Văn nghệ thế giới
Văn học thiếu nhi Đức chinh phục thế giới
14:21 | 26/07/2010
Những trang viết dành cho thiếu nhi của các tác giả Đức như Cornelia Funke và Michael Ende đang thống trị danh sách best-seller nhiều quốc gia trên thế giới, thu hút độc giả trẻ từ Mỹ cho tới Trung Quốc, Hàn Quốc.
Văn học thiếu nhi Đức chinh phục thế giới
Sách Đức ngày một thu hút độc giả trẻ. Ảnh: DW.

Chậm nhưng chắc, văn học dành cho giới trẻ Đức bắt đầu thực hiện công cuộc chiếm lĩnh thị trường sách quốc tế từ những năm 1960. Regina Pantos, chủ tịch Hội văn học Thiếu nhi Đức cho rằng, phong trào biểu tình, đấu tranh của sinh viên nước này vào thập kỷ 60 của thế kỷ trước không chỉ đem đến những thay đổi lớn về mặt xã hội, mà còn tạo ra sự khác biệt trong cách sáng tác và thưởng thức văn học thiếu nhi. "Tôi cho rằng, bất cứ quốc gia nào cũng sẽ thay đổi rất nhiều khi người dân bắt đầu có ý thức tôn trọng thế hệ trẻ, quan tâm đến trẻ em hơn trong các chính sách của mình", bà nói.

Theo DW, gần đây, nhiều đầu sách thiếu nhi của Đức bán rất chạy, như cuốn Zahlenteufel của Hans Magnus Enzensberger - tác phẩm được mệnh danh là "sách gối đầu giường cho những ai sợ môn toán".

NXB Hanser hy vọng, Zahlenteufel sẽ tiêu thụ được hàng trăm nghìn bản ở châu Á. "Cửa vào châu Á của chúng tôi rất rộng. Ví dụ, ở Hàn Quốc, chúng tôi có mối quan hệ với một số nhà xuất bản hoạt động rất hiệu quả trong việc mua bản quyền và ấn hành các tác phẩm văn học Đức", Friedbert Stohner- đại diện NXB Hanser cho biết.

Tại Nhật, Zahlenteufel cũng tiêu thụ rất tốt. Cuốn sách hấp dẫn nhờ bổ sung cho các em những kiến thức hữu ích cho việc học tập ở trường, đồng thời giúp độc giả nhí tìm thấy niềm vui trong việc học môn toán.

Văn học thiếu nhi Đức một thời được đánh giá là những tác phẩm "định hướng nhận thức". Đó là những sáng tác của nhóm nhà văn nay đều đã già cả như Gudrun Pausewang. Cùng với các đồng nghiệp như Peter Haertling và Christine Noestlinger, Pausewang thuộc về thế hệ nhà văn tiên phong, đặt nền móng cho một nền văn học thiếu nhi mới của Đức.
Tiếp sau họ là lớp nhà văn nay đã trên 60 tuổi, như Klaus Kordon, Paul Maar và Kirsten Boie. Pantos thừa nhận: "Như nhiều nước khác, chúng tôi cũng gặp một số khó khăn khi tạo dựng lớp tác giả trẻ viết sách cho thiếu nhi".

Một cảnh trong phim Inkheart chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Cornelia Funke. Ảnh: DW


Tuy nhiên, ở Đức, thế hệ nhà văn thiếu nhi trẻ như Zoran Drvenkar, Anja Tuckermann và Andreas Steinhoefel cũng bắt đầu đạt được những thành công nhất định. Tác phẩm của họ đã được dịch ra nhiều thứ tiếng. Đặc biệt, Steinhoefel đã là cây bút nổi tiếng thế giới với cuốn Rico, Oskar and the Deeper Shadows.

Ở quy mô lớn hơn, nhà văn Cornelia Funke gần như được coi là một "Rowling của Đức". Bộ truyện dành cho mọi lứa tuổi - Inkworld - của bà được cả trẻ em lẫn người lớn khắp nơi ưa thích.

Inkworld đã được dịch ra 37 thứ tiếng. Tập đầu của bộ truyện - Inkheart - từng đứng đầu danh sách best-seller tại Mỹ - một thị trường luôn được đánh giá là khắt khe với các đầu sách dịch đến từ