Người dân Tây Tạng cũng đã quen với việc tiếp đón những vị khách đủ mọi màu da, lứa tuổi. Sự thay đổi trong cách nghĩ của người dân về làm du lịch đã khiến cho vùng đất này đang trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn nhất trên thế giới. Cuộc sống của người dân Tây Tạng êm đềm trong niềm tin vô hạn với đạo Phật. Dù quanh năm sống trong thời tiết khắc nhiệt, những người dân Tây Tạng vẫn sống cuộc sống vui tươi, khoáng đạt. Người dân đến cung điện Potala - thánh địa của Phật giáo hàng ngày để củng cố đức tin. Những năm trở lại đây, Tây Tạng có nhiều hơn những liên kết với thế giới bên ngoài. Khách du lịch đổ về đây hàng ngày, khám phá những lễ hội còn nguyên sơ từ thời cổ đại. Những chính sách phát triển du lịch tại đây chủ yếu tập trung vào du lịch cộng đồng - đưa du khách hòa mình vào cuộc sống du mục trên cao nguyên.
Ông Rensing Tsering - Người dân Tây Tạng, Trung Quốc cho biết: “Du khách đến và ở cùng chúng tôi. Họ muốn chúng tôi kể những câu chuyện về Tây Tạng, tôi cảm nhận rằng họ rất có ý thức trong việc bảo vệ môi trường ở đây”.
Không khí Tây Tạng đã làm mềm lòng du khách. Việc khai thác các yếu tố văn hóa Tây Tạng để thúc đẩy du lịch cũng được gắn chặt với nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ sự linh thiêng của vùng đất này. Ông Zheng Yongzi - Giám đốc Trung tâm bảo vệ môi trường Tây Tạng, Trung Quốc cho biết: “Chúng tôi muốn giữ Tây Tạng trong sạch, dù số lượng du khách ngày càng lớn, nhưng họ luôn được nhắc nhở giữ gìn cảnh quan sạch sẽ trước khi vào ở một nhà người dân nào đó”. 4 USD cho một đêm nghỉ tại nhà người dân, số tiền này đã khiến cho đời sống nhiều gia đình tại Tây Tạng khá hơn. Họ vẫn tiếp tục với việc trồng lúa mạch và lúa mì, chăm sóc đàn bò, nhưng thêm vào đó là chuẩn bị những bữa ăn cho du khách. Theo họ, điều này không thể làm tổn hại văn hóa của địa phương. Đến với miền đất Phật giáo này du khách khó quên được nụ cười ân cần niềm nở của những tộc người Tây Tạng. Theo Bích Vân - vtv.vn |