Các màn trình diễn ngoài trời mang tên Ấn tượng của đạo diễn Trương Nghệ Mưu có bối cảnh là những danh thắng ấn tượng nhất Trung Quốc, từ sông Ly Giang ở khu tự trị Quảng Tây (Tây Nam Trung Quốc) đến thành phố cổ Lệ Giang ở tỉnh Vân Nam, từ Hồ Tây ở tỉnh Chiết Giang (miền Đông) tới hòn đảo Hải Nam (miền Nam Trung Quốc).
Giờ đây, đạo diễn Trần Khải Ca, tác giả của bộ phim Bá vương biệt cơ (1993) từng được đề cử hai giải Grammy và giành giải Cành cọ Vàng tại LHP Cannes, đang bắt tay vào thực hiện màn trình diễn ngoài trời đầy sức quyến rũ tại Đại Lý - một thành phố cổ của tỉnh Vân Nam.
Có thể đạo diễn Trương Nghệ Mưu đã nổi đình nổi đám với các màn sân khấu ngoài trời ở Trung Quốc, nhưng Trần Khải Ca khẳng định ông không “bắt chước” Trương Nghệ Mưu. Ông nói: “Tôi không muốn đi theo bất cứ ai. Tôi chỉ bước đi trên con đường của mình và là chính mình. Do công việc quá bận rộn nên tôi chưa hề xem bất cứ một màn trình diễn ngoài trời nào. Tôi sẽ không so sánh màn trình diễn của mình với các chương trình khác”. Người đạo diễn 58 tuổi này quả quyết rằng màn trình diễn của ông là một sản phẩm độc đáo, khác biệt với bất cứ màn trình diễn nào trước đây ở Trung Quốc. Ông khẳng định: “Nó phải làm tôi hài lòng, khiến khán giả thỏa mãn và thuyết phục được chính quyền địa phương vì họ đã đầu tư 200 triệu NDT (hơn 400 triệu đồng) cho màn trình diễn”.
Đạo diễn họ Trần còn nhấn mạnh rằng ông sẽ dành thời gian và sức lực cho chương trình này nhiều hơn Trương Nghệ Mưu. Trên thực tế đạo diễn Trương không mất quá nhiều công sức vào màn trình diễn Ấn tượng do ông dàn dựng.
Wang Bing, Giám đốc công ty Truyền thông Văn hóa Pacy Age, đơn vị thực hiện màn trình diễn của Trần Khải Ca cho biết, ông và các cộng sự đã dành tới nửa năm để quyết định địa điểm, cốt truyện và những yếu tố chính trong màn trình diễn.
Tọa lạc cách thành phố Lệ Giang 200km về phía Tây
, Đại Lý mang vẻ đẹp thiên nhiên và hương vị của các dân tộc thiểu số tương tự như Lệ Giang. Đạo diễn Trương đã gặt hái thành công vang dội với màn trình diễn ngoài trời Ấn tượng Lệ Giang, mỗi ngày đón được hàng ngàn du khách. Vậy tạo sao Trần Khải Ca lại dàn dựng một chương trình mới ở thành phố cạnh đó?
Câu trả lời của đạo diễn họ Trần là ông đã có khoảng thời gian tuyệt vời nhất ở Vân Nam trong vai trò một thanh niên trí thức thành phố về đây “học tập nông dân” trong thập niên 1970. Ông có mối ràng buộc tình cảm với Đại Lý. Trần Khải Ca nói: “Tôi yêu miền đất này. Khung cảnh thiên nhiên của Đại Lý truyền cho tôi cảm hứng sáng tạo và trí tưởng tượng”.
Tuy nhiên, Trần Khải Ca không chọn núi dãy Cang Sơn hay hồ Nhị Hải – hai cảnh đẹp nổi tiếng của Đại Lý – mà lấy đập và hồ chứa nước cổ ở ngoại ô phía Bắc thành phố làm bối cảnh sân khấu.
Ông Wang cho biết, khu vực trình diễn sẽ bao phủ 133.000m2 nước và họ sẽ xây dựng một phòng dành cho khán giả gồm 5.000 ghế ở đập này. Các nhà tổ chức chương trình nói rằng hồ chứa không được sử dụng nữa nhưng người bản địa lại khẳng định rằng tuy cũ kỹ, lâu đời song hồ chứa vẫn đáp ứng được các nhu cầu tưới tiêu của họ.
Năm 2005, khi Trần Khải Ca quay phim Vô cực ở Tây Bắc tỉnh Vân Nam, đoàn làm phim của ông đã bị buộc tội phá hủy môi trường địa phương. Thế nên lần này đạo diễn Trần nhấn mạnh ông sẽ dàn dựng một màn trình diễn thân thiện với môi trường.
Hiện nay Trần Khải Ca và các đồng sự, gồm nhà biên đạo múa hàng đầu Trung Quốc Gaoyan Jinzi và nhạc sĩ Nhật Bản Joe Hisaishi, đã bắt tay vào việc. Trần Khải Ca giải thích rằng sở dĩ ông đặt tên cho màn trình diễn của mình là Di Hi là xuất phát từ hai câu trong Đạo đức kinh của Lão Tử: “Nhìn không thấy gọi là Di. Nghe không thấy gọi là Hi". Cốt truyện của màn trình diễn dựa theo truyền thuyết của người Bạch, một dân tộc thiểu số ở Đại Lý.
Theo TT&VH |