Văn nghệ thế giới
Tiếng hát đẩy lùi Covid
10:25 | 19/04/2020

Tại khoảnh khắc ấy, thế gian như chỉ còn lại một mình Andrea Bocelli - giọng ca khiếm thị danh tiếng. Nhưng Bocelli vẫn dò dẫm bước lên phía trước, ông đứng đấy, cất lên tiếng hát tha thiết của yêu thương và thức tỉnh...

Tiếng hát đẩy lùi Covid
Andrea Bocelli cất lên tiếng hát tha thiết của yêu thương và thức tỉnh

Đêm 12.4 vừa qua, trong một lễ Phục sinh đặc biệt nhất trong lịch sử, khi mà toàn thế giới đang phải mệt nhoài vật lộn với đại dịch Covid-19, giọng ca danh tiếng Andrea Bocelli đã một mình dò dẫm, nhỏ bé, cô độc và cả già yếu nữa giữa quảng trường Duomo rộng lớn, không một bóng người, cất cao tiếng hát...

Và tiếng hát cũng đơn độc (không nhạc đệm), cũng không còn vòm nhà thờ che chở... Không có màn trình diễn hoành tráng, hào hùng, dũng mãnh nào cả, chỉ có một cây organ nhà thờ và một giọng hát, rồi ở bài hát sau cùng (Amazing Grace) thì thế gian như chỉ còn lại một mình Bocelli. Khác nào chúng ta giờ đây vẫn đang mù lòa trước con virus Corona thoắt ẩn thoắt hiện... Nhưng Bocelli vẫn dò dẫm bước lên phía trước, ông đứng đấy, cất lên tiếng hát tha thiết của yêu thương và thức tỉnh.

May cho cuộc đời, nếu ngày đó, cặp vợ chồng ở ngôi làng nhỏ La Sterza, vùng Lajatico thuộc Tuscany, Italy quyết định phá thai theo lời khuyên của bác sĩ thì một trong những giọng hát hay nhất thế giới (đánh giá của nhà sản xuất âm nhạc danh tiếng David Foster) đã không thể chào đời. Tuy nhiên, Andrea Bocelli không thoát được số phận, từ năm 12 tuổi, Andrea không còn nhìn thấy ánh sáng. Nhưng điều đó không những không ngăn cản ông đến với âm nhạc, mà thiên nhiên xinh đẹp và những giai điệu dân ca tuyệt đẹp của vùng đất của olive vàng và rượu vang đỏ như đã hòa quyện vào tiếng hát êm tựa nhung ấy. Từ bỏ nghề luật sư, Andrea trở thành học trò của giọng ténor opéra hàng đầu thế kỷ XX Franco Corelli - người mà Andrea thú nhận "là sét đánh", là "thứ tình đầu, khởi nguồn sự nghiệp âm nhạc".

Theo học bậc thầy opera cổ điển, với âm nhạc cổ điển là nguồn cội, nhưng phong cách âm nhạc của Andrea Bocelli nằm ở giữa dòng cổ điển mang tính hàn lâm và dòng nhạc đại chúng, hay cổ điển giao thoa-crossover. Ông cũng thường biểu diễn chung với các ngôi sao nhạc pop như Celine Dion, Barbra Streisand, Jennifer Lopez, Jennifer Garner, Josh Groban..., hay trình diễn chung với cả Lang Lang hoặc Kenny G... Có lẽ bởi vậy mà âm nhạc của Andrea Bocelli vừa có sự hướng thượng của dòng nhạc bác học, lại vừa bình dị, gần gụi - thứ mà Celine Dion ngợi ca là "gần với giọng của Chúa trời"... Ca khúc Vivo per lei mà Andrea Bocelli song ca cùng giọng hát của nước Pháp Hélène Ségara từng lọt vào top 50 những bài hát hay nhất mọi thời đại, thậm chí năm 2016, nó giành được hơn 45% số lượng bình chọn, vượt qua cả Imagine của John Lenon (25%) và Like a Rolling Stone của Bob Dylan (17%).

Với Andrea Bocelli, ánh sáng cuộc đời chính là âm nhạc. Bởi vậy, sân khấu của ông gần như chỉ có âm nhạc. Và khán giả chỉ cần nhắm mắt để nghe. Không thời trang, chẳng vũ đạo hay bất cứ thứ gì làm màu mè. Giản dị như không mà say đắm vô kể. "Các cô gái ngất lịm đi, cánh đàn ông thì bật khóc vì xúc động khi giọng ca ấy vang lên..." - RFI, Đài Phát thanh quốc tế Pháp ngữ mô tả tiếng hát của Andrea Bocelli, người mà album đã tiêu thụ hơn 80 triệu album trên toàn thế giới, và để có cơ hội thưởng thức live một show diễn trong vòng tour thế giới của ông, tôi từng phải canh mua vé trước cả năm trời.

"Hồng ân tuyệt vời, âm thanh mới ngọt ngào làm sao/ Đã cứu kẻ khốn khổ như tôi/ Tôi đã từng lạc lối, nhưng giờ tôi lại được tìm thấy/ Từng mù lòa nhưng giờ tôi đã thấy..." - Amazing Grace với lời thơ của giáo sĩ John Newton không chỉ là một bài thánh ca Kitô giáo, mà còn là một trong những bài ca được yêu thích nhất mọi thời, bài thánh của tình yêu và sự thức tỉnh.

Cần biết rằng, John Newton đã viết những lời thơ Amazing Grace từ chính biến cố đặc biệt trong đời ông. Trải qua một tuổi thơ khá bất hạnh và đầy rắc rối (mẹ qua đời khi mới sáu tuổi), Newton từng sống đời nô lệ ở Tây Phi trước khi được giải cứu, rồi lại trở thành người buôn bán nô lệ. Trên hành trình trở về Anh, một cơn bão dữ dội gần như đánh chìm con tàu, Newton hoảng loạn tới mức không biết làm gì ngoài cầu xin Chúa. Và dường như Chúa đã nghe thấy lời cầu xin này. Newton quyết định từ bỏ quãng đời trước đó và cống hiến toàn bộ cho Thiên chúa. Trở thành linh mục, Newton cũng là tác giả của khoảng 280 bản thánh ca. Amazing Grace gợi cảm hứng cho một vở nhạc kịch và một bộ phim cùng tên ra đời.

Milan, Paris, London, New York... hiện lên cùng tiếng hát. Những nơi tôi đã từng qua, mà chưa bao giờ thấy gần đến thế. Như đếm được cả 3.400 bức tượng, 135 máng xối và 700 hình trang trí cho Milan Duomo, một trong những nhà thờ vĩ đại nhất và cổ xưa nhất thế giới. Như chạm được vào Madonnina mạ vàng, biểu tượng của Milan, ở nơi cao nhất của thành phố... Tôi đã thấy rồi, Milan!

Nguồn: ĐBND

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng