Theo một cố vấn y tế cấp cao của chính phủ Nhật Bản thì quyết định hủy bỏ Paralympic Tokyo có thể sẽ được đưa ra trong tuần này trừ khi tình hình dịch bệnh tại Nhật Bản được kiểm soát.
Thế vận hội Olympic Tokyo đã kết thúc tốt đẹp vào ngày 8.8, được ca ngợi là một thành công lớn của Nhật Bản trong bối cảnh dịch bệnh đang có chiều hướng gia tăng nhanh chóng. Người dân Nhật cũng vui mừng khi các vận động viên nước này giành được số huy chương kỷ lục. Tuy nhiên, Nhật Bản đang phải đối mặt với số lượng ca lây nhiễm COVID-19 tăng vọt.
Hội đồng chuyên gia do chính phủ thành lập để hướng dẫn chiến lược quốc gia trong thời kỳ đại dịch sẽ họp tại Tokyo vào ngày 9.8 để thảo luận về những rủi ro mà hàng chục nghìn vận động viên, quan chức, tình nguyện viên và giới truyền thông có thể gặp phải khi tham dự Paralympic, khai mạc vào ngày 24.8 tới.
Ông Kazuhiro Tateda, Chủ tịch Hiệp hội Các bệnh truyền nhiễm Nhật Bản và là thành viên của Ủy ban Cố vấn chính phủ cho biết tình hình đã trở nên “nghiêm trọng”.
“Tình hình đã trở nên tồi tệ cả về số ca nhiễm mới và sự lây lan của biến chủng Delta. Chúng tôi luôn nghĩ rằng 4.000 ca mỗi ngày tại Tokyo sẽ là một con số cao đáng lo ngại, điều này sẽ tạo nên sức ép lớn lên hệ thống y tế, nhưng một số mô hình dự đoán khác cho rằng sẽ có tới 10.000 ca mỗi ngày trong hai tuần tới”, ông Tateda nói.
Ông Tateda cho biết trường hợp tốt nhất là các ca nhiễm mới sẽ duy trì ở mức dưới 5.000 ca/ngày trong tuần tới và sau đó sẽ giảm dần.
Trên cả nước, có 14.472 ca nhiễm mới được ghi nhận vào ngày 8.8, giảm so với mức kỷ lục là 15.753 ca nhiễm vào ngày 7.8, nhưng tổng số ca nhiễm hiện đã tăng lên hơn 1 triệu và số ca tử vong là 15.297.
“Chúng tôi sẽ thảo luận về các khuyến nghị để đưa ra một thông điệp mạnh mẽ hơn cho mọi người về việc thay đổi các biện pháp phòng chống dịch nhằm ngăn ngừa sự lây lan của vi rút. Nhưng nếu điều đó không thể thực hiện được và chúng tôi thấy số lượng các ca mắc mới vẫn tiếp tục tăng thì khuyến nghị của chúng tôi là nên hủy bỏ Paralympic”, ông Tateda nói.
Theo các chuyên gia, biến chủng Delta hiện chiếm hơn 90% tổng số ca nhiễm tại Nhật Bản và người dân Tokyo đã không thực hiện các biện pháp phòng ngừa một cách nghiêm ngặt.
Hiện nay 79% người dân tại Tokyo đã tiêm ít nhất một mũi vắc xin và khoảng 40% đã tiêm đầy đủ 2 mũi. Hầu hết những người đã tiêm chủng là người cao tuổi nhưng các ca nhiễm COVID-19 đang gia tăng ở những người trẻ ở độ tuổi 40 và 50.
Theo Đan Thuỳ - 1thegioi