Rất nhiều thói quen tốt khác để phát triển con người cá nhân của bạn, hãy thử áp dụng “quy luật 21 ngày”, hay lúc này, là tận dụng chính những ngày giãn cách xã hội, để thời gian không trôi qua một cách nhàm chán và uổng phí.
Đây có lẽ là lúc không thể thích hợp hơn để đọc cuốn “L’art de la Simplicité” (How To Live More With Les/Làm thế nào để sống tối giản) của nữ tác giả người Pháp/ Bỉ Dominique Loreau. Một cuốn sách nghệ thuật sống vô cùng dễ chịu, có lẽ nhờ trải nghiệm sống của nữ tác giả, người chu du khắp thế giới trong những năm tháng sinh viên, nhưng cuối cùng lại chọn đến Nhật sống trong suốt hơn 30 năm liền vì đam mê phong cách sống và tinh thần Zen (sống chậm) của người Nhật. Sách có tính ứng dụng cao và để lại nhiều suy ngẫm sâu sắc, đặc biệt là trong những ngày tháng cả thế giới đang học cách sống chậm trước đại dịch này.
Điều mà tôi đồng cảm nhất với tác giả trong cuốn sách này là bà khuyến khích chúng ta học cách để sống một cách tối giản/ giản dị trong một xã hội tôn sùng vật chất, tiền bạc; học cách để tập luyện, phát triển cơ thể và trí óc (body & mind) để trở nên khỏe mạnh, năng động, suy nghĩ và tư duy độc lập. Nói tóm lại, học cách để kiểm soát bản thân tốt nhất, tránh bị phân tán năng lượng bởi những điều tiêu cực, phù phiếm, vô bổ trong biển thông tin hỗn tạp của xã hội ngoài kia.
Ví dụ như trong phần “Daily Practice” (Tập luyện hàng ngày) chẳng hạn, bà cho rằng, để rèn luyện một thói quen, bạn cần phải lặp đi lặp lại nó liên tục trong 21 ngày (3 tuần) mà không thay đổi, không bỏ dở, không viện cớ, không bào chữa, không thoái lui. Có chăng thì sau khi hết khung giờ rèn luyện, bạn có thể tự cho phép mình nghỉ ngơi một chút.
Bà cho rằng, khi rèn luyện một thói quen liên tục trong 21 ngày, bạn đang dần dần xác lập một mô hình mới lên não bộ của bạn. Một khi mô hình đó đã trở nên rõ ràng và chính xác, cơ thể của bạn buộc phải tuân thủ. Cơ thể của chúng ta chỉ làm những gì mà tiềm thức ra lệnh. Tiềm thức không phân biệt giữa một trải nghiệm thực tế và một trải nghiệm tưởng tượng. Vì vậy hãy cố gắng tái cấu trúc lại cảm giác ở bên trong để tạo thành một cái tôi mới, phá bỏ cái tôi đã bị nô lệ bởi các thói quen xấu trước đây.
Nhưng bà cũng thêm một lưu ý nhỏ là tạm thời đừng nói với bất cứ ai về mục tiêu mới của bạn. Vì khi phải giải thích những gì bạn đang cố gắng thực hiện cho những người không hiểu biết về các kỹ thuật mới này, họ có thể nghi ngờ về ảnh hưởng của chúng, và làm nhụt chí hoặc phân tán năng lượng của bạn.
Nếu muốn tập thói quen đọc sách, hãy luyện tập nó liên tục trong 21 ngày mà không bỏ ngày nào, chỉ cần một ngày từ 30 phút đến một tiếng buổi sáng (tôi đã làm được điều này trong ba năm qua nhờ khi bắt đầu chuyển sang làm tự do). Tương tự, nếu muốn luyện kỹ năng viết (để có thể kiếm sống bằng nghề viết chẳng hạn, tất nhiên cần thêm một chút năng khiếu); học tiếng Anh, và rất nhiều thói quen tốt khác để phát triển con người cá nhân của bạn, hãy thử áp dụng “quy luật 21 ngày”, hay lúc này, là tận dụng chính những ngày giãn cách xã hội, để thời gian không trôi qua một cách nhàm chán và uổng phí.
Thời gian vô nghĩa hay vô giá hoàn toàn phụ thuộc vào cách chúng ta sử dụng nó. Tất nhiên để biến thời gian thành vô giá đòi hỏi rất nhiều sự kiên nhẫn và khổ luyện của chúng ta.
Còn vô nghĩa? Đơn giản lắm, cứ lên mạng và cứ như một đàn ong vô tri lao theo một con Queen Bee khua môi múa mép mỗi ngày, ta sẽ thấy thời gian vô nghĩa đến nhường nào. Và sau mỗi ngày thức dậy với cái đầu trống rỗng, ta lại mệt nhoài tự hỏi, ta đang làm gì đời ta?