Văn nghệ thế giới
Nghị sĩ Pháp bực tức vì nhà văn đoạt giải Goncourt
08:37 | 16/11/2009
Đoạt giải thưởng văn học danh giá nhất của Pháp nhưng Marie NDiaye vẫn giữ vững lập trường phê phán chính quyền Tổng thống Nicolas Sarkozy. Trước thái độ đó, nghị sĩ Eric Raoult đã yêu cầu nhà văn "giữ mồm giữ miệng" và "thận trọng lời ăn tiếng nói".
Nghị sĩ Pháp bực tức vì nhà văn đoạt giải Goncourt
Nhà văn Marie NDiaye. Ảnh: Guardian.

Giải Goncourt 2009 đã được dư luận ủng hộ mạnh mẽ khi lần đầu tiên trao giải cho một nữ nhà văn da màu - Marie NDiaye, 42 tuổi - một phụ nữ người Pháp gốc .

Nhưng những nhà chính trị trung thành của Tổng thống Sarkozy không mấy hài lòng về quan điểm của nhà văn đối với chính phủ Pháp đương nhiệm. Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Les Inrockuptibles hồi tháng 8 - trước khi giải Goncourt 2009 được công bố - Marie Ndiaye cho biết, bà chuyển sang Berlin sống từ năm 2007, ngay sau cuộc bầu cử tổng thống Pháp, "phần lớn là vì chiến thắng của Sarkozy". Nhà văn cho rằng, dưới thời ông Sarkozy, nước Pháp phải chịu đựng "không khí khó sống và khủng khiếp". NDiaye còn gọi Tổng thống Nicolas Sarkozy, Bộ trưởng Nhập cư Éric Besson và Bộ trưởng Nội vụ Brice Hortefeux là những kẻ "quái dị".

Phát ngôn của nhà văn đã khiến Eric Raoult - nghị sĩ đảng nắm quyền UMP - rất cáu giận. Ông gửi thư cho Bộ trưởng Văn hóa Pháp, chất vấn Frédéric Mitterrand về "trách nhiệm của một người đang bảo vệ bản sắc văn hóa nước Pháp". Raoult đề nghị Bộ trưởng Văn hóa thể hiện rõ thái độ về vấn đề này.

Còn với nhà văn đoạt giải Goncourt, Raoult khẳng định, bà nên thể hiện rõ trách nhiệm công dân với nước Pháp bằng cách "giữ mồm giữ miệng" và "thận trọng trong lời ăn tiếng nói". Nhưng Marie Ndiaye kiên quyết giữ vững lập trường của mình. Phát biểu với các phương tiện truyền thông, bà nói: "Tôi chưa thấy nước Pháp có gì thay đổi để phải rút lại lời nói của mình cả".

Thái độ của Ndiaye đã nhận được sự ủng hộ của các đồng nghiệp trên văn đàn Pháp.

"Ngài Raoult hình như đang nhầm lẫn Goncourt với cuộc thi Hoa hậu Pháp. Vậy nên ngài mới định bó nhà văn trong cái dải băng cờ tam tài. Thật kỳ lạ khi coi nhà văn là nô bộc của chính quyền", Patrick Rambaud - nhà văn đoạt giải Goncourt 1997 - phát biểu trên Le Parisien.

Nhà văn trả lời báo chí sau khi đoạt giải. Ảnh: Guardian.


Còn Didier Decoin, tổng thư ký giải thưởng Goncourt bày tỏ: "Thật buồn cười, vì hiện tại, tôi đang triển khai một công trình về Voltaire và quyền tự do ngôn luận. Chính trị không có chỗ trong giải thưởng của chúng tôi. Goncourt không phải là một giải thưởng của nhà nước. Chúng tôi không ngồi đó để chờ được ban lệnh".

Martine Aubry - tổng thư ký Đảng xã hội Pháp - đảng đối lập với Đảng nắm quyền UMP khẳng định, đòi hỏi của Raoult là điều "đáng lo ngại và không thể chấp nhận được".

Bà cho rằng, Raoult là thành viên mới nhất của những nhà chính trị kiểm duyệt thích buộc những kẻ đối lập phải im miệng.

Ban đầu, theo The Guardian, Bộ trưởng Văn hóa Mitterrand né tránh cuộc tranh cãi và im lặng trước yêu cầu của nghị sĩ Raoult. Nhưng hôm qua (12/11), ông đã lên tiếng thể hiện rõ thái độ của mình: "Những nhà văn đoạt giải Goncourt có quyền nói bất cứ cái gì họ thích. Eric Raoult - một người bạn, một quý ông đáng kính - với tư cách là một công dân và một nghĩ sĩ, có quyền bày tỏ những gì ông ấy nghĩ".

Trở thành nhân vật trung tâm của một cuộc tranh cãi bất đắc dĩ, NDiaye bày tỏ, bà cảm thấy toàn bộ chuyện này "chẳng có gì hay ho". "Tôi không sung sướng gì khi mọi việc như thế này xảy ra. Nó buộc mọi người đều phải công khai lập trường của mình dù họ có thể không thích", nhà văn nói.

                                                                                                        Theo eVan




Các bài mới
Các bài đã đăng