Văn nghệ thế giới
Thay đổi bản thân với “40 thói quen xấu cần vứt bỏ”
14:56 | 20/05/2021

40 thói quen xấu cần vứt bỏ (Tân Việt Books và NXB Lao động) là cuốn sách mới của chuyên gia tư vấn người Nhật Bản Tokio Godo. Thay vì chỉ tư vấn về cách kiếm tiền, tiêu tiền đúng như sở trường; trong cuốn sách này, tác giả còn chia sẻ với độc giả cách thức thay đổi các thói quen xấu trong nhiều lĩnh vực như: giao tiếp, hoàn thiện kỹ năng làm việc, cách làm việc, làm chủ đời sống tinh thần… để trở nên thành công hơn.

Thay đổi bản thân với “40 thói quen xấu cần vứt bỏ”
Cuốn sách được ví như người bạn đồng hành tuyệt vời, giúp mỗi người sớm thay đổi bản thân theo chiều hướng tích cực hơn

Là chuyên gia tư vấn về kỹ năng kinh doanh, đầu tư bất động sản và quản lý tài sản, tác giả Tokio Godo từng xuất bản các cuốn sách nổi tiếng như: Cách tiêu tiền thông minhNgười kiếm trăm triệu yên một năm, người chỉ dừng lại ở ba triệu yên một năm… Đến cuốn sách 40 thói quen xấu cần vứt bỏ lần này, tác giả đã không ngần ngại đề cập đến nhiều thói quen nhạy cảm, mà nhiều người chỉ dám thú nhận khi đối diện với chính mình như: kiêu hãnh quá đà, cho rằng mình luôn đúng, tự ti, đố kị, khắt khe…

Theo tác giả Tokio Godo, kiêu hãnh có 2 loại, một là tự hào với chính bản thân mình, hai là phô trương bản thân thái quá. Trong đó nguy hại và tiêu cực hơn cả là việc phô trương bản thân thái quá. Những người mắc thói quen xấu này thường luôn muốn mình phải đứng nhất trong các mối quan hệ, lên giọng với người ít tuổi hơn, kiêu căng với những người phục vụ trong nhà hàng, khách sạn… dễ để cảm xúc của bản thân bị chi phối bởi lời nói và hành động của người khác.

Người kiêu hãnh quá đà cũng thường không chịu nói lời xin lỗi với người khác, bị người khác dần xa lánh… Và thói quen này chính là vật cản đường, kìm hãm sự phát triển, thậm chí là phá hủy cuộc sống của họ.

Vứt bỏ được niềm kiêu hãnh thái quá, sẽ khiến họ sẵn sàng tiếp nhận ý kiến của người khác, lấp đầy tri thức, mở mang được mối quan hệ và quan trọng hơn là tập trung được vào việc phát triển bản thân để trưởng thành.

Để vứt bỏ được thói quen xấu kiêu hãnh thái quá này, tác giả Tokio đề xuất ra 3 chiến lược: vứt bỏ hữu danh vô thực, kẻ khôn ngoan thì thực sự mù màu và tự mình hiểu mình.

Không chỉ là những thói quen xấu trong giao tiếp, đối nhân xử thế, tác giả Tikio Godo còn giúp độc giả phát hiện và từ bỏ nhiều thói quen xấu khác trong việc quản lý vật chất, tiền bạc; kỹ năng làm việc, cách làm việc.

Trong quản lý vật chất và tiền bạc, ông đề nghị độc giả vứt bỏ thói quen tiêu tiền không hợp lý. Bởi nếu không bỏ được thói quen này, thì mãi mãi không tiết kiệm được tiền bạc, bất an trước các biến cố khó lường trong cuộc sống. Ngược lại người làm được việc này sẽ dành dụm được tiền bạc, chủ động trong cuộc sống.

Tác giả Tokio đề nghị 2 phương pháp để kiểm soát cảm giác muốn tiêu xài. Thứ nhất là trước khi mua bất cứ một thứ gì, hãy đặt câu hỏi: “Nếu mua cái này thì mình được lợi gì từ nó”. Khi biết cách đắn đo như vậy, bạn sẽ biết cái gì mình nên đầu tư.

Thứ hai là tạo ra một quy tắc tiêu tiền, dùng tiền cho hợp lý. Theo kinh nghiệm của tác giả, việc đầu tư tiền bạc vào kinh doanh, bất động sản, sách báo hay nguồn thông tin dự báo, thực phẩm an toàn để bảo vệ sức khỏe… là những đầu tư khôn ngoan mà mọi người nên cân nhắc thực hiện.

Bên cạnh đó, tác giả Tokio cũng không tán thành quan điểm tiết kiệm thái quá của người Nhật. Theo đó, một người Nhật trung bình khi chết đi thường để lại cho người nhà 30 triệu yên. Để có được số tiền đó, hầu hết đều làm việc điên cuồng trong suốt cuộc đời.

Phần lớn họ đều trải qua một cuộc đời không có các buổi đi chơi, du lịch, thậm chí là không một ngày nghỉ; không có những trải nghiệm đáng quý trong cuộc đời; rồi đến khi nằm giường bệnh vẫn không hiểu nổi cuộc sống tuần hoàn như thế nào, và nuối tiếc những việc chưa làm. Tiết kiệm tiền trở thành mục đích của đời họ, thay vì trải nghiệm để trưởng thành hoặc tận hưởng cuộc sống.

Trong phần kỹ năng làm việc và cách làm việc, tác giả Tokio cũng đề cập đến nhiều thói quen xấu khác, trong đó có tư tưởng phải thăng tiến. Đây hẳn nhiên là mong muốn của rất nhiều người, nhưng nếu đặt quá nặng tư tưởng này thì cuộc sống của người đó lúc nào cũng đầy rẫy áp lực. 

Từ kinh nghiệm của chính mình, tác giả cho rằng trong sự nghiệp không có lên hay xuống, mà chỉ có sự nghiệp hạnh phúc hay không hạnh phúc mà thôi. Ông đưa ra lời khuyên: Bất cứ khi nào cảm thấy bị tù túng với công việc của mình, bạn nên tìm kiếm những công việc, thử thách mới, hết mình với nó; và những kinh nghiệm, kiến thức mà bạn thu được chính là tài sản vô giá cho cuộc sống và sự nghiệp của bạn sau này.

Bằng cách viết chân tình, giản dị mà rõ ràng, tập trung khai thác sâu vào khía cạnh đa dạng trong tâm lý hành vi của con người, tác giả Tokio Godo đã viết nên một cuốn sách kỹ năng khác biệt và hữu ích cho tất cả những ai muốn hoàn thiện mình từng ngày để hướng tới thành công.

Và trong hành trình ấy, những lời khuyên dễ hiểu và dễ áp dụng của tác giả trong cuốn sách 40 thói quen xấu cần vứt bỏ sẽ là một người bạn đồng hành tuyệt vời giúp mỗi người vững bước hơn trên hành trình hứa hẹn nhiều trải nghiệm hấp dẫn và trái ngọt này.

Theo Quỳnh Yên - SGGP

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng