Văn nghệ thế giới
Vùng Ruhr và danh hiệu Thủ đô Văn hóa châu Âu: Cuộc vui có bền?
15:36 | 14/01/2010
Chương trình đón nhận danh hiệu Thủ đô Văn hóa châu Âu của thành phố Essen đã được tổ chức long trọng trong hai ngày 9 và 10/1 tại vùng Ruhr, Đức. Danh hiệu đáng tự hào nói trên sẽ đi cùng Ruhr và thành phố đại diện của vùng này suốt năm 2010. Nhưng sau đó thì sao?
Vùng Ruhr và danh hiệu Thủ đô Văn hóa châu Âu: Cuộc vui có bền?
Một phòng hòa nhạc ở thành phố Essen

Dàn hợp xướng lên đến 65.000 người, chiếc bàn ăn dài 60km, ngày hội kéo dài cả năm..., tất cả đều nằm trong chương trình “Ruhr- 2010”.

Ông Asli Sevendim, Giám đốc nghệ thuật của dự án “Ruhr - 2010”, tự hào nói: “Chỉ cần nhìn vào số lượng bảo tàng, nhà hát, phòng hòa nhạc, festival ở vùng Ruhr thì điều này đã đủ gây ấn tượng rồi. Nhưng không chỉ về số lượng, xét ở mặt chất lượng của đời sống nghệ thuật, chúng tôi cũng có thể sánh với mọi thủ đô trên thế giới”.

Trong năm 2010 tại vùng Ruhr sẽ diễn ra hơn 300 hoạt động nghệ thuật với tổng số khán giả dự kiến lên tới hàng triệu người. Vào Ngày Ca khúc, tại sân vận động Veltins ở Gelsenkirchen sẽ có buổi biểu diễn của dàn đồng ca gồm 65.000 người. Đây là cao trào của dự án “!SING”.

Ruhr là vùng đô thị lớn và có mật độ dân cư dày đặc nhất ở Đức. Điều này có nguyên nhân lịch sử: Nhiều thập kỷ qua, nơi đây đã thu hút hàng trăm nghìn công nhân từ khắp nơi đến làm việc trong các xí nghiệp khai thác than và luyện thép. Khi trữ lượng than cạn kiệt, cả vùng công nghiệp lớn phải chuyển hướng. Nhiều hầm mỏ và phân xưởng cũ đã được cải tạo thành các phòng triển lãm, bảo tàng.

Nhưng với nhà máy luyện thép Phoenix ở khu Hoerde của thành phố Dortmund thì người ta có kế hoạch khác. Tại đây sẽ xuất hiện Hồ Phượng hoàng rộng bằng 30 sân bóng đá. Xung quanh hồ là những ngôi nhà đẹp đẽ và đường dành cho người đi dạo. Cách hồ 3km về phía Tây sẽ xuất hiện khu trung tâm các công nghệ mới. Hoerde vốn là khu vực không có vị thế cao về mặt xã hội. Nhưng sau khi xuất hiện trung tâm công nghệ cao và khu dân cư Hồ Phượng hoàng thì mọi việc sẽ đổi khác. Những người có thu nhập và học vấn cao sẽ chuyển về đây sinh sống.

Một nhà máy cũ đã được cải tạo thành trung tâm văn hóa


Tuy nhiên, cư dân địa phương không mặn mà với dự án này. Khi khói nhà máy còn cuồn cuộn bốc lên trời thì bầu không khí ở đây đầy bụi bặm, nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc người dân chưa bị thất nghiệp và vẫn được hưởng cảm giác có ích cho xã hội.

Franz Lehner, Giám đốc Viện Lao động và Kỹ thuật ở thành phố Gelsenkirchen, đảm trách việc thay đổi hạ tầng cơ sở của vùng Ruhr . Ông cho phóng viên của Deutsche Welle biết: “Đặc điểm khác biệt của Ruhr là trước đây cả vùng sống dựa vào bốn ngành: than, thép, năng lượng và hóa chất. Các ngành này hòa với nhau thành một “hợp chất kinh tế”. Khi tổ hợp công nghiệp đó sụp đổ thì toàn bộ nền kinh tế của vùng này cũng sa sút. Công nhân bị đẩy ra đường hàng loạt. Hiện có khá nhiều đường phố và khu phố tại vùng Ruhr mà ở đó gồm toàn dân thất nghiệp. Con cái họ ít có điều kiện được học hành hơn những đứa trẻ khác và thế là nạn thất nghiệp trở thành “gia truyền” ”.

Vấn đề thứ hai, theo Lehner, là “sự tan rã tính thống nhất của bản thân khu vực”. Ông nói: “ Ruhr không còn là một khối đơn nhất như dù vẫn cố “hành xử” như cũ. Nhưng đồng thời các thành phố, thị trấn lại cản trở nhau phát triển. Chỉ cần một ý tưởng tốt xuất hiện là tất cả nhảy vào thực hiện và bóp nghẹt lẫn nhau”.

Lehner nói rằng trên thực tế, Ruhr không còn được như hình ảnh mà vùng này cố tỏ ra cho bên ngoài thấy. Ngược lại, 52 thành phố, thị trấn ở đây tự xoay xở cho mình và cạnh tranh với nhau gay gắt trong cuộc chiến thu hút đầu tư. Theo Lehner, vùng Ruhr cần phải trở thành một địa chỉ hấp dẫn đối với những nhà đầu tư trẻ tuổi, có học và trình độ chuyên môn cao, làm thế nào để họ coi đây là khu vực tuyệt vời để sống.

Trong suốt năm nay, đời sống văn hóa ở vùng Ruhr sẽ như một bảng pha màu, phong phú, đa dạng và ấn tượng. Ông Paskal Ledune thuộc Hiệp hội Hỗ trợ phát triển kinh tế Dortmund tỏ ra lạc quan: “Hồ Phượng hoàng sẽ đầy nước vào năm 2011. Đối với người dân địa phương, đây là sự giải thoát, họ có thể đi dạo bên bờ hồ. Tại đây sẽ có chất lượng sống khác hẳn và tôi tin chắc rằng khu Hoerde sẽ có động lực mạnh mẽ để phát triển, hấp dẫn mọi người đến sống, làm việc, nghỉ ngơi tại đó”.

Tuy nhiên, Lehner lại nghĩ khác: “Vấn đề là mọi cuộc biểu diễn nghệ thuật, nhà hát, phim ảnh, triển lãm rất hiếm khi là của chính vùng Ruhr . Vào năm 2011, “trò chơi” sẽ kết thúc mà chẳng để lại dấu ấn tích cực lâu dài nào cho nơi này”.

                                                                                                            Theo TT&VH







Các bài mới
Các bài đã đăng