Nửa thế kỷ qua, Harper rất hiếm khi chia sẻ điều gì trước công chúng. Bà thậm chí cũng không viết gì thêm kể từ khi ra mắt To Kill a Mockingbird (Giết con chim nhại).
Ngày 11/7 tới là kỷ niệm 50 năm ngày xuất bản Giết con chim nhại - cuốn tiểu thuyết của Lee đã được dịch ra 50 thứ tiếng, cuốn hút hơn 40 triệu độc giả và được dựng thành bộ phim đoạt giải Oscar năm 1962. Tuy nhiên, với tính cách của Lee, không mấy ai hy vọng bà sẽ xuất hiện trước công chúng trong những hoạt động kỷ niệm sự kiện này. Tờ Mail đưa tin, nhà văn cũng đã nhận được lời mời, nhưng bà cho biết, sẽ đón mừng ngày này trong căn hộ của mình ở
Monroeville, Alabama .
Ngay cả khi Harper Lee được trao tặng Huân chương của Tổng thống George W. Bush cách đây 3 năm, bà cũng chỉ đồng ý với những điều kiện chặt chẽ như: không trả lời phỏng vấn, không diễn văn nhận giải gì cả.
Không ai biết chính xác Harper Lee đã làm gì với gia tài của mình. Bạn bè của nhà văn chia sẻ, vật chất với bà không quan trọng. Bà dùng chúng vào các hoạt động từ thiện. Nhưng bà làm việc thiện một cách âm thầm.
Phóng viên tờ Mail Sharon Churcher đến Alabama với hy vọng sẽ nhận được câu trả lời cho băn khoăn, vì sao Harper Lee, giống như một huyền thoại văn học Mỹ khác là J.D. Salinger - lại im lặng suốt cả nửa thế kỷ như vậy.
Bạn bè của Lee giới thiệu Churcher với nhà văn cùng một điều kiện: không đề cập gì đến "cuốn sách" - cách mà họ gọi "To Kill a Mockingbird". Lòng đầy hồi hộp, Churcher tới gặp Lee với hộp chocolate ngon nhất mà cô có thể tìm thấy ở
Alabama . Trong chiếc áo sơ mi đã sờn nhưng sạch sẽ, nhà văn nói: "Cảm ơn cô. Cô thật tốt quá".
Rất nhiều người đã tìm cách lý giải cho sự im lặng của Harper Lee. Có ý kiến cho rằng, nhà văn biết rõ, bà chỉ có thể tạo ra được một kiệt tác xuất sắc trong đời. Những tác phẩm tiếp theo, nếu ra mắt, cũng chỉ khiến độc giả thất vọng.
Nhưng theo một số nguồn tin thân cận, những người biết rõ thời thơ ấu của Lee, thì Giết con chim nhại ẩn chứa những ký ức buồn của nhà văn, mà bà không bao giờ muốn nhắc lại.
"Tôi không phải là nhà tâm lý học, nhưng đúng là hình ảnh của Nelle thể hiện rất rõ trong cuốn sách này", George Thomas Jones, một doanh nhân 87 tuổi đã nghỉ hưu, cho biết. Nelle là tên thuở thiếu thời của nhà văn. Còn Jones thì biết rõ gia đình Harper Lee từ khi bà còn là cô bé Nelle nhỏ nhắn.
|
Gregory Peck trong vai Atticus trong phim "Giết con chim nhại". Ảnh tư liệu
|
Ông Jones cho biết, cha của Harper là ông Amasa Coleman Lee - một cựu biên tập viên, luật sư - người được coi là nguyên mẫu cho nhân vật Atticus Finch trong Giết con chim nhại. Trong ký ức của Jones, đó là "người đàn ông nhã nhặn, luôn nghe nhiều hơn nói".
'Tôi thường gặp ông ở sân golf. Ông ăn mặc rất chỉn chu. Lúc nào cũng comple 3 lớp, áo sơ mi, thắt cà vạt và đi giầy để chơi golf, kể cả trong mùa hè", Jones nói.
Cũng như Atticus, Coleman Lee từng bào chữa cho hai người đàn ông da đen bị buộc tội giết người vào năm 1919. Sau khi họ bị treo cổ, ông không bao giờ hành nghề luật sư nữa.
