lối sống xứng đáng cho mình và sự hài lòng cho người xung quanh trong thơ và đàn, không phải đời sống lứa đôi hay con cái.

Ngày nay ta có thể tán thành hay thậm chí cười vào chuyện đánh giá cao trinh tiết hay đời sống khổ hạnh không có dục tình; nhưng quyết định của Thúy Kiều là một biểu hiện rõ ràng của việc tự chủ và tự quyết, và vì thế là biểu hiện của sự lựa chọn một cuộc đời có phẩm giá

Thúy Kiều - tự chủ cuộc đời mình

Truyện Kiều là một câu chuyện từ thời phong kiến và cũng là một câu chuyện về nạn buôn người. Trong bất cứ trường hợp nào, Kiều cũng không nhận được thù lao cho công việc của nàng. Nàng tự bán mình để cứu cha khỏi cảnh tù tội. Kiều bước vào đời sống xã hội bên ngoài gia đình mà không có của hồi môn. Từ lúc đó trở đi, những người sở hữu nàng bán nàng như bán gia súc.

Ngay từ đầu, nàng đã không một xu dính túi và vẫn như thế cho đến khi trở lại với Kim Trọng. Một cách vô tình, nàng bị vướng vào một vòng xoáy của đường dây buôn bán biến nàng thành nô lệ tình dục cho những người đàn ông mua đi bán lại, và những người phụ nữ lợi dụng thân thể nàng đến mức nàng không còn nhận ra bản thân mình nữa.

Vẻ đẹp của nàng không phải vốn riêng đến mức nàng có thể sử dụng mà không đếm xỉa đến những quy luật của thị trường. Vẻ đẹp của nàng được bán mỗi lần với những cái giá khác nhau, và nàng không bao giờ thấy những số tiền này. Ngược lại, ngay cả người anh hùng chắc chắn, người giải phóng nàng (Từ Hải) cũng chọn không dùng sức mạnh quân sự mà thay vào đó trả một số tiền lớn để biến nàng thành nữ hoàng của mình.

Câu truyện về nô lệ tình dục tiếp diễn trong suốt thiên sử thi, ngoại trừ một quãng giữa. Khi Thúy Kiều phải vội vã rời chùa của Hoạn Thư, nàng ăn trộm chuông vàng khánh bạc là những đồ quý giá. Hành vi ăn trộm này cuối cùng đã báo hại nàng. Sau một thời gian ngắn sống ở trong chùa với Giác Duyên, nàng bị đẩy đi và phải trở lại thế giới lầu xanh - mà không có đồ quý trộm được.

Cho dù Kiều cuối cùng không có được gì từ việc lấy đồ, nhưng đó là một hành động nổi loạn đáng chú ý. Việc ăn trộm của nàng là một sự lo xa vì trải nghiệm sống trước đó đã dạy nàng bài học đau đớn rằng không có tiền, nàng sẽ luôn phải trả giá bằng thân thể mình. Cho nên nàng cần một phương tiện để đổi chác và chi trả để tồn tại trên con đường trở về nhà và không nằm dưới quyền sinh quyền sát của người khác. Nếu nàng dừng ở một lữ quán trên đường về, nàng đã có cơ hội lớn để vượt qua bình yên vô sự. Nhưng nếu không có tiền, bi kịch nạn buôn người sẽ tái lại. Chỉ có trộm đồ mới cho nàng phương tiện cần thiết để đi một mình và độc lập. Hành vi trộm đồ rõ ràng là một dấu hiệu không thể nhầm lẫn của việc tự quyết định và tự cứu mình của nàng.

Thất bại của kế hoạch của nàng là bi kịch, nhưng nó không thay đổi thực tế là ý niệm về việc tự trang bị bằng một phương tiện trao đổi là cách duy nhất còn lại để nỗ lực và bảo tồn sự toàn vẹn cùng sự an toàn của nàng.

