Văn nghệ thế giới
Nước Nga bàng hoàng trước sự ra đi của ca sĩ Tolkunova
09:36 | 25/03/2010
Nữ nghệ sĩ nhân dân và nghệ sĩ công huân Nga Valentina Vasilievna Tolkunova (SN 1946) đã qua đời (22/3/2010) sau hơn một tháng nằm viện, khi căn bệnh ung thư đã chuyển sang giai đoạn cuối.
Nước Nga bàng hoàng trước sự ra đi của ca sĩ Tolkunova
Ca sĩ Valentina Tolkunova
23 năm liền xuất hiện trên màn ảnh nhỏ vào những ngày cuối năm với tư cách là người đoạt giải thưởng của cuộc thi truyền hình “Bài hát của năm”, Valentina Tolkunova đã trở nên quen thuộc với từng người dân Nga, đến độ, cho dù đã biết rõ một năm trở lại đây Tolkunova liên tục phải nhập viện để điều trị bệnh, thì cái tin nữ nghệ sĩ không còn nữa vẫn khiến cả nước Nga bàng hoàng.

Những người hâm mộ không thể tin được rằng họ đã mất đi một “ca sĩ chân thành nhất”, một “tâm hồn hiền dịu của nước Nga”, người đã là một phần của cuộc sống đất nước này với những bài ca trong sáng đáng yêu của mình: “Những chiếc mũi hếch”, “Hãy nói cùng con đi mẹ”, bài hát ru “Các bạn đồ chơi mệt mỏi đã ngủ cả rồi”, “Đứng chờ nơi ga xép”, “Ngày trước anh ở đâu?”, “Những đám cưới bạc”,“Những lời xưa cũ”, “Giá không có chiến tranh, anh yêu!”, “Bài ca không đoạn kết”, “Tôi thiếu nữ nhà quê”, “Em làm sao khác được”…

Nữ ca sĩ của thế kỷ 19

Mô tả ảnh.
Tolkunova năm 1989
Tác phong cổ điển, gương mặt ít trang điểm, luôn bận chiếc váy dài duyên dáng, mềm mại, dáng đi ung dung không vội vã, nếu có nhún nhảy thì cũng rất nhẹ nhàng, bộ tóc tuyệt đẹp buộc gọn hoặc tết thả qua vai, lấp lánh một dây ngọc trai trắng ngà trên ấy. Đó là hình ảnh bất di bất dịch của Valentina Tolkunova trong lòng khán giả, cho dù rất nhiều năm đã qua đi từ khi lần đầu tiên nữ ca sĩ trẻ xuất hiện trên sàn diễn.

Ấy là năm 1972, ở Kremlin, Tolkunova được may cho một chiếc váy tuyệt đẹp có đính những hạt cườm trắng để mặc ngày biểu diễn. Thế là nữ ca sĩ tìm cách xâu một chuỗi ngọc tết lên tóc cho hợp với chiếc váy. Khi nhìn vào gương, cô thấy rất thích, và tự nhủ, đây sẽ là “hình ảnh” của mình trước công chúng. Và thứ đồ trang điểm duy nhất này đã theo Valentina Tolkunova từ đó cho đến cuối đời.

Mô tả ảnh.
Nhận huân chương danh dự từ tay TT Putin
Trả lời phỏng vấn tờ “Luận chứng và sự kiện”, Tolkunova nói: “Hình như tôi là người của thời đại cũ. Tôi như hạt cát trong cơn lốc của thế kỷ 21, mà tôi lại chẳng muốn trở thành hạt cát chút nào. Giá cho tôi chọn, tôi chọn sống ở thế kỷ… 19!”

Có lẽ vì thế mà Tolkunova và những ca khúc của bà luôn mang hơi hướng cổ điển và tràn đầy hoài niệm. Bà không hát được những tác phẩm hiện đại rộn ràng, những pop, rock sôi động, mới mẻ. Nhưng không vì thế mà bà mất tự tin vào những bài ca của mình, vì nữ nghệ sĩ cho rằng, những khán thính giả yêu quý của mình, rất nhiều người hoài nhớ những lời tâm tình về tình yêu, sự chung thủy, những nỗi niềm tinh tế dịu dàng từng có trong tim mỗi con người…

Giới show-biz coi Tolkunova như một nghệ sĩ cổ hủ, nhất là khi bà thường từ chối lời mời tham dự các show giải trí, không coi những ca khúc như “cần câu cơm”. Bà có nguyên tắc của bà, một nghệ sĩ của thế kỷ…19! Đó là, sự chuyên nghiệp trong công việc và thái độ trân trọng nâng niu từng ca khúc. Chất giọng của bà là kim cương, trong và sáng. Bà lại nghiêm túc lắng nghe, lĩnh hội ý tưởng của các nhạc sĩ và các nhà thơ rất nhanh, chắc, có trách nhiệm với những bài ca người khác làm ra cho mình.

