William Shakespeare được gọi là nhà thơ dân tộc Anh, nhà viết kịch vĩ đại nhất mọi thời đại. Tác phẩm của ông được yêu thích và chào đón trên toàn thế giới, nhưng cuộc sống cá nhân ông lại có rất nhiều bí ẩn.
Kết hôn sớm và sự nghiệp tìm kiếm tiền đồ
William Shakespeare chào đời năm 1564 tại một ngôi làng nhỏ bên bờ sông Avon, nơi giữa đồng giao thương. Cha cậu, ông John Shakespeare, làm nghề thuộc da và làm găng tay. Ông cũng là một người có vị thế nên sau này trở thành thị trưởng vào năm 1568. Không có nhiều thông tin rõ ràng về thời thơ ấu của Shakespeare, nhưng thời đó, có sách ghi lại, gia đình cho cậu đi học tại trường Văn phạm của Nhà vua.
Ở trường, tất cả học sinh phải học ngữ pháp và tiếng Latinh từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối, sáu ngày một tuần. Ngoài ra, học sinh còn phải dịch, rồi học thuộc lòng truyện ngụ ngôn Aesop, biên niên sử do Caesar và Cicero viết, những bài thơ của Virgil và Ovid, các vở kịch của Plautus.
Shakespeare kết hôn rất sớm khi chỉ mới 18 tuổi và có 3 người con. Thời ấy, ở Anh thường có những gánh hát lưu động đi lưu diễn ở các miền quê. Chính sân khấu kịch và những gánh hát đó đã hấp dẫn chàng thanh niên trẻ. Vì vậy, cậu quyết định rời quê, tới London để tìm kiếm tiền đồ và sự nghiệp cho mình. Lúc bấy giờ, London là thành phố lớn thứ ba châu Âu sau Paris, Pháp và Napolis, Italy.
Thành phố này vào thời đó có gần 150 nghìn dân, ồn ào, sôi động, tràn ngập biệt thự, lều lán, chuồng ngựa, quán rượu, nhà trọ, sòng bạc, sân chơi ném bóng hay nơi biểu diễn kịch. Vì dịch hạch bùng phát khiến nhiều người chết nên một nửa dân cư London lúc đó có độ tuổi dưới 20 tuổi. Đây là một nơi lý tưởng dành cho một người nhiều khát vọng như Shakespeare!
Ở tuổi 22, chàng thanh niên trẻ tràn đầy năng lượng và viết rất nhanh, gần như không phải xóa bỏ chữ nào. Cậu nhanh chóng trở thành thành viên của đoàn kịch có tên là Lord Chamberlain’s men. William Shakespeare viết kịch cho họ liên tục không ngừng nghỉ. Họ trình diễn bảy tới tám vở kịch mỗi mùa.
Những từ ngữ đậm chất thi ca, trào phúng và hài hước tuôn chảy từ ngòi bút của Shakespeare, khắc họa lịch sử của những vị vua chúa, hoàng hậu, bá tước, công tước, các quý ông, thằng hề, học giả, giáo sĩ, luật sư… Đối với Shakespeare đó là một thế giới nhân vật sống động như thật!
Trong suốt những năm đó, nhà hát được mở rộng hết mức, còn các vở kịch được trình diễn rất thành công. Khán giả đứng xem chật cứng, họ thích thú với những tiếng kèn và tiếng pháo. Để làm hài lòng thị hiếu của đông đảo khán giả khó tính là chuyện không hề dễ dàng. Nếu họ không thích vở diễn, họ sẵn sàng hò hét, huýt sáo, thậm chí là ném táo thối hay vỏ lê vào các diễn viên. Tuy nhiên, các tác phẩm của Shakespeare lại được đón nhận nồng nhiệt và được yêu cầu diễn lại nhiều lần.
Ngay cả Nữ hoàng Elizabeth I và sau này là vua Jame I đã mời ông cùng đoàn kịch đến biểu diễn tại cung điện trong một số dịp đặc biệt. Điều này đã tạo cảm hứng cho Shakespeare sáng tác nhiều vở kịch như Hamlet, Macbeth, Vua Lear, Romeo và Juliet, hay những vở hài kịch như Giấc mộng đêm hè, Có gì đâu mà rộn, Giông tố. Chúng đã trở thành các tác phẩm bất hủ.
Những vở kịch ấy mang nhiều ý nghĩa hơn so với các vở kịch trong quá khứ hay với các tác phẩm đương thời. Ví dụ, trước khi vở kịch Romeo và Juliet ra đời, tình yêu không được coi là đề tài đáng để sáng tác thể loại bi kịch. Khi viết, Shakespeare sống theo từng nhân vật và chìm đắm theo tình cảm, suy nghĩ và hành động của họ.
Khi Hamlet thốt lên câu hỏi nổi tiếng: “Tồn tại, hay không tồn tại”, nhà soạn kịch muốn cho khán giả thấy một chàng hoàng tử trẻ tuổi, thông minh và công bằng, lại buộc phải giết chết chú và mẹ mình để trả thù cho cha mình. Làm sao chàng có thể lạnh lùng làm điều này mà không đau đớn đến phát điên?
Ngôn từ thơ ca tạo ra tiếng Anh đương đại
Chính các ngôn từ mang đậm tính thơ ca của nhà soạn kịch đã tạo ra tiếng Anh đương đại. Vào thế kỷ 16, tiếng Anh không có nhiều quy tắc ngữ pháp cụ thể như ngày nay. Shakespeare đã tạo ra hơn 3.000 từ mới, bao gồm cả danh từ, động từ và các cụm từ như “hồi hộp chờ đợi” (to keep in suspense) hay “chớ thấy sáng mà ngỡ là vàng” (not all that glitters is gold) tới ngày nay vẫn còn được sử dụng.
Các tình tiết, cốt truyện và tâm lý nhân vật trong các vở kịch chứng tỏ William Shakespeare là một người uyên bác, hiểu rõ về con người, biết phối hợp kỹ thuật kịch với khả năng thơ phú. Tất cả đã khiến cho ông trở thành một nhà viết kịch bậc nhất (the greatest of playwrights).
Nhiều người đã tin rằng, một người với cuộc đời bình thường, thời gian đi học ngắn ngủi như vậy, không thể viết ra được các vở kịch xuất sắc. Họ cũng tin rằng, không thể có được chiều sâu tư tưởng thì làm sao biết được ngôn từ và các tư cách của giai cấp thượng lưu, không thể biết được các môn thể thao, săn bắn của giới quý tộc… Vì thế kể từ các năm 1800, rất nhiều người đã nghi ngờ về các tác phẩm của ông. Họ cho rằng, tác giả phải là một người khác.
Ngày 23 tháng 4 năm 1616, nhà soạn kịch đột ngột qua đời tại quê nhà ở tuổi 52. Người ta không biết chính xác nguyên nhân cái chết của ông, nhưng có giả thuyết cho rằng, ông mất sau khi uống rượu với người bạn Ben Jonson cả đêm. Ngày nay, để tưởng nhớ ông, ngày đó đã trở thành Ngày Sách và Bản quyền Thế giới.
Sau khi Shakespeare qua đời, bạn bè đã cho in toàn bộ các tác phẩm của ông. Ngày nay, hầu hết các tác phẩm đó vẫn được đón đọc, được dịch, được phổ biến và biểu diễn trên khắp thế giới.
Shakespeare không chỉ thành công với tư cách là nhà soạn kịch, mà còn được coi là nhà văn có tầm ảnh hưởng quan trọng nhất thế giới. Ông đã truyền cảm hứng cho nhiều nhà văn khác như Charles Dickens,
Herman Melville hay William Faulkner, cho các đạo diễn của hơn 400 bộ phim chương trình truyền hình và hoạt hình, chẳng hạn như loạt phim hoạt hình Gia đình Simpson.
Thậm chí, 27 Mặt trăng của sao Thiên Vương được đặt tên theo các nhân vật của nhà soạn kịch như: Miranda, Ariel, Titania, Oberon, Cordelia, Bianca, Juliet, Puck….
Theo Tùng Bách - GD&TĐ