Vil Bykov là nhà nghiên cứu văn học, dịch giả, nhà báo, chuyên gia về văn học Mỹ thế kỷ XX. Ông đã dịch nhiều tác phẩm của Jack London và là tác giả một số cuốn sách về nhà văn như “Trên tổ quốc của Jack London”(1962); “Jack London” (1964, 1968); “Theo dấu chân của Jack London” (1983)...
Là ủy viên danh dự Ban chấp hành Hội Jack London của Mỹ, Vil Bykov có nhiều điều kiện tiếp xúc với các con cháu đời sau của nhà văn, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và hoàn cảnh sống của họ.
Lời kể của nhà báo Vil Bykov
Trong chuyến đi Mỹ nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh của nhà văn Mỹ Jack London (1876 - 1916), tôi may mắn được gặp bà Turnell Ebbott, người chắt gái của nhà văn.
Hơn 20 năm rồi chúng tôi không gặp nhau. Tôi đã kể về chuyến đi và cuộc gặp gỡ này trong cuốn “Theo dấu chân của Jack London”. Hiện nay, bà sống ở thành phố Richmond, cách San Francisco không xa.
Turnell Ebbott là cháu của Joane, người con gái cả của Jack London. Turnell là một thủ thư kiêm họa sĩ nổi tiếng ở California. Bà tích cực tham gia hoạt động nhân quyền, đấu tranh cho quyền tự do ngôn luận, quan tâm về các vấn đề môi trường, kiểm duyệt và nguy cơ của chủ nghĩa quân phiệt.
Jack London có hai đời vợ. Năm 1900, ông kết hôn với Bessie Madern và sinh được hai con gái là Joane và Bess, 3 năm sau đó họ chia tay. Năm 1905, Jack London kết hôn với Clara Charmian nhưng không có con chung.
Trong những chuyến đi Mỹ trước đây, tôi đã có dịp gặp và trò chuyện với hai người con gái của Jack London là Joane và Bess. Về tính cách, hai chị em không hoàn toàn giống nhau. Cô lớn Joane nghiêm nghị, điềm tĩnh, kiệm lời. Cô thứ Bess vui vẻ, hay nói, niềm nở.
Là tác giả của những cuốn sách nghiên cứu quan trọng, Joane luôn luôn tỏ thái độ phê phán các cơ quan nhà nước Mỹ và phát hiện trong các tác phẩm của bố mình không chỉ những ưu điểm mà cả những nhược điểm. Còn Bess chỉ nhớ những kỷ niệm trong sáng, tốt đẹp về tác phẩm cũng như lối sống của bố.
Jack London chỉ sống ba năm trong gia đình, nhưng sau đó ông thường xuyên đến thăm các con, yêu mến chúng và muốn chúng sống bên cạnh mình. Nhà văn có ý định chuyển các con đến trang ấp của mình, nơi ông sống với Clara Charmian, người vợ thứ hai.
Bi kịch gia đình ly hôn
Nhiều năm liền, Joane viết hồi ký về Jack London. Cuối cùng, cuốn sách đầy khó khăn này đã ra đời. Joane viết về bố mình trong thời gian dài, bà kiên nhẫn tìm lời giải đáp, tranh luận với Bess và với chính bản thân mình.
Trong một bức thư gửi cho tôi không lâu trước lúc qua đời, Joane chia sẻ: “Tôi đã viết xong gần hai phần ba cuốn sách về Jack London. Mục đích chính của tôi khi viết cuốn sách này là bảo vệ những trẻ em bị thiệt thòi vì bố mẹ ly hôn.
Tôi phản đối sự bảo trợ được ghi trong bộ luật hiện hành của nước Mỹ nơi sự chăm sóc đứa con đặt cả lên vai người mẹ, còn người bố chỉ có một quyền đến thăm con. Vụ ly dị của bố mẹ là một bi kịch đối với tất cả chúng tôi. Mặc dù rất mong muốn, nhưng quả là bố tôi không thể nào thu xếp được một cách ổn thỏa mối quan hệ với các con gái”.
Suốt đời, Joane bị dày vò bởi câu hỏi: Tại sao một người bố có thể bỏ con gái, nếu ông yêu chúng? Vâng, khi chia tay gia đình, Jack London đã mua cho các con một ngôi nhà lớn với cảnh quan đẹp bên bờ vịnh Piemonte, cho tiền ăn học và các chi phí khác, nhưng...
