Bằng cách dùng âm nhạc là điểm dẫn dắt, Laura Tunbridge đã khắc họa chân dung và cuộc sống của thiên tài âm nhạc Beethoven trong cuốn tiểu sử đầy sức sống này.
Ludwig van Beethoven (1770 –1827) - nhà soạn nhạc cổ điển người Đức, là một hình tượng âm nhạc quan trọng trong giai đoạn giao thời từ thời kì âm nhạc cổ điển sang thời kì âm nhạc lãng mạn. Ông được coi là người dọn đường (Wegbereiter) cho thời kì âm nhạc lãng mạn. Beethoven được khắp nơi công nhận là nhà soạn nhạc vĩ đại nhất, nổi tiếng nhất và có ảnh hưởng tới rất nhiều những nhà soạn nhạc, nhạc sĩ và khán giả về sau.
Đã có rất nhiều cuốn sách nghiên cứu và viết về nhà soạn nhạc vĩ đại này và Beethoven: A Life in Nine Pieces (tạm dịch: Beethoven: Một cuộc đời qua chín lát cắt) của Laura Tunbridge là một tác phẩm tiếp nối hành trình ấy. Tác phẩm được xuất bản trùng với dịp Kỉ niệm 250 năm ngày sinh của Beethoven.
Một thử thách được đặt ra là, làm thế nào để những người đi sau như Laura Tunbridge có thể khai thác bất cứ một điều gì mới mẻ về một nhà soạn nhạc mà tầm vóc được xếp ngang hàng với Shakespeare và Dante như thế, và cả khi các tác phẩm về nhà soạn nhạc này đã được khai thác đều đặn từ khi ông qua đời: từ tác phẩm của Johann Aacts Scherer xuất bản năm 1827, đến sách của Alexander Wheelock Thayer (gồm 3 tập, xuất bản từ 1866 - 1879), tác phẩm của Maynard Solomon và gần đây nhất là Jan Swafford.
Nếu người viết loay hoay khi khó mà khai thác được bất cứ điều gì mới lạ về âm nhạc của Beethoven, thì tiểu thuyết sẽ là hướng đi thuyết phục. Chẳng hạn, các tiểu thuyết được phát hành trùng vào các lễ kỉ niệm về Beethoven như: cuốn Mr Beethoven (tạm dịch: Ngài Beethoven) của Paul Griffiths - cựu nhà phê bình âm nhạc của New Yorker và Immortal (tạm dịch: người bất tử) của blogger, nhà phê bình độc lập Jessica Duchen.
Beethoven: A Life in Nine Pieces của Laura Tunbridge rất khác biệt và đáng ngợi khen: một tiểu sử được miêu tả qua chín lát cắt, chính là chín tác phẩm, mỗi tác phẩm là một cánh cửa sổ để chiếu sáng các khía cạnh của cuộc sống, tính cách của Beethoven, và sự chú ý dễ hiểu về âm nhạc. Lựa chọn các tác phẩm nổi bật trải rộng từ đầu đến cuối hành trình sáng tác và biểu diễn của nhà soạn nhạc: từ một trong những thành công đầu tiên của Beethoven khi ông sống và làm việc tại Vienna - Septet, tới Grosse Fuge, qua bản nhạc cho giàn giao hưởng lớn Symphony No 3 “Eroica”, đến những bản nhạc thính phòng và các bản sonata cho piano: vở opera Fidelio được trình diễn lần đầu vào năm 1805 và tác phẩm Missa Solemnis được ông sáng tác trong giai đoạn 1819-1823.
Giảng viên, nhà nghiên cứu, tác giả Laura Tunbridge. |
Về nghiên cứu, Tunbridge đã nghiên cứu và khai thác cuộc đời và tác phẩm của nhà soạn nhạc lãng mạn người Đức Robert Schumann và đã phát hành các cuốn sách nổi tiếng về âm nhạc như: Schumann’s Late Style (tạm dịch: Phong cách giai đoạn sau Schumann của Cambridge, 2007); Rethinking Schumann (tạm dịch: Nhìn nhận lại về Schumann, Nxb Đại học Oxford, 2011); The Song Cycle (Chu kì bài hát, Nxb Đại học Cambridge, 2010); Singing in the Age of Anxiety: Lieder Performance in New York and London between the World Wars (Tạm dịch: Hát trong kỉ nguyên lo âu: Buổi biểu diễn của Lieder ở New York và London giữa Thế chiến; Nxb Đại học Chicago, 2018)…
Beethoven: A Life in Nine Pieces là cuốn sách phi học thuật đầu tiên của cô, được nghiên cứu và phân tích rõ ràng về cuộc đời và sự nghiệp âm nhạc của Beethoven, sử dụng những thuật ngữ chuyên ngành cụ thể... Tất cả những nỗ lực đó không bao giờ là điều dễ dàng đạt được. Cô đã gây hấn, thách thức người đọc bằng cách khắc họa một hình ảnh nhạc sĩ thiên tài cố hữu có thể là người lập dị, cô đơn, cộc lốc, đau đầu vì mưu sinh khác hẳn lối viết trước đó - thường khai thác hình ảnh nhà soạn nhạc tài năng đi liền với các phẩm chất đẹp đẽ, thân thiện, nhân hậu. Cô đặc biệt tinh mắt và sảng khoái khi khai thác nhiều về các khía cạnh đời sống thực tế hơn là huyền thoại.
