Văn nghệ thế giới
Hoạt hình Trung Quốc – Bao giờ mới “lớn”?
08:47 | 15/07/2009
Mới đây tờ People’s Daily đã nêu ra 10 câu hỏi về nền hoạt hình Trung Quốc, trong đó chốt lại vẫn là: “Khi nào Trung Quốc mới trở thành một “đại gia hoạt hình?”.
Hoạt hình Trung Quốc – Bao giờ mới “lớn”?
Hình ảnh trong phim Pleasant Goat and Big Big Wolf

Các bộ phim hoạt hình Uproar in Heaven, Black Cat Detective Calabash Brothers đã gây được tiếng vang cách đây hai thập kỷ và Vua Khỉ thì đã nổi danh khắp toàn cầu. Chúng thuộc về “kỷ nguyên vàng” của phim hoạt hình Trung Quốc, bắt đầu từ thập kỷ 50 đến thập kỷ 80, không tính thời Cách mạng Văn hóa (1966 -1976).

Những năm gần đây các xưởng phim hoạt hình Trung Quốc cố dựng lại danh tiếng trước đây để cạnh tranh với Hollywood và Nhật Bản. Các phim hoạt hình thành công nhất thời gian qua là Mcdull WudangPleasant Goat and Big Big Wolf. Tuy tạo được sức hút ở thị trường nội địa nhưng hoạt hình Trung Quốc chưa có nhiều phim tỏa sáng ở quốc tế, chưa có đối thủ xứng với Doraemon Astro Boy - các "thương hiệu" đến từ Nhật Bản.

Với hy vọng thúc đẩy phim hoạt hình và văn hóa truyền thống, Hội Dân gian Trung Quốc và Hãng phim Hoạt hình Thượng Hải đã tổ chức cuộc thi vẽ 12 con giáp và mới đây đã trao giải cho 12 hình vẽ được tuyển chọn từ 27.850 bức tranh tham dự. 12 hình ảnh đoạt giải sẽ được tiếp thị khắp toàn cầu với tổ hợp sản phẩm gồm đồ chơi, truyện tranh, phim hoạt hình và các nhân vật trong công viên chủ đề.

Ngành công nghiệp hoạt hình Trung Quốc vài năm qua đã có những dấu hiệu tiến triển ở mức khiêm tốn. Chẳng hạn, hồi đầu năm, Pleasant Goat and Big Big Wolf đã thu được khoảng 80 triệu NDT (11,7 triệu USD) ở các rạp chiếu trong nước. Đây được coi là một kỷ lục đối với phim hoạt hình nội địa. Năm ngoái, bộ phim nhựa hoạt hình Calabash Brothers – được chế lại từ serie phim truyền hình năm 1986 – cũng thu được 10 triệu NDT.


Vua Khỉ trong phim hoạt hình
Uproar in Heaven


Ông Wang Ying, Giám đốc kênh Hoạt hình của CCTV, cho rằng: “Nhân tố chính trong phim hoạt hình là trí tưởng tượng. Kể cả khi chúng ta đã tạo nên được một cốt truyện đầy hình ảnh tưởng tượng thì chúng ta vẫn cần phải vận dụng khả năng tưởng tượng của mình trong tiếp thị và phát hành phim”.

Năm 2008 ngành hoạt hình Trung Quốc đã sản xuất được tổng cộng 131.042 phút phim, tăng 28% so với năm 2007. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm không được thiếu nhi trong nước đón nhận hồ hởi như các bộ phim hoạt hình nước ngoài bởi thiết kế hình ảnh và cốt truyện chưa thực sự độc đáo.

Mới đây Trung Quốc đã tổ chức triển lãm phim hoạt hình và trò chơi hoạt hình quốc tế mang tên Fantasy China 2009. Tại đây các chuyên gia đã đưa ra những ý tưởng mới nhằm góp phần chấn hưng ngành phim hoạt hình Trung Quốc.

Ông Lance Diaresco, Phó giám đốc marketing của Disney ở Trung Quốc, nói rằng cuộc khủng hoảng kinh tế là vấn đề đáng quan tâm vì nó đánh vào túi tiền của người xem, nhưng thị trường ở đất nước Vạn lý trường thành vẫn có tiềm năng lớn dành cho những bộ phim có cốt truyện độc đáo. Còn ông Pierre Cheung, Giám đốc kinh doanh của BBC ở châu Á, khẳng định: “Cần thiết phải xúc tiến nghiên cứu và điều tra thị trường để qua đó nắm được thị hiếu và tiếp cận khán giả. Như vậy, các nhân vật và cốt truyện đầy sáng tạo của bạn sẽ có hiệu quả và mang tính định hướng hơn”.

Một số chuyên gia cho rằng vấn đề lớn ở đây là nhiều nhà sản xuất đã quá hấp tấp kiếm lợi và thu hồi vốn khi tung ra thị trường những sản phẩm không có chất lượng. Thông thường, phải mất 4-5 năm mới sản xuất được một bộ phim hoạt hình có chất lượng cao, nhưng các nhà đầu tư thiếu kiên nhẫn của Trung Quốc không muốn hứng rủi ro trong một thời gian dài như vậy.

Ông Wang Liuyi, một chuyên gia hoạt hình, nói rằng các nhà sản xuất phim hoạt hình Trung Quốc nên học hỏi kinh nghiệm từ Nhật Bản và Hollywood, học tập các chuyên gia của họ để có thể làm ra những bộ phim độc đáo. Theo ông, các bộ phim có chất lượng nghệ thuật cao và độc đáo là những nhân tố nuôi dưỡng ngành hoạt hình, nhưng doanh thu đạt được không chỉ từ lượng vé bán ra mà còn từ quảng cáo và các sản phẩm phụ.

                                                                                                   Theo TT&VH

Các bài mới
Các bài đã đăng