Điều bí ẩn ở đây là: Làm thế nào một tác giả đầy nhiệt huyết, với những cuốn sách đa nghĩa, đầy biểu tượng, khó đọc, pha trộn tính chất hậu hiện đại, lại bán được hàng triệu bản ở Thổ Nhĩ Kỳ và được dịch ra 57 ngôn ngữ trên thế giới.
Nhận thấy khó có ai trả lời thấu đáo được câu hỏi này, tôi đem thắc mắc trình bày với chính nhà văn. "Con người cá nhân hiện đại của tôi không mâu thuẫn với các trang viết", Pamuk nói.
Chúng tôi ngồi trong một căn phòng rộng và rất thoáng của khách sạn Taj Mahal, Mumbai. Ông trông không mảnh khảnh, không quá trẻ thơ như trong những bức hình bạn thường thấy trên báo chí. Giọng ông vang, với thứ tiếng Anh trôi chảy nhưng nặng âm sắc địa phương. Ông chọn từ một cách thận trọng như thể luôn luôn cân nhắc kỹ mỗi khi để chúng tuôn ra khỏi miệng mình.
"Trà nhé"?, nhà văn hỏi một cách ân cần. Rồi ông trở lại với vấn đề chúng tôi đang trao đổi: “Vâng, tác phẩm của tôi mang tính thực nghiệm về hình thức. Nhưng chúng cũng gần gũi bởi tôi đồng thời còn tái hiện bức tranh xã hội. Tôi cố gắng khám phá ý nghĩa của tình yêu trong một xã hội bị đè nén. Thật may mắn vì công việc của tôi có hiệu quả. Nhưng không dễ gì làm cho nó có được hiệu quả như vậy".
Liệu đó có phải là câu trả lời rõ ràng?
Có lẽ đi tìm câu trả lời cho điều bí ẩn này là điều sai lầm. Bởi trước sự nổi tiếng và ăn khách mà ông có ngày nay, thật khó để hình dung rằng, Pamuk từng rất chật vật mới lọt được vào mắt xanh của nhà xuất bản trong 7 năm đầu viết sách.
23 tuổi (năm 1975), ông rời trường kiến trúc, tự giam mình trong ngôi nhà của người mẹ vừa ly hôn và bắt đầu viết. Nhưng không ai quan tâm đến những gì ông viết ra. “Trong những năm 1970, người Thổ Nhĩ Kỳ thích những tiểu thuyết viết về mối quan hệ của nông dân bị đàn áp và chủ đất trong các ngôi làng. Những tác phẩm kiểu Marcel Proust về đời sống của lớp người thượng lưu bị coi là văn hóa xa xỉ. Một ngày nào đó, tôi sẽ viết về điều này", Pamuk nói.
Tiểu thuyết đầu tiên của ông - Cevdet Bey and His Sons - đến năm 1982 mới xuất bản. Cuốn sách đến bây giờ vẫn chưa có ấn bản tiếng Anh. "Một ngày nào đó tôi sẽ ra mắt bản tiếng Anh của nó. Nhưng tôi chưa vội", nhà văn nói.
Đến cuốn thứ ba The White Castle (1985), Pamuk bắt đầu được so sánh với những bậc thầy như Jorge Luis Borges, Italo Calvino và Gabriel Garcia Marquez. Bản thân ông cũng đánh giá cao nguồn ảnh hưởng của các nhà văn như Borges, Calvino and Vladimir Nabokov. Nhưng thần tượng văn học thực sự của ông là Leo Tolstoy, Thomas Mann và Marcel Proust.
Sau đó là một loạt thử nghiệm đa dạng của Pamuk, từ tiểu thuyết có ý vị trinh thám - The Black Book, kinh dị - Snow, Pamuk đến cuốn mới nhất của ông - The Museum of Innocence, Pamuk đã ngày càng khẳng định vị thế của một nhà văn Nobel.
Ông tỏ ý tán thành khi tôi nói, rằng cuốn sách mới nhất có thể là tác phẩm hay nhất của ông. "Tôi cũng nói với bạn bè rằng, có lẽ tôi sẽ được nhớ đến bởi cuốn sách này", Pamuk nói.
Cuốn sách lấy bối cảnh xã hội thượng lưu Thổ Nhĩ Kỳ - một thế giới mà Pamuk được hưởng thụ suốt cuộc đời. "Tôi là một phần của xã hội ấy. Trong tất cả tác phẩm của tôi, đây là cuốn cung cấp những thông tin 'thâm cung bí sử' nhất về đời sống của tầng lớp thống trị ở Thổ Nhĩ Kỳ".
Được sắp xếp theo hình thức mục lục bảo tàng, Pamuk dành hẳn 10 năm để viết cuốn sách. Ông cũng cho xây dựng một bảo tàng thật, trưng bày những gì từng được đề cập đến trong tác phẩm.
Cuộc nói chuyện của chúng tôi kéo dài gấp hai lần so với dự định. Vì từng biết ông là một người nghiện thuốc nặng nay đã bỏ được, tôi hỏi điều cuối cùng: "Liệu ông có gặp nhiều khó khăn khi bỏ thuốc?". Nhà văn trả lời: "Tôi từng hút 40 điếu một ngày nên rất khó bỏ. Tôi đã bỏ được, rồi lại hút, rồi lại bỏ. Đến nay là đã 5 năm tôi không hút thuốc". Và với một nụ cười tinh nghịch, ông nói thêm: "Tôi viết My Name is Red mà không phải hút một điếu nào. Lúc đó tôi biết, mình đã bỏ được thuốc".
Theo eVan
|