Văn nghệ thế giới
Không “kiêng” điều cấm kỵ
09:17 | 15/06/2010
Ở Saudi Arabia, điện ảnh và sân khấu bị cấm hoạt động, hầu hết các loại hình trình diễn ở nơi công cộng đều bị kiểm duyệt, tuy nhiên các nhà văn nước này đang gây được tiếng vang khi họ chẳng ngại ngần đề cập đến những điều cấm kỵ bằng những tiểu thuyết đầy táo bạo.
Không “kiêng” điều cấm kỵ
Abdo Khal, nhà văn đoạt giải Tiểu thuyết A Rập Quốc tế năm nay với cuốn She Throws Sparks

Nhiều phụ nữ muốn được “tự do” như nam giới

Mặc dù hầu hết các tác phẩm văn học vẫn bị cấm lưu hành ở các cửa hàng sách ở đất nước Hồi giáo này, nhưng người yêu sách ở Saudi Arabia vẫn có thể mua được nhiều tác phẩm văn học từ những nước A rập khác khi chúng được bày bán tự do.

Một trong những tiểu thuyết đó là She Throws Sparks của Abdo Khal. Tác phẩm văn học, đã đoạt giải Tiểu thuyết A rập Quốc tế hồi tháng 3 và được coi là giải Booker của thế giới A rập, nêu bật sự ngăn cách giàu nghèo ở một thành phố Saudi. Ban giám khảo giải gọi đây là “tiểu thuyết châm biếm đầy đau đớn. Chủ đề của tiểu thuyết đã tạo được tiếng vang ở một vương quốc, nơi sự bùng nổ về dầu lửa đã khiến những kẻ đặc quyền đặc lợi sử dụng đồng tiền vào nhiều hành động bất lương”.

“Một thế hệ mới nhà văn đang sử dụng ngôn ngữ mới, đơn giản và thẳng thắn, để xử lý những đề tài mà trước đây chưa hề được động đến, như quyền được yêu hay làm việc của phụ nữ”, nhà văn nữ A rập Saudi Badriya al-Bishr nói.

Tiểu thuyết mới nhất của Badriya al- Bishr có tựa đề The Swing, trong đó là những câu chuyện kể về ba người phụ nữ với những trải nghiệm về tự do ở châu Âu. “Họ muốn bắt chước đàn ông bằng việc bất chấp những lệnh cấm về sex và uống rượu vì càng bị kiềm chế thì quan niệm về tự do lại càng bị méo mó”, Badriya al-Bishr nói về các nhân vật trong tiểu thuyết của mình.

Điển hình trong số đó là Hind, một phụ nữ trẻ trong tiểu thuyết Hind And The Soldiers. “Đàn ông thì ngồi trên bàn ăn cả cái bánh mà chẳng hề lo nghĩ gì cả, trong khi phụ nữ thì thèm thuồng và nhìn họ với ánh mắt đầy đố kỵ”. Hind còn than thở về sự tự do của đàn ông khi “họ hành động theo ý thích: đường phố là của họ, họ lái ô tô một cách thiếu cẩn trọng, họ giải khuây ở các quán cà phê, trên bãi biển... trong khi phụ nữ chỉ biết ở nhà hoặc đi shopping”.

Thực tế còn táo bạo hơn nhiều

Giống như hầu hết các tiểu thuyết táo bạo khác, sách của Bishr bị cấm bán ở Saudi Arabia, nơi nhiều cặp đôi bị cảnh sát bắt khi đang âu yếm bên nhau, trong khi rượu và bất cứ hình ảnh khỏa thân hay sex nào đều bị nghiêm cấm sử dụng.

Nhiều nhà văn đã bị các phương tiện thông tin đại chúng chỉ trích rằng họ chú tâm khai thác những đề tài như vậy vì ham danh tiếng, song Bishr tranh cãi rằng trong thực tế “người ta còn táo bạo” hơn trong tiểu thuyết.

Chẳng hạn như cuốn tiểu thuyết The Women Of Abomination của Samar al- Megren mô tả một phụ nữ Saudi Arabia đã bị cảnh sát bắt khi cô dám gặp gỡ người yêu trong một nhà hàng.

Một số tiểu thuyết còn táo bạo hơn, như cuốn Love In Saudi Arabia của Ibrahim Badi. Cuốn tiểu thuyết này mô tả chi tiết một người đàn ông quan hệ tình dục với người tình trong khi lái xe đi khắp thủ đô hay dùng khăn che mặt của phụ nữ để có thể lẻn vào phòng của người tình.

Tạo được tiếng vang thế giới

Trước khi có sự nổi lên của một thế hệ nhà văn mới thì nhiều cây bút đã vang danh khắp thế giới. Xuất chúng nhất trong số đó là Abdelrahman Munif (1933 - 2004). Tiểu thuyết Cities Of Salt của ông mô tả việc phát hiện ra dầu lửa đã làm thay đổi cuộc sống của những người A rập du cư như thế nào. Tuy nhiên, các nhà văn mới không ngại đề cập đến những đè nén tôn giáo và xã hội ở , nơi phần lớn phụ nữ bị cấm lái xe và không được đi đâu mà không có một vệ sĩ nam giới đi cùng. Năm 2005, Rajaa Sanea đã tung ra cuốn tiểu thuyết Girls Of Riyadh kể về cuộc sống hay giữ kẽ của phụ nữ . Cuốn sách này đã có mặt tại các cửa hàng sách ở khắp thế giới A rập và năm 2007 đã được dịch sang tiếng Anh và sau đó là tiếng Pháp.

Theo nữ văn sĩ Omaima al-Khamis: “Nhiều người trẻ đang bị cuốn vào những tiểu thuyết bộc lộ những quan điểm và hoài bão của họ”.

Khal, nhà văn đoạt giải năm nay, nhấn mạnh rằng các nhà văn phải quảng bá tác phẩm của mình ra ngoài. “Chúng ta viết và xuất bản ở trong nước, nhưng chúng ta phải quảng bá sản phẩm của mình ra nước ngoài”, nhà văn 48 tuổi này nói.

Theo Việt Lâm – TT&VH





Các bài mới
Các bài đã đăng