Mô tả ảnh.
Luôn tươi cười cho đến cuối cuộc đời
Tolkunova từng nói, mỗi bài hát đều có số phận riêng của mình. Và bà coi việc mình được hát ca khúc nào là duyên phận của mình với ca khúc ấy và để thành công, người nghệ sĩ cần một điều trên hết, cao hơn cả tố chất ca sĩ, đó là sự chân thành. Chẳng hạn, bài “Ôi, Natasha” của nhạc sĩ Shainsky là một trong những ca khúc có số phận may mắn khi gặp được người trình bày nhạy cảm và có cơ duyên với mình như Tolkunova. Bài hát sém nữa thì bị Shainsky vứt bỏ ấy đã nhờ giọng ca của Tolkunova mà được biết đến, không những thế, trở thành bài hát yêu thích của dân chúng trong một thời gian rất dài.

Ngoài ra, một nguyên tắc nữa là – không bao giờ hát những ca khúc “khẩu hiệu”, cổ động phong trào, phục vụ tư tưởng chính trị nhất thời. Bà chỉ hát về buồn vui hoang vắng của tâm hồn con người mà thôi.

Đó hình như là lý do khiến, như thủ tướng Nga Putin viết hôm qua trong bức điện chia buồn với gia quyến nghệ sĩ, “cuộc đời sáng tạo của Valentina, những ca khúc bà đã hát luôn là nguồn trữ lượng những xúc cảm tích cực và sự ấm áp trong tâm hồn, chúng không bao giờ bị quên lãng”, không bao giờ già cỗi.

Những năm gần đây, Tolkunova hát các ca khúc của nhạc sĩ Vladimir Pipekin. Họ bắt đầu hợp tác từ năm 1996. Những bài hát năm 2000 mà Tolkunova biểu diễn và được công chúng hân hoan đón nhận là do Pipekin sáng tác: “Biết nói gì với anh”, “Những đứa con gái”, “Những người vợ thợ mỏ”…

Pipekin nhận xét: Tolkunova nâng niu những bài ca, khiến chúng có hồn hơn. Cuối năm ngoái, Tolkunova và Pipekin bắt tay vào chuẩn bị ra mắt ca khúc “ Em về trong giấc mơ anh” , nhưng cái chết đã khiến khúc ca không bao giờ được Tolkunova hát nữa. Bài hát có đoạn:

“Nhưng có khi nào anh bỗng thấy lẻ loi
Đừng hãi sợ, anh yêu, em luôn ở bên chờ đợi
Giữa những bạn gái của anh, em chung thủy hơn người”


Là một người phụ nữ, Tolkunova chung thủy hơn người. Là một nghệ sĩ, bà cũng chung thủy với những người yêu mến mình, khi bà gắng sức hát cho họ, vì họ, đến những ngày cuối cùng của cuộc đời.

Một người thân của rất nhiều người lạ

Mô tả ảnh.
Bà thường hát với các em thiếu nhi
Tin nghệ sĩ người Nga Valentina Tolkunova ra đi mãi mãi cũng làm chấn động nhiều người Việt từng sống, học tập và làm việc ở Liên Xô cũ và ở nước Nga và cả những người Việt chưa từng ở Nga nhưng đã yêu mến những ca khúc Xô Viết cũng bồi hồi trong những hồi tưởng tiếc nuối về một giọng ca đẹp và sang trọng đã từng làm tim họ rung lên với những niềm vui và nỗi buồn trong vắt của con người.

Phần đông họ nhớ đến Tolkunova với “Em làm sao khác được”(nhạc Aleksandra Pakhmutova)… Bài hát thật gần gũi với cảm thức phương Đông của những người Việt, nói về một tình yêu nhẫn nhịn, đầy hy sinh, nhưng cũng mạnh mẽ, quyết liệt, lại vang lên qua giọng hát mượt mà tình cảm của Tolkunova, có lẽ, không một ai từng nghe lại có thể quên được giai điệu này, lời ca này:

“Chẳng bao giờ hết được lo âu
Cả ban ngày và trong giấc ngủ
Một nơi xa tiếng tù và than thở
Xin tha thứ cho em vì đã yêu anh

Khi anh ốm mệt, em sẽ đến nhanh
Dùng đôi tay xóa đi đau đớn
Em biết làm mọi điều, làm được hết
Trái tim này có phải đá đâu anh!

… Em sẽ làm tan những mẩu đá lạnh xám màu
Bằng trái tim mình nồng nàn lửa cháy
Sẽ yêu anh, em sẽ yêu anh mãi
Em có thể nào làm khác được đâu!”

Mô tả ảnh.
Tolkunova trong lần sang Việt Nam và hát cùng cựu sinh viên ĐHTH Lomonosov Hà Việt Anh
Tháng 3 năm 1999, Valentina Tolkunova đã sang Việt Nam lưu diễn. Bà vô cùng ngạc nhiên trước hồi đáp sôi nổi của khán giả khi bà cất giọng “Chẳng bao giờ hết được lo âu…”. Trong số những người mấp máy môi hát theo, có một cô gái bé nhỏ người Việt, chị Hà Việt Anh, một cựu sinh viên trường ĐHTH Lomonosov, đã lên sân khấu song ca cùng nghệ sĩ, trong một niềm xúc động khó tả. Và bây giờ, chia sẻ với chúng tôi nỗi đau buồn khi nghe tin dữ, Hà Việt Anh cũng rất xúc động.

Chị kể: “Sau buổi được cùng hát với thần tượng ca nhạc Xô Viết của mình ở Việt Nam, tôi được nhận rất nhiều tình cảm của bà, một nghệ sĩ, một ngôi sao, những tình cảm thật sự chân thành như bất kỳ một phụ nữ Nga bình thường nào khác. Bà đến nhà tôi chơi, ăn bữa cơm vui vẻ với gia đình, và từ đó, chúng tôi thường xuyên trao đổi thư từ, liên lạc qua điện thoại. Sau này có hai lần tôi sang Nga, bà mẹ già 80 tuổi của nghệ sĩ cũng tự tay làm cơm Nga mời tôi. Và lần nào, Valentina Vasilievna cũng đưa tôi đi xem ballet hoặc hòa nhạc tại Nhà hát Lớn. Một chi tiết nữa cũng rất đáng nhớ, là ngày sinh của tôi trùng ngày sinh của Valentina Vasilievna. Điều trùng hợp này khiến bà vừa ngạc nhiên, vừa thích thú… Ngày hôm nay, tôi cảm thấy mình vừa mất một người thân”.

Không chỉ chị Hà Việt Anh, còn rất nhiều người yêu tiếng hát Tolkunova cảm nhận sự mất mát như vậy.

Một người bạn, nữ đồng nghiệp của Tolkunova, ca sĩ Ludmila Ryumina, đã nói về bà bằng những lời trân trọng nhất: “Valia là một biểu tượng của nữ tính, một biểu tượng đẹp của người phụ nữ Nga, không bao giờ vun vén cho mình, yêu người hết lòng, và được người đời đáp lại”.

Mô tả ảnh.
Tolkunova biểu diễn tại Việt Nam, 1999
Nhiều người thân của Tolkunova cũng đồng tình với Ryumina. Rằng bà là người nồng nhiệt, không biết từ chối ai bao giờ. Rằng ai cũng yêu bà. Đàn ông yêu và trọng, đàn bà thì không tị hiềm, vì họ nhìn thấy mình và những điều mình mơ ước trong con người này. Trong cả những bài ca mà Tolkunova đã từng hát nữa.

Nữ nghệ sĩ thích công việc từ thiện. Bà tham gia các chương trình nghệ thuật dành cho người tàn tật, người già, trẻ em, miễn phí hoặc cát-sê rất ít. Bà yêu trẻ con và thích trò chuyện với bọn trẻ. Chính vì thế, chính là bà chứ không ai khác biết cách hát bài hát ru ngọt mềm đến thế. Các đồng nghiệp kể lại, rằng mỗi lần đi công diễn ở xa về là Tolkunova có thêm nhiều người yêu mến. Bà thường mang kẹo cho trẻ gần nơi nghỉ hoặc làm việc, sẵn sàng kiên nhẫn ký tặng người hâm mộ…

Nhiều lần, trong các cuộc trả lời phỏng vấn, Tolkunova kể rằng bà đặc biệt thích thú khi những người hâm mộ không gọi bà trịnh trọng theo phụ danh, mà đơn giản là Valia, Valechka hay Valentina. “Sự giản dị kéo mọi người gần lại với tôi, và đưa trái tim tôi lại gần với họ”.

Hạnh phúc

Hồi còn học phổ thông, Tolkunova đã thi vào nhóm văn nghệ của Nhà văn hóa trung tâm dành cho con em nhân viên đường sắt, và 10 năm liền hát trong dàn đồng ca thiếu nhi. Năm 1964 thi đỗ vào phân khoa chỉ huy- hợp xướng của trường Đại học văn hóa quốc gia Matxcơva. Năm 1971, tốt nghiệp trường trung cấp âm nhạc mang tên Gnesiny. Valentina Tolkunova bắt đầu nổi danh qua qua bộ phim truyền hình “Ngày lại ngày”, trong đó nữ ca sĩ trẻ đã trình bày những ca khúc của Ilia Kataev.

Mô tả ảnh.
Valentina Tolkunova trước khi mất không lâu

Từ bấy giờ mở ra thời kỳ làm việc không ngừng nghỉ với các nhạc sĩ và nhà thơ sáng tác ca khúc, để lại cho đời nhiều bài hát là biểu tượng một thời của nền âm nhạc Xô Viết. Tolkunova luôn thích hát cho trẻ em. Bà đặc biệt hay nhắc đến bài hát “Những chú bé mũi hếch”, lời thơ của Angelina Bulycheva, một nữ sĩ người Ukraine. Bà cũng từng sáng tác nhạc cho trẻ em, trên nền thơ của nữ sĩ này. Những ca khúc hoàn toàn không… hiện đại. Nhưng các em thích, đó là điều quan trọng nhất.

Ở đây không thể không nhắc đến bài hát: “Hãy nói cùng con đi mẹ” đã một thời nằm ở top yêu thích của mọi nhà. Bài hát hơi buồn buồn, tha thiết, khiến những bà mẹ rơi lệ: Nói với con đi mẹ ơi/ Nói với con về một điều gì đó/ Cho đến khi bầu trời đêm thắp sao rực sáng/ Hãy tặng cho con một lần nữa tuổi thơ…

Giả sử không có tin dữ, không đọc những dòng phân ưu nghẹn ngào trên mặt báo, không ai ngờ được Valentina đã qua tuổi 60 được mấy năm. Sự trẻ trung của Tolkunova, có lẽ bắt nguồn từ cách sống nhân hậu và mở lòng với mọi người của bà. Hầu như tất cả, ai cũng nhớ về Valentina Tolkunova như một người phụ nữ có đôi mắt sáng và nụ cười mềm mại, ấm áp. Những con người như bà giờ đây thật hiếm làm sao, những người có được hạnh phúc vì đã mong mỏi hạnh phúc cho người khác. Nữ nghệ sĩ từng nói: “Cánh cửa nhà tôi luôn rộng mở với mọi người. Bất kỳ ai, khi đến với tôi, tôi nghĩ, họ đều cần một tách trà nóng, những lời tâm tình thân mật, thật lòng, và đôi khi là một lời khuyên bè bạn… “

Tolkunova, một phụ nữ “Nga thật là Nga”, nghĩa là luôn bao bọc, luôn ôm đồm. Trong gia đình, Tolkunova chăm chồng, nuông chiều o bế con, lo việc kiếm tiền, tự tay sửa nhà sửa cửa, ai nhờ gì cũng làm, không phân biệt giàu nghèo, thân sơ… Tolkunova đánh giá cao vai trò của gia đình đối với người nghệ sĩ, nhưng cũng thú nhận rằng, những chuyến đi công diễn đã giằng người nghệ sĩ ra khỏi gia đình, ngay cả những ý nghĩ cũng hướng về các buổi biểu diễn và khán giả nhiều hơn là về những người thân. Vì thế, người nghệ sĩ khó có hạnh phúc hơn những người bình thường khác.

Trong lần trả lời phỏng vấn cuối cùng tại đài truyền thanh “Ngọn hải đăng” (Mayak), Valentina Tolkunova nói rằng, mình là một người hạnh phúc bởi "nơi nào đi qua, nơi nào tôi đến, người ta cũng biết và hát những bài hát cùng tôi”. Tuy nhiên, là một phụ nữ với những nhạy cảm thường thấy về sự mong manh của hạnh phúc con người, bà vẫn nói: “Tôi cũng giống như họa sĩ Korovin, nói rằng ngày hạnh phúc nhất trong cuộc đời của mình là ngày hôm nay!”.

“Ngày hôm nay” mà Valentina Vasilievna Tolkunova nói đến, có hình bóng của người chồng 30 năm chung sống và cậu con trai 31 tuổi, và có dư âm của trên 300 ca khúc bà từng trình diễn trong cuộc đời nghệ sĩ của mình.

“Ngày hôm nay” của bà từ nay kéo dài mãi mãi. Làm sao khác được!

Theo Thụy Anh - vietnamnet

Các bài mới
Các bài đã đăng