Đơn cử, nhà Sotheby’s vừa loan báo sẽ tổ chức cuộc đấu giá các tác phẩm thời kỳ ấn tượng và hiện đại tại London vào tháng 2.2010, với ba tác phẩm quan trọng được định giá khởi điểm đều trên mức 10 triệu bảng Anh. Cả năm 2009 vừa qua, năm khô hạn của thị trường tác phẩm nghệ thuật, cũng chỉ có ba tác phẩm được đưa ra sàn Sotheby’s với mức giá khởi điểm tương tự, trong khi các năm 2006, 2007 có nhiều tác phẩm được rao với mức giá cao hơn rất nhiều mà vẫn có người mua.
Ba tác phẩm đó lần lượt là bức tranh Phong cảnh vùng Kirche ở Cassone của hoạ sĩ Áo Gustav Klimt (họa sĩ có tranh cao giá nhất hiện nay: bức Chân dung Adele Bloch-Bauer giá đến 135 triệu USD, được bán năm 2006); bức tĩnh vật Pichet với trái cây trên bàn của hoạ sĩ ấn tượng Pháp Paul Cézanne; và bức tượng Người bước đi của Alberto Giacometti, nhà điêu khắc Thuỵ Sĩ. Dù định giá ban đầu như vậy song nhà Sotheby’s đang hy vọng các tác phẩm trên sẽ đạt mức giá cuối cùng cao hơn nhiều. Niềm tin đó có được từ thành công của các cuộc đấu giá cuối năm 2009, mà đỉnh điểm là một bức tranh in lụa của Andy Warhol vẽ 200 tờ giấy bạc mệnh giá 1 USD đã được bán với giá 43,7 triệu USD tại nhà Sotheby’s ở New York, gấp ba lần giá khởi điểm; và bức phác thảo trên giấy của danh hoạ thời Phục hưng Raphael đã được bán với giá cao nhất của năm 2009: 47,94 triệu USD, tại nhà Christie’s ở London.
Cả hai công ty đấu giá hàng đầu thế giới đều bày tỏ hy vọng rằng thành quả đạt được những ngày cuối năm 2009 sẽ là một tín hiệu cho thấy chủ nhân các tác phẩm của những bậc thầy muốn đưa ra thị trường những gì họ đang sở hữu sau những tháng ngày giá tranh – tượng xuống thấp mà chẳng có người muốn mua giữa khung cảnh ảm đạm của suy thoái kinh tế toàn cầu. Và với nguồn cung có chất lượng cao như thế, sẽ có những khách hàng sẵn sàng móc hầu bao – không ai khác hơn là các tỉ phú đôla.
Tuy nhiên, những kỳ vọng đó không hẳn cho thấy sự hồi phục nói chung của thị trường mỹ thuật. Bởi một nhóm nhỏ các ông trùm tư bản không thể tạo sự ổn định vững chắc cho thị trường, vốn trông cậy rất nhiều vào số đông các nhà sưu tập, các nhà đầu tư mà hiện nay còn vắng bóng nhiều ở các sàn đấu giá. Theo các chuyên gia của thị trường mỹ thuật thế giới, hiện chỉ có khoảng 20 người mua có khả năng bỏ ra những khoản tiền cỡ 10 triệu bảng Anh mua tác phẩm nghệ thuật.
Trong thời kỳ sôi động nhất của các sàn đấu giá, người ta đã chứng kiến sự có mặt của đông đảo các nhà sưu tập, kinh doanh nghệ thuật đến từ châu Á, Trung Đông, Nga, thậm chí từ Đông Nam Á; số này đã rút lui từ lâu. Thời kỳ vàng son là vào mùa thu năm 2007, khi đó các cuộc đấu giá tác phẩm nhiều thời kỳ – ấn tượng, hiện đại, hậu thế chiến thứ hai và đương đại – của Sotheby’s và Christie’s đã thu về 1,6 tỉ USD. Đến năm 2008, con số tương ứng chỉ là 729 triệu USD, và năm ngoái rơi xuống mức 596 triệu USD.
Dĩ nhiên các nhà đấu giá danh tiếng không thể chỉ kỳ vọng vào các tỉ phú. Họ cũng trông chờ vào các cuộc đấu giá tác phẩm với giá thấp hơn nhiều và mong muốn bán được nhiều chừng nào tốt chừng ấy!
Theo SGTT
|