Văn nghệ thế giới
Van Gogh - Sống và Vẽ
10:39 | 22/06/2021

Đây là một trong số những cuốn sách hay nhất, chi tiết nhất và sinh động nhất về cuộc đời, cái chết và xen giữa sự sống và chết của một thiên tài mà chỉ sau khi lên Thiên đường mới được thừa nhận…

Van Gogh - Sống và Vẽ
Nguồn: ITN

Có những cuốn sách và các nhân vật được mô tả trong đó tạo ra những ấn tượng rất khó phai, thậm chí là ám ảnh. Vincent Van Gogh là một nhân vật như thế. Điều gì đã tạo nên con người ông, cùng những nét vẽ nguệch ngoạc của ông trên toan, và đằng sau những cách thể hiện con người, thiên nhiên và những màu sắc, đa phần u ám kia là gì? Phải chăng là bởi chính con người ông, những gì ẩn chứa bên trong đó và sau này bùng nổ ra ngoài, chính là chứng điên? 

Những phân tích của giới học thuật và rất nhiều cuốn sách về ông, sau khi nghiên cứu các bức vẽ, các hoàn cảnh cuộc đời, mối quan hệ của Van Gogh với thế giới xung quanh thông qua những bức thư trao đổi giữa ông và em trai Théo, cho thấy Vincent là một tập hợp của rất nhiều những thứ đau khổ, mâu thuẫn, bất lực dồn nén trong một con người luôn cảm thấy mình lạc loài, sống nhầm thời đại. Và vẽ, thứ nghệ thuật mà ông theo đuổi là sự phản ánh tất cả những điều đó trong con người ông, tiếc thay, nó chỉ giúp ông kéo dài một cuộc đời bi kịch chứ không thể đem đến cho ông một kết cục có hậu. Điều gì sẽ xảy ra nếu như Van Gogh bán được tranh, trở nên nổi tiếng và giàu có như rất nhiều hoạ sĩ đương thời như Monet, Renoir, Cezanne hay chính Gauguin, người bạn thân của ông, cũng là người mà ông từng tranh cãi về nghệ thuật để đến mức sau đó, trong một cơn điên loạn, ông đã tự cắt tai mình? 

Van Gogh không phải là một con người bình thường, mà là rất nhiều thứ hỗn độn trong một con người, với những đau đớn, buồn vui, cực đoan đẩy lên đỉnh điểm và nghệ thuật của ông chính là thể hiện một tâm hồn đẹp, nhưng điên loạn như thế. Tại sao lại như thế, ai đã làm cho Van Gogh như thế, tại gia đình ông, tại xã hội lúc đó, hay tại chính ông? Gạt sang bên những ca tụng của chúng ta về thiên tài và sự độc đáo của ông, Van Gogh thật mong manh, tội nghiệp. 

Tất cả những khía cạnh con người ấy đều được thể hiện trong cuốn “Cuộc đời Van Gogh” của hai tác giả Steven Naifeh và Gregory Whitesmith. Đó là một trong số những cuốn sách hay nhất, chi tiết nhất và sinh động nhất về cuộc đời, cái chết và xen giữa sự sống và chết của một thiên tài mà chỉ sau khi lên Thiên đường mới được thừa nhận và tác phẩm của ông làm giàu cho bao người khác, là rất nhiều những dằn vặt, đau đớn, vật lộn, để sống và vẽ. Đó không chỉ là một cuốn tiểu sử thông thường về các nhân vật nổi tiếng mà là một cuốn sách về Van Gogh và những năm tháng mà ông đã sống, là một bức tranh tổng thể về xã hội Hà Lan và Pháp lúc ấy, là một câu chuyện dài mà người đọc sẽ tưởng như là mình đang xem một cuốn phim, qua đôi mắt của chính Van Gogh. 

Và ở cuối sách, sau khi đã tái hiện chân dung của họa sĩ người Hà Lan, các tác giả đã đưa ra một giả thiết về cái chết của ông vào năm 1890 ở tuổi mới 37, qua việc dựa trên các điều tra, để khẳng định rằng Van Gogh không tự tử vì trầm cảm, mà bị người khác ngộ sát. Đó cũng là một giả thiết đáng chú ý về cái chết đau lòng của người hoạ sĩ.      
Cuốn sách được xuất bản lần đầu năm 2011 và 10 năm sau được dịch và in ra ở Việt Nam. Ngoài ra, Alphabooks còn có một cuốn sách về Van Gogh mỏng hơn, to hơn, in màu 100% và giải thích rất kĩ lưỡng về các bức tranh nổi tiếng nhất của Van Gogh (về hoàn cảnh ra đời, cách thể hiện nghệ thuật…).

 
Theo Anh Ngọc - ĐBND

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng