Văn nghệ thế giới
10 cuốn sách khó đọc nhất trong lịch sử
14:54 | 15/06/2010
Nếu không thể đọc nổi, hoặc đã cố gắng đọc nhưng vẫn không hiểu nổi những tác phẩm văn học dưới đây, bạn cũng đừng băn khoăn quá. Bởi theo Hindustantimes, chúng được coi là những cuốn sách khó đọc, khó hiểu nhất của văn chương thế giới.
10 cuốn sách khó đọc nhất trong lịch sử



1. Finnegans Wake - James Joyce
Nếu vào Internet, gõ những cụm từ khóa như "khó đọc nhất", "khó hiểu nhất" vào các công cụ tìm kiếm, thì cuốn tiểu thuyết của nhà văn Ireland là một trong những tác phẩm cho ra nhiều kết quả nhất. James Joyce vốn là một tác giả uyên bác. Finnegans Wake lại là tác phẩm thể hiện tính chất hàn lâm đỉnh cao đó.

Được viết ở Paris trong suốt 17 năm, cuốn tiểu thuyết ra đời vào năm 1939 - 2 năm trước khi nhà văn qua đời. Finnegans Wake là sáng tác cuối cùng của Joyce. Ngôn ngữ cuốn tiểu thuyết thể hiện rất rõ đặc trưng riêng của nhà văn. Nó vừa kết hợp giữa ngữ nghĩa từ vựng học với những ẩn ý sâu xa được tạo nên bởi cách chơi chữ của nhà văn. Một thách thức nữa là cuốn tiểu thuyết được viết với những thể nghiệm kỹ thuật dòng ý thức. Finnegans Wake được thừa nhận một cách rộng rãi là cuốn sách bất khả tiếp cận với đại đa số độc giả.

2. The Sound and the Fury (Âm thanh và cuồng nộ) - William Faulkner
Rất nhiều độc giả khi đọc cuốn tiểu thuyết này đã cảm thấy "cuồng nộ" với những câu văn hầu như không có chấm phẩy, những trường đoạn dài như vô tận và sự diễn giải khó có thể nắm bắt của dòng ý thức.

William Faulkner (1897-1962) vốn là một trong những bậc thầy của văn học dòng ý thức. Âm thanh và cuồng nộ chính là tác phẩm tiêu biểu nhất cho văn phong cũng như thể nghiệm kỹ thuật dòng ý thức của ông. Âm thanh và cuồng nộ - đúng như cái tên của nó, lấy từ câu trong vở kịch Macbeth của Shakespeare - “Đó là một câu chuyện được kể bởi một thằng ngốc/ Đầy âm thanh và cuồng nộ, không có ý nghĩa gì cả". Cuốn sách đến nay vẫn là một thách thức, ngay cả với những người nghiên cứu văn William Faulkner.

Tuy vậy, điều kỳ lạ là cuốn tiểu thuyết xuất bản năm 1929 này lại rất thành công về mặt thương mại.

 3. Naked Lunch - William Burroughs
Naked Lunch hẳn nhiên không dễ hiểu. Nhưng cũng không có gì đáng ngạc nhiên nếu bạn biết cuốn sách này được viết khi tác giả đang chìm đắm trong heroin. Ông viết xong, cắt vụn bản thảo ra, rồi ghép chúng lại với nhau một cách tùy hứng. Cuốn tiểu thuyết thực sự khó đọc khi tác giả có thể kết thúc câu bất cứ lúc nào. Thậm chí, câu sau đã bắt đầu từ câu trước, xen vào giữa câu trước.

Xuất bản năm 1959, Naked Lunch từng được tạp chí Time bình chọn vào top 100 cuốn tiểu thuyết tiếng Anh hay nhất từ 1923 đến 2005.

4. The Waste Land (Đất hoang) - T.S. Eliot
Một trong những bài thơ quan trọng nhất của thi ca hiện đại. Nhưng The Waste Land đặc biệt khó đọc với những đặc điểm như: nhiều điểm nhìn nhân vật; sự đan xen, luân chuyển liên tục về thời gian, không gian và đặc biệt là ngôn ngữ (nhà thơ trích dẫn đến 5 thứ tiếng: Anh, Latin, Đức, Hy Lạp và Phạn); cấu trúc phức tạp, nhiều ẩn dụ và sự rời rạc đứt đoạn giữa các đoạn thơ…

Tác phẩm gồm 434 dòng thơ, được xuất bản năm 1922.

5. The Scarlet Letter (Chữ A màu đỏ) - Nathaniel Hawthorne
Cuốn tiểu thuyết xuất bản năm 1850 này là kiệt tác trong sự nghiệp sáng tác của Nathaniel Hawthorne. Lấy bối cảnh Boston, Anh thế kỷ 17, tác phẩm kể về một phụ nữ trẻ đẹp bị buộc phải mang mẫu tự "A" (viết tắt của Adultery nghĩa là ngoại tình) màu đỏ trên ngực áo suốt đời vì bị khép vào tội ngoại tình.

Khi đọc nguyên bản cuốn sách này, có thể bạn sẽ phải mang bên mình một cuốn từ điển nếu không muốn bị lạc giữa ma trận chữ của nhà văn. Nathaniel Hawthorne từng thừa nhận, ông viết thêm cả một chương The Custom House - chỉ vì cuốn sách quá ngắn, không đủ dung lượng để được in.

6. Foucault’s Pendulum (Quả lắc của Foucault) - Umberto Eco
Foucault’s Pendulum, cũng như nhiều tiểu thuyết khác của Umberto Eco, hẳn nhiên là khó đọc. Bởi chúng là tác phẩm của một nhà văn, nhà triết học, nhà ký hiệu học nổi tiếng hàn lâm của Italy. Với sách của Eco, đọc kèm với một cuốn từ điển là chưa đủ, bản thân bạn phải là người am hiểu khá sâu sắc các vấn đề về triết học.

7. The Gulag Archipelago (Quần đảo ngục tù) - Aleksandr Solzhenitsyn
Cuốn sách miêu tả điều kiện sống khổ cực tại các trại giam Liên Xô nơi ông đã bị giam giữ 8 năm. Tác phẩm được đánh giá là một cuốn sách khó xếp loại; không hẳn là tiểu thuyết, không hẳn là hồi ký cũng không phải là một tài liệu về lịch sử văn học. Mới đây, Nga đã đưa cuốn sách vào giảng dạy trong hệ thống các trường học nước này. Nhưng để làm được như vậy, những người biên soạn đã phải cắt gọn đi rất nhiều để sinh viên dễ hiểu.

8. Moby Dick - Herman Melville
Dài tận hơn 600 trang, nhưng tất nhiên, thử thách của cuốn sách này không chỉ nằm ở dung lượng. Cuốn sách được xuất bản năm 1851 và nhiều lần được bình chọn là một trong những kiệt tác kinh điển của nền văn học Mỹ.

9. Atlas Shrugged - Ayn Rand
Xuất bản năm 1957, đây là cuốn sách cuối cùng, dài nhất và cũng khó đọc nhất của Rand. Nhưng cuốn tiểu thuyết lại là một trong những tác phẩm ăn khách nhất, không chỉ ở Mỹ.

10. War and Peace (Chiến tranh và Hòa bình) - Leo Tolstoy
Một bộ tiểu thuyết trường thiên. Những người hâm mộ cuốn sách này gợi ý: hãy phân loại từng nhóm nhân vật, ghi chú thích về họ cẩn thận, mượn đĩa phim cùng tên, vừa đọc vừa xem phim… Và sau khi đọc xong, hãy tổ chức một lễ ăn mừng.

Theo Hà Linh - evan


Các bài mới
Các bài đã đăng