Văn nghệ thế giới
Khi cõi ta bà bỗng hóa hoang vu
10:20 | 13/08/2021

Tính ‘noir’ trong văn chương của Flannery O’Connor là điều không thể không thấy. Đặc trưng trong văn chương của bà là cách dẫn dắt khéo léo, cuốn hút; các nhân vật bình thường nhưng kì dị, tính hài hước nhưng đậm sâu và hơn hết là yếu tố bạo lực (về thể xác hay tinh thần) đều nằm ẩn sâu trong từng lớp từ ngữ.

Khi cõi ta bà bỗng hóa hoang vu
Nhà văn Flannery O'Connor. Ảnh: TL

Những truyện ngắn của Flannery O’Connor đều phần nào hàm chứa cuộc đời bà trong đó, như một hình thức bán tự truyện về cuộc sống ngắn ngủi, éo le. Được đặt trong bầu không khí ngột ngạt của miền Nam nước Mĩ, trải dài từ Florida, Georgia đến Tennessee; các câu chuyện này có điểm chung đều cho thấy một vùng trũng hội tụ nơi ‘bầu trời không một gợn mây’ của cái nóng bức đầy nhiễu xạ của đời sống hiện thực mà tâm tính con người như khối áp xe lâu ngày không xẹp.

Và do đó, xét về thời gian ra đời của tập truyện này vào thập niên 50 của thế kỉ trước, vốn được biết đến như thời kì sung mãn của kĩ thuật hóa và hiện đại hóa; truyện ngắn Người tị nạn về một công dân Ba Lan chạy trốn chiến tranh biết lái đủ thứ máy móc động cơ đã phản ánh được sự cô độc với bầu không khí quạnh hiu, mà ta dễ nhận ra ở những tác gia cùng thời, như John O’Hara hay Jack Kerouac

NHỮNG NHÂN VẬT KHIẾM KHUYẾT

Các nhân vật của Flannery O’Connor luôn mang trong mình một nét kịch nghệ không thể chối từ. Họ có thể là các bà góa kính Chúa đầy lãnh đạm, người luôn suy tư và nhiều trăn trở. Nếu bà cụ trong truyện Khó mà tìm được một người tốt đầy hài hước trong cách ăn vận thanh lịch, cung cách thành kín mộ đạo và những chi tiết nhăng nhố; thì bà Mc Intyre trong Người tị nạn hay bà Cope trong Một vòng tròn lửa đều luôn trong một tâm thức bị ám ảnh và bứt rứt về một điều gì đó.

Điểm chung của họ là những mất mát ở trong thể chất hay là tinh thần. Nếu cô bé Hulga trong truyện Những người nhà quê tốt bụng bị mất đôi chân vì tai nạn giao thông, gã Shiftlet mất một cánh tay; thì cậu bé Harry có một gia đình không hề hạnh phúc. Trong khi với Cú may mắn bất ngờ thì đó là người phụ nữ mang tên Ruby bị ám ảnh bởi việc mang thai bởi trong quá khứ đã từng chứng kiến mẹ mình chết dần chết mòn bởi những cái thai chết lưu, về những đứa trẻ ra đi khi còn rất nhỏ.

Sự khiếm khuyết dẫu ở mặt nào vẫn là tấm gương phản ánh đối nghịch với sự trọn vẹn, và là ngọn nguồn cho những câu hỏi hoài nghi về sự xác tín của Đấng toàn năng. Trong cuốn tiểu thuyết đầu tay Dòng máu khôn ngoan, Flannery cũng cho 2 nhân vật Hazel Motes và tay mục sư giả cùng trải qua những câu chuyện giống nhau, cùng đi về hai hướng để rồi sau rốt, từ những khiếm khuyết, cái không trọn vẹn; liệu họ lắng nghe được gì từ cõi ta bà, từ lời lặng im hay những cử chỉ vi tế như lời dẫn dụ về chốn thiên đường? Rốt cuộc sau mọi hi sinh, mọi mật ngọt hi vọng - đáp lời lại họ là sự im lặng đến vô cùng cực, của dối trá, lọc lừa và rồi cuối cùng là thế phiếm định đến từ bản ngã, khi Chúa là một alto ego của bản thân họ, của tiếng lòng họ, của cái phôi nguyên tử nhất chưa bị bóc trần.

"Khó mà tìm được một người tốt" - Tập truyện của Flannery O'Connor từng được bình chọn là 1 trong 10 tác phẩm văn chương vĩ đại nhất Thế kỉ 20. 


Trở lại tập truyện ngắn này, các hình nhân ấy luôn có trong não hay cơ thể mình một khiếm nào đó không hề hoàn hảo. Điều này có thể liên hệ với chính Flannery O’Connor khi bà mắc bệnh lupus, và suốt những năm cuối đời chỉ sống quanh quẩn ở trang trại quê nhà, tiếp tục viết cho đến khi mất. Sự cách biệt với thế giới bên ngoài dường như đã khiến bà trở nên bạo lực và dần xa Chúa, trong một ý thức luôn nghĩ chỉ có bạo lực mới làm nên chuyện và từ đó tính nghịch dị là điều ta hay thấy rõ trong xuyên suốt các câu chuyện này.

Trạng thái chông chênh của các nhân vật cũng hiển hiện như sự nghi ngại về Đức Tin của bản thân mình. Sinh thời được giáo lí trong một gia đình Công giáo chính thống và sùng đạo, thế nhưng những áng văn mà bà viết lại đầy nghị ngại và nhiều thắc mắc. Rốt cuộc thì động cơ nào và niềm tin nào khiến họ tin vào một ý niệm mà chính bản thân họ còn không biết rõ có thực hay không? Có người chết vì ý niệm ấy (cậu bé Harry), có người không tin nhưng đến cuối đời vẫn phải nghe giảng chính những lời răn (bà Mc Intyre). Là một vòng tròn không thể thoát ra, bởi lẽ ‘Đời là thế’.

TÍNH NGHỊCH DỊ

Một điểm đặc trưng trong văn chương của bà được các nhà phê bình sau này gọi chung là tính nghịch dị. Nó thể hiện ở các nhân vật dị thường hay những khúc cua câu chuyện sang một hướng khác theo cách bất thường và khó đoán nhất. Trong đó vẻ hài hước có phần châm biếm khi các nhân vật đối diện với lằn ranh cái chết là dấu ấn đậm nét nhất khiến người đọc có ấn tượng không thể quên khi nhắc đến bà.

Việc từ đỉnh cao hài hước trườn xuống dập tắt hi vọng không một chuyển tiếp hay khúc giao thời là cú nhảy cóc mạnh bạo của nhân tính, là dấu chấm hết cuối cùng, như cái cười điên loạn trong khoảnh khắc đau đớn nhất. Từ vui vẻ, bình thuờng nay tréo ngoe dẫn đến bi kịch. Phút trước họ có thể cười thả ga, nhưng phút sau họ đã phải suy nghĩ vì chân lí hay nỗi ám ảnh và những niềm tin mục ruỗng mà họ tin vào.

Nhân tính trong các câu chuyện của bà là thứ khiến ta nhiều lần suy tư. Các nhân vật đứng bên lề tội ác như Shiftlet hay Kẻ Lạc Loài từng có quá khứ chịu nhiều biến động. Họ từng là ca sĩ phúc âm, là lính thủy, nhân viên đường sắt, người thi hành tang lễ… Lai lịch phức tạp của những người ấy như đám nhầy nhụa đại diện cho sự đồi bại của chính con người. Họ có thể nhấn chìm một đứa bé ở dưới lòng sông vì niềm tin mù quáng (mà nực cười thay tên gã là Paradise - Thiên Đường), mà cũng có thể là lão già sợ sệt và đầy câm lặng chối từ chính đứa cháu trai của mình vì trách nhiệm và nhiều điều khác.

  • Nhà văn Flannery tên đầy đủ là Mary sinh ngày 25 tháng 3 năm 1925 tại Savannah, Georgia, Mĩ. Bà là một nhà văn đoản mệnh, mất năm 1964, khi mới 39 tuổi bởi căn bệnh thiếu máu. Flannery O'Connor nổi tiếng với tác phẩm Dòng máu khôn ngoanNgười tốt khó tìm và những câu chuyện khác. Bà đã nhận được Giải thưởng O. Henry (1953) và Giải thưởng Sách Quốc gia Mĩ (1964). Sau khi Flannery O'Connor mất, năm 1971, Farrar, Straus và Giroux xuất bản một tuyển tập mới của bà với tên gọi Những câu chuyện hoàn chỉnh của Flannery O'Connor, ấn phẩm này tiếp tục giành được Giải thưởng Sách Quốc gia Mĩ năm 1972.
  •  

Thế nhưng, đứng trước tất cả điều ấy, ta không thay đổi được gì. Bà luôn dẫn lại liên tục những câu nói như cách đối đáp với đời sống này, như thể “có những thứ chị không làm được gì đâu” của bà Pritchard, “Đời là như thế” của bà Hopewell hay “Ma quen còn hơn quỷ lạ” của bà Mc Intyre. Một sự bất lực buông xuôi, một tiếng thở dài; nhưng sâu xa hơn thế ta còn nghe ra một nỗi tuyệt vọng trước đời sống quá nhiều phức tạp, quá nhiều ô uế như đã xảy ra ở giai đoạn ấy.

Tuy thời gian tại thế không dài, thế nhưng với phong cách viết truyện ngắn đầy độc đáo và mới mẻ, Flannery O’Connor bên cạnh Chekov của Nga là hai đại diện xuất sắc nhất của thể loại này. Từng được hơn 125 nhà văn nổi tiếng trên toàn thế giới bình chọn là 1 trong 10 tác phẩm văn chương vĩ đại nhất Thế kỉ 20, Khó mà tìm được một người tốt nói riêng và Toàn tập truyện ngắn nói chung Flannery O'Connor là một dấu ấn không thể phai mờ, đầy cảm hứng và nhiều suy tư.

Theo Ngô Thuận Phát - VNQĐ

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng