Cuối năm 1993, khi dọn dẹp lại một ngôi nhà ở London, những chủ nhân tìm thấy một bức tranh cổ không rõ nguồn gốc và tác giả. Họ quyết định giao tranh cho nhà Christie’s xác định giá trị và sau đó đem bán đấu giá. Tranh được Christie’s xác định “có lẽ thuộc về trường phái của Titian” nhưng không phải tác phẩm của nhà danh họa thế kỷ XV, thủ lĩnh trường phái
Venice
của hội họa thời Phục hưng tại Ý.
Tháng 12-1994, bức tranh có tên Nàng Salome với thủ cấp của Thánh John Baptist được đưa ra đấu giá tại nhà Christie’s và bán được với giá chỉ 8.000 bảng Anh. Đến năm 2001, khi bức tranh ấy được đem ra bán lại lần nữa cho ông Luigi Koelliker - một nhà sưu tập ở Milan, thì giá trị thực của tranh mới được khẳng định: đó chính là một tác phẩm của Titian!
Thật trớ trêu khi sự thật mở ra chỉ nhờ ở việc làm sạch bức tranh một chút, xóa đi lớp bụi thời gian. Tháng 1-2009, bức tranh ấy được đưa vào danh sách đấu giá của nhà Sotheby’s và được ấn định giá khởi điểm từ 2,6 triệu đến 4 triệu bảng Anh! Cũng theo nhà Sotheby’s thì đó đích thực là một kiệt tác của Titian.
Trước thiệt hại quá lớn vì đã tin cậy vào danh tiếng của một công ty đấu giá lớn nhất thế giới, hai chủ nhân trước đây của bức tranh là ông David Seton Pollok-Morris Dickson, 60 tuổi và bà Susan Marjorie Glencorse Priestley, 62 tuổi, đã quyết định khởi kiện nhà Christie’s vào ngày 24-2 vừa qua vì tội thiếu trách nhiệm và cẩu thả, không nhìn nhận được giá trị thực của tác phẩm mà khách hàng đã ký thác.
Theo đơn kiện, hai nguyên đơn tố cáo một chuyên gia của nhà Christie’s thuộc lĩnh vực các tác phẩm của những bậc thầy cổ điển đã vội vã khẳng định bức tranh không do Titian vẽ. Trong một bức thư mà nhà Christie’s gửi cho hai nguyên đơn trước ngày bức tranh được bán cũng chứa đựng nội dung “nghi ngờ” về tác phẩm của Titian.
Bức Nàng Salome với thủ cấp của Thánh John Baptist được Titian vẽ vào khoảng năm 1550, dựa theo một tích truyện trong sách Phúc âm. Theo đó, Thánh John Baptist, một người rao giảng tin mừng về Chúa Jesus, đã bị vua Herod giam cầm vì lên án cuộc hôn nhân của Herod với Herodias, vợ của anh trai mình.
Sau đó, nàng Salome (con gái của Herodias) đã bị mẹ xúi giục nên ngay trong tiệc sinh nhật của mình đã đòi vua Herod tặng cho nàng món quà sinh nhật là… thủ cấp của Thánh John Baptist! Chiếc đầu được đặt lên đĩa mang đến cho Salome để nàng dâng lên cho mẹ mình. Titian còn vẽ một bức với nội dung tương tự nhưng ở một góc nhìn khác. Bức tranh bị bán rẻ đã từng thuộc về bộ sưu tập của hoàng đế Anh Charles đệ nhất.
Hiện Tòa án Tối cao London đang thụ lý vụ kiện hy hữu này, nhưng chưa rõ có gì khuất tất trong việc đánh giá bức tranh hay không.
Nhà danh họa Titian tên thật là Tiziano Vecelli hay Tiziano Vecellio (sinh năm 1473 hoặc 1490, mất năm 1576) được người cùng thời với ông ca ngợi là “Vầng thái dương giữa các tiểu tinh tú” bởi tài năng hội họa xuất chúng của ông so với các họa sĩ khác.
Titian là một trong các họa sĩ Ý đa năng nhất: ông vẽ chân dung, phong cảnh, tranh tôn giáo và huyền thoại, tất cả đều là tác phẩm bất tử. Ông sáng tác không ngừng cho đến tận những ngày cuối đời ở tuổi 91.
Phương pháp hội họa của ông nhấn mạnh vào sự ứng dụng và sử dụng màu sắc, đã có ảnh hưởng sâu rộng đến không chỉ các họa sĩ trường phái Venice mà ông là thủ lĩnh, cũng như các họa sĩ thời Phục hưng mà còn là mẫu mực đối với các họa sĩ nhiều thế hệ sau, nhất là với các tên tuổi lớn như Poussin, Rubens và Velázquez.
Đề tài về nàng Salome trong Kinh Thánh được Titian ưa thích nên ông vẽ không chỉ một lần, như bức tranh ở trên, hiện được trưng bày tại gallery Doria Pamphilj ở Rome, có màu sắc rực rỡ hơn so với bức đã bán năm 1994 với giá 8.000 bảng.
|
Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
|