Lời hứa về Luật pháp và trật tự

Sự tái hợp của nàng Kiều với Kim Trọng và gia đình sẽ không thể xảy ra nếu không có việc Hồ Tôn Hiến chiến thắng Từ Hải. Sau khi lãnh thổ được thống nhất, biên giới được mở rộng. Kim và Kiều như mọi người khác giờ đây có thể đi bất kì đâu một cách tự do và an toàn.

Cái giá phải trả cho chiến thắng này là cái chết của Từ Hải. Thúy Kiều cảm thấy hổ thẹn và tuyệt vọng vì cái chết của Từ. Nàng tự trách mình vì đã phản bội chàng và người nàng yêu. Vì chính Kiều đã thuyết phục Từ Hải đầu hàng triều đình. Vì tình yêu với Kiều nên Từ Hải nghe theo lời nàng, đem giang sơn và quyền lực dâng cho Hoàng đế cùng vị tướng của ông ta.

Ý định của Kiều vốn là ý tốt, nhưng nó khiến Từ Hải nghe theo lời nàng mà thậm chí từ bỏ quyền lực của mình.

Trước khi đi đến quyết định đó, Thúy Kiều và Từ Hải đã cẩn thận cân nhắc lợi hại của việc ra hàng. Mặc dù cuộc trao đổi của họ đi đến rõ ràng là quyền lực của Từ Hải là phản nghịch. Chàng là một người hoang dã, một kẻ cướp và một kẻ xâm chiếm. Nhà nước của chàng được xây dựng trên sự cai trị đẫm máu. Chế độ tàn bạo của chàng chỉ suy yếu đi vì bản chất khoan dung của vợ mình. Ngược lại, Hoàng đế thu hút mọi người bằng sự cai trị của luật pháp và trật tự, của hòa bình rộng rãi và việc đi lại tự do cho Thúy Kiều trở lại quê nhà.

Cuối cùng, cả Thúy Kiều và Từ Hải đều ưng thuận sự cai trị của luật lệ và chống lại bạo quyền của nhà nước kẻ cướp. Thúy Kiều và Từ Hải bị hấp dẫn bởi lời hứa về một vùng đất của hòa bình và từ tâm. Đây là động lực và niềm tin của họ khi đầu hàng Hồ Tôn Hiến. Quyết định của họ bị nhà cầm quyền hoài nghi. Từ Hải ngay lập tức trả giá bằng cuộc sống của mình. Thúy Kiều được mang đến thêm một đêm hi vọng trước khi Hồ Tôn Hiến vứt bỏ nàng như một thứ bỏ đi.

Những nhận xét này và năm khía cạnh trong cách đọc của tôi không gì hơn ngoài những ghi chép đơn thuần về cuộc thảo luận phong phú giữa các học giả Việt Nam và châu Á cùng những người yêu văn chương. Chúng có thể đơn thuần chứng tỏ rằng Truyện Kiều của Nguyễn Du có rất nhiều lớp nghĩa để mang đến cho thậm chí người sống ở một nền văn hóa khác đến 200 năm sau khi cuốn sách ra đời một góc nhìn khác lạ về việc xem xét tác phẩm với các lớp nghĩa làm cho Truyện Kiều trở nên gần gũi và đáng yêu đáng quý với cả văn hóa dân tộc và với cả chính cuộc đời của người đọc.

WILFRIED ECKSTEIN
Nguyễn Thị Minh dịch
Sài Gòn, 2019
Nguồn: VHNA

---------------
(*) Nguyễn Du, Truyện Kiều. bilingual Vietnamese-English, song ngữ Anh-Việt, Tái bản có bổ sung. Translation (bản dịch) Michael Counsell. Thế Giới 2013.

 Nguyễn Du, Truyện Kiều. bilingual Vietnamese-German, bản dịch tiếng Đức của Irene và Franz Faber. Nhà xuất bản. Thế Giới 2015

 

Các bài mới
Các bài đã đăng