Giáo sư nhân chủng học Stephen James Oppenheimer, thuộc Trường Đại học tổng hợp Oxford danh tiếng cho biết những phát hiện mới đây của nhóm nghiên cứu thuộc trường Đại học Khoa học Malaysia (USM) là vô cùng quan trọng không chỉ đối với nước này mà còn đối với cả toàn khu vực Đông Nam Á. Dựa trên những phát hiện này, lịch sử của khu vực Đông Nam Á có thể phải được viết lại bởi suốt 2.000 năm qua, người ta vẫn cho rằng Indonesia nổi trội với các nền văn minh Sri Vijaya và Majapahit của họ. Tuy nhiên, giờ đây lịch sử đã thay đổi. Những phát hiện mới của USM về làng nghề sắt ở Thung lũng Bujang, cho là được xây dựng trong kỷ nguyên của Kedah Tua, có tầm quan trọng quốc gia và nó chứng tỏ nền văn minh Malaysia ở Thung lũng Bunjang có sớm hơn người ta nghĩ. Đây không chỉ là bằng chứng cho thấy cư dân thuở sơ khai của Malaysia tiến bộ về mặt kinh tế và đã khai phá nghề sắt thép mà nó còn chứng tỏ nền văn minh Thung lũng Bujang bao gồm một vùng rộng lớn hơn, tới cả trên 1.000km2, lớn gấp ba lần đảo Penang chứ không phải chỉ 400km2 như người ta nghĩ trước đây. Những phát hiện này còn là bằng chứng cho thấy người Mã Lai sớm xây dựng được những công trình đồ sộ và sớm biết khai thác quặng sắt và luyện kim một cách có hệ thống. Việc khai quật khu vực này sẽ mang đến những phát hiện quan trọng trong tương lại, bởi hiện nay các nhà khảo cổ mới chỉ khai quật được 10%. Những phát hiện tại Thung lũng Bujang, đặc biệt là những công trình thời tiền sử được tìm thấy mới đây đã thu hút sự chú ý của nhiều nhà khoa học. Giám đốc nghiên cứu nhân chủng học thế giới của USM Tiến sỹ Mokhtar Saidin cho biết ông sẽ công bố những phát hiện này trên một tạp chí quốc tế trong vòng ba tháng tới để cộng đồng quốc tế biết tới và công nhận những phát hiện mới đó ở Thung lũng Bunjang./. Theo Thanh Thủy/Kuala Lumpur (Vietnam+) |