Nhà soạn nhạc đã phải xoay xở ra sao trước những khó khăn của đời sống. Làm thế nào để tìm được một địa điểm biểu diễn, tập nhạc trong thời gian bao lâu, làm thế nào để bán được vé, làm cách nào để nhận được hỗ trợ từ các nhà tài trợ giàu có, hay làm thế nào để đối mặt với những căng thẳng, khó khăn của việc tự quảng bá hình ảnh và tác phẩm?...
Quãng thời gian Beethoven sống và làm việc tại Vienna cũng được miêu tả sinh động trong cuốn sách này. Nhà soạn nhạc từng sống trong khoảng 60 căn hộ khác nhau ở Vienna, Áo, đôi khi ở nhiều hơn một căn hộ cùng lúc. Beethoven có thể làm việc trong các ngôi nhà ngột ngạt, lộn xộn, bị bao vây bởi những bức tường. Beethoven cũng không tránh khỏi sự than phiền, khiếu nại của hàng xóm về những tiếng ồn từ âm nhạc và lời nói của ông. Beethoven nổi tiếng vì những cuộc cãi vã bùng nổ với những người hầu của mình. Có khi ông nổi cáu vì tình hình chính trị. Ông càu nhàu rằng cuộc xâm lăng Napoléon ở Vienna, với tiếng trống, đại bác và sự khốn khổ của con người, đã chấm dứt các bữa tiệc ca hát của ông với bạn bè. Những vấn đề xoay quanh đời sống cá nhân, các mối quan hệ ruột thịt như: cuộc chiến pháp lí Beethoven giành quyền nuôi cháu trai Karl của mình và mẹ cháu bé…
Tunbridge đã viết cuốn tiểu thuyết một cách mạnh mẽ và khách quan, làm cho người đọc ngạc nhiên về Beethoven hơn tất cả. Mỗi chương tập trung vào một giai đoạn của cuộc đời nhà soạn nhạc, một bản nhạc và chủ đề tiết lộ, từ gia đình đến bạn bè, từ chủ nghĩa anh hùng đến tự do. Đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn của chi tiết tiểu sử phong phú, cái nhìn sâu sắc về âm nhạc; vô số tài liệu chưa từng được tiết lộ cho công chúng; những góc nhìn mới lạ, hấp dẫn,... tất cả đều có thể thay đổi cách khán giả nghe, nhìn nhận về các tác phẩm của ông.
Cuốn sách được độc giả, giới phê bình ngợi ca: “Chúng tôi đôi khi thấy may mắn rằng Beethoven nên có một cuộc sống phi thường như vậy. Laura đã kết hợp cả hai - thiên tài âm nhạc và những trải nghiệm phong phú - để chiếu ánh sáng, hé lộ về nhà soạn nhạc vĩ đại nhất của chúng ta”, John Humphrys nhận định. Hay John Clubbe - tác giả của Beethoven: The Relentless Revolutionary Mark that young man, he will make a name for himself in the world (tạm dịch: Beethoven: Dấu ấn cách mạng không của chàng trai trẻ, người sẽ tạo dựng tên tuổi mình trong thế giới): “Cuốn sách được nghiên cứu kĩ lưỡng và dễ tiếp cận này là cuốn sách cần phải đọc cho tất cả những ai muốn tìm hiểu thêm về Beethoven bằng xương bằng thịt hơn là về một Beethoven huyền thoại không thể đo đếm được”.
Beethoven: A Life in Nine Pieces chắc chắn là một chân dung hấp dẫn, nhân văn về Beethoven và một hành trình thú vị đi vào một trong những bộ óc sáng tạo tuyệt vời nhất thế giới. Đây là một món quà đẹp đẽ nhân Kỉ niệm 250 ngày sinh của Beethoven!.
Theo Ngọc Hiên - VNQĐ