Trong khi đó, mẹ dường như lại là nỗi ám ảnh lớn đối với Harper. Bị chứng trầm cảm và luôn ở trong tâm trạng nóng nảy, bà Frances Lee từng 2 lần cố dìm chết con gái trong bồn tắm. Hậu quả là, cô bé Harper thời trẻ rất cục cằn và sẵn sàng đánh trả bất cứ bạn bè nào dám gây sự với cô.
"Mỗi khi qua nhà Harper, bạn sẽ thấy bà Lee ngồi trên một cái xích đu, với gương mặt lạnh như đá, vô cảm, như có bóng dáng của thần chết", ông Jones kể.
"Nelle luôn phải sống trong trạng thái tự vệ. Cuốn sách không làm cho mọi việc tốt đẹp hơn. Nó khiến mọi người nhận ra là Nelle đã viết dựa trên cuộc sống của chính mình. Bà vợ quá cố của tôi là bạn chơi golf của Nelle. Nhưng bà ấy chẳng bao giờ hỏi Nelle về chuyện đó. Đó không phải là thứ nhà văn dễ dàng chia sẻ. Nelle sống ẩn dật, nhưng tôi không nghĩ bà ấy cô đơn trong cuộc sống đó", Jones nói.
|
Lee thường để tóc như đàn ông khiến nhiều người nghi ngờ bà đồng tính. Ảnh: Chris Bott
|
Trong khi đó, chị gái của nhà văn, Alice, 98 tuổi, vẫn đang làm tư vấn luật cho một ngân hàng ở Monroeville, cho biết: "Mẹ chúng tôi đúng là luôn có tâm trạng bất ổn. Nhưng không sao cả. Không có gì là bất thường trong cuộc sống của chúng tôi hết".
Alice rất gần gũi với Harper. Bà vẫn thường giúp em gái quản lý các vấn đề tài chính. Khi được hỏi, liệu Harper có ân hận vì đã viết ra cuốn sách đó không,
Alice đáp: "Tôi nghĩ là Harper không có gì phải ân hận cả".
Cô gái trẻ Harper từng mơ ước trở thành luật sư giống như cha và chị gái mình. Nhưng con đường đó của bà bị đứt đoạn vì tình bạn thân thiết với nhà văn Truman Capote - tác giả của những cuốn tiểu thuyết như Breakfast At Tiffany và In Cold Blood. Capote cũng được coi là nguyên mẫu của Dill, bạn của nhân vật Scout trong Con chim nhại.
Lúc bấy giờ, Capote đã viết truyện ngắn. "Tôi thuyết phục Harper rằng bà ấy hoàn toàn có thể viết truyện. Bà ấy không thích đâu nhưng tôi vẫn cứ thúc ép", Capote từng chia sẻ.
Viết với Harper không phải là chuyện dễ dàng. Thỉnh thoảng, nhà văn ngồi đờ đẫn hàng tiếng đồng hồ trước một trang giấy. Nhưng đó mới chính là cuộc sống của bà.
Harper Lee luôn để tóc như đàn ông và rất ghét trang điểm. Điều đó làm dấy lên nghi ngờ rằng, nhà văn bị đồng tính. Nhưng Charles Shields, người viết tiểu sử của nhà văn, cho biết: nhà văn từng yêu đơn phương một người đàn ông đã có vợ. Đó chính là Maurice Crain - đại diện văn học của bà. "Lee chạm đến trái tim của hàng triệu người, nhưng tôi nghĩ, bà chắc không hiểu hết trái tim mình", Shields nói.
Ở
Monroeville , sau khi trở nên nổi tiếng, cuốn sách từng vấp phải rất nhiều lời chỉ trích. "Mọi người nhận ra 'người quen' trong cuốn sách. Lee nhận được những bức e-mai đầy thù ghét. Ngay cả một người chị khác của Lee là Louise cũng có ác cảm với tác phẩm này", Shields cho biết.
Một người bạn của Harper cho biết thêm: "Nelle không phải là kẻ nghiện ngập nhưng bà rất thích uống rượu". Cuối cùng, khi sức khỏe sụt giảm, bà mới bỏ hẳn rượu.
Theo Hà Linh - evan
|