Mới đây, nhà ngôn ngữ học Trung Quốc Phó Chấn Quốc đã đưa ra những luận chứng cho rằng chữ Hán có thể bị diệt vong sau khoảng 300 năm nữa. Chữ tượng hình ra đời là sự phát triển quan trọng của văn minh và văn hóa nhân loại trước đây. Những nơi có nền văn minh cổ phát triển như Ai Cập, Sumerian và Trung Quốc đều dùng chữ tượng hình. Tuy nhiên, chữ tượng hình của người Sumerian đã bị diệt vong vào năm 330 trước Công nguyên, còn chữ tượng hình Ai Cập thì không còn được sử dụng từ năm 400.
Từ trước đến này đã có 3 làn sóng ngôn ngữ nước ngoài “tấn công” Trung Quốc. Cao trào thứ nhất là khi người Ấn Độ và Bồ Đào Nha tới Trung Quốc truyền đạo. Cao trào thứ hai bùng nổ sau cuộc Chiến tranh nha phiến với sự xâm nhập của tiếng Anh và tiếng Nhật. Cao trào thứ ba diễn ra trong khoảng 3 thập niên gần đây, khi người Trung Quốc đã đưa nguyên xi rất nhiều từ tiếng Anh vào sách vở, văn kiện, như GDP, WTO, CEO, NBA... Ngoài ra, hiện nay người Trung Quốc có xu hướng sử dụng tiếng Anh cho các địa danh, tên công ty, thậm chí tên người... Chưa kể, trong rất nhiều báo cáo, tài liệu chính thức của nhà nước, những bài viết, quảng cáo, tuyên truyền cũng có sự pha tạp như vậy. Trong 10 năm qua, tiếng Anh đã trở nên rất “thân quen” với giới trẻ Trung Quốc.
Trước kia, việc này bị dư luận phản đối, nhất là tầng lớp trí thức, nhưng giờ đây thì họ lại đi đầu, thế nên tình trạng “Anh ngữ hóa” tăng lên, đẩy nhanh sự diệt vong của chữ Hán.
Hiện nay, nhiều người Trung Quốc cho rằng hội nhập và toàn cầu hóa là trào lưu cuốn hút tất cả các nước, vì vậy việc chữ Hán ngày càng bị mai một là điều tất yếu. Hơn nữa, cũng phải thấy rằng, sự phức tạp của chữ Hán không thể đáp ứng được yêu cầu của tiến bộ khoa học kỹ thuật, nên nó bị gạt ra ngoài hệ thống ngôn ngữ kỹ thuật là điều dĩ nhiên. Chính từ những diễn biến trên mà ông Phó Chấn Quốc đã dự đoán chữ Hán sẽ bị diệt vong sau khoảng 3 thế kỷ nữa.
Theo TT&VH
|