Theo lời kể của bà Ludmila Benghina, nhân viên khu bảo tồn bảo tàng hình ảnh Lenin ở thành phố Ulianovsk, sinh thời, Lenin không thích việc in ảnh của mình như ảnh lãnh tụ để người dân mua về treo.
Sau khi Lenin qua đời, người ta mới bắt đầu in hàng loạt ảnh chân dung, in tem, huy hiệu, những tấm kỷ niệm chương, và những thứ này bán rất chạy. Đêm rạng ngày 25-1, khi Lenin vừa nằm xuống, một tờ-báo-một-số (chỉ phát hành trong ngày hôm ấy) được ra đời, có tên “Lenin”, trong đó có nhiều hình ảnh độc đáo của vị lãnh tụ giai cấp vô sản toàn thế giới.
Độc đáo ở chỗ, trong lúc bối rối, người ta cho in nhiều hình ảnh đời thường giản dị, những khoảnh khắc bình thường, những tấm ảnh bạn bè người thân “chộp” được, vẽ được, những tấm ảnh, những bức họa không bị cắt xén, “biên tập” nghiêm khắc, thậm chí không đẹp và không… giống! Về sau, không bao giờ có chuyện như thế nữa. Mọi hình ảnh về Lenin đều được các họa sĩ chuyên nghiệp vẽ, sửa, tút lại cho đẹp đẽ, thậm chí, người ta còn cấm những họa sĩ không chuyên nhúng tay vào việc này.
Năm nay, khu bảo tàng Lenin ở Ulianovsk, quê hương của Lenin, đã tổ chức một cuộc triển lãm ảnh nhân 86 năm ngày mất và hướng tới 140 năm ngày sinh của V.I.Lenin (22/4/1870- 22/4/2010). Dân chúng một lần nữa được thấy lại những hình ảnh độc đáo nói trên.
Đặc biệt, một trong những hiện vật được chú ý nhất của triển lãm là chiếc cốc có hình vẽ Lenin do họa sĩ Brodsky thực hiện có chữ ký của “người mẫu”. Lenin nhận xét: “Trông có gì đó không giống” nhưng vẫn hạ bút ký. Người còn chua thêm một câu: “Lần đầu tiên tôi ký vào một văn bản mà tôi không đồng ý!”.
Một số hình ảnh độc đáo về Lenin tại cuộc triển lãm
|
Một bức ký họa Lenin |
|
Chiếc cốc vẽ hình Lenin, bị chính Người nhận xét là không giống
|
|
Hình ảnh kỷ niệm 86 năm ngày mất của Lenin (21/1/1924 - 21/1/2010), lãnh tụ thiên tài của giai cấp vô sản
|
- Theo Thụy Anh - vietnamnet
|