Đành rằng, mẹ bà hoàn toàn có lỗi trong cuộc tranh cãi quyết liệt, không phân thắng bại giữa hai người. Nhưng tại sao 10 năm sau đó, ông lại viết những lời tàn nhẫn cho con gái, đòi cắt đứt quan hệ? Bức thư của Jack London gửi cho Joane năm 11 tuổi thật cay đắng và không thể tha thứ, mặc dù nó chủ yếu là dành cho mẹ bà.
Sau vụ hỏa hoạn ở trang ấp dẫn đến cái chết của con trai với người vợ thứ hai, Jack London bị rối trí khiến nhiều ước mơ của ông bị tan vỡ. Lúc bấy giờ, nhà văn rơi vào hoàn cảnh kinh tế hết sức khó khăn, những bất hạnh khác cũng ập xuống đầu ông.
Bị ốm nặng, Jack London mong chờ sự thông cảm của các con gái, tìm niềm an ủi của chúng mà không biết rằng Bessie (vợ cả) cách ly chúng với ông. Jack London kịch liệt lên án quan điểm không thể dung hòa của vợ cũ, còn Joane lại đứng về phía mẹ. Và bức thư phẫn nộ của ông như một phản ứng.
Trong cuốn hồi ký của Joane có những lời bộc bạch khác mà Bess không biết. Bess chỉ ghi nhớ những kỷ niệm đẹp về bố. Joane có quyền không đồng ý với Bess, bởi Bess lúc đó còn quá nhỏ, và không hề biết gì về mối bất hòa giữa bố và mẹ.
Bức di chúc buồn
Joane trực tiếp trao đổi thư từ với Jack London, thâm nhập vào thế giới nội tâm và cuối cùng là tác phẩm của ông. Cuốn sách đầu tiên của bà “Jack London và thời đại của ông” (1939, 1961) là bằng chứng hết sức rõ ràng về điều đó.
Bà cảm nhận được và bằng lý trí hiểu rằng, Jack London đã phải chịu đựng biết bao đau khổ về việc người vợ cũ kiên quyết từ chối các cuộc gặp gỡ của ông với các con.
Trong những bức thư của mình, Jack London đã mắng Bessie thậm tệ, gọi bà là kẻ đê tiện, độc ác và làm hại các con ông. Ông gọi các con đến trang ấp của mình, mời bà cùng đến, nhưng Bessie đã không tha thứ cho chồng, và 10 năm sau, vẫn khăng khăng giữ ý kiến của mình.
Trong di chúc của mình viết trước lúc ốm nặng, Jack London quyết định trao cho Clara Charmian, vợ hai của ông, quyền xem xét vấn đề tài sản đối với các con gái của ông. Clara Charmian được thừa kế trang ấp. Đó là cú đòn tuyệt mệnh của Jack London giáng vào đầu Bessie, đồng thời cũng là cú đòn đối với các con ông.
Gần 20 năm, Joane viết hồi ký về bố nhưng chưa thể hoàn thiện. Nó được Bart Ebbott, con trai bà hoàn thành, nhưng theo yêu cầu của Bess, suốt 20 năm sau nữa cuốn sách không được xuất bản. Và cuối cùng cuốn “Jack London và các con gái của ông” (Jack London and his Daughters) cũng đã đến tay bạn đọc.
Như vậy, các con gái của nhà văn được hưởng các điều kiện để hoàn tất việc học hành. Nhưng bất động sản và bản quyền các tác phẩm văn học của Jack London thuộc về Clara Charmian. Jack London không di chúc gì cho con cháu trực hệ của mình.
Sau khi Clara Charmian qua đời, toàn bộ tài sản rơi vào tay Irving Shepard, cháu họ của Jack London. Sau nhiều cuộc đàm phán, chính quyền California đã cho phép Irving Shepard xây dựng Công viên lưu niệm và Bảo tàng Jack London trên lãnh thổ trang ấp. Quyền lợi của lớp con cháu trực hệ của nhà văn một lần nữa lại bị bỏ quên.
Theo Trần Hậu - GD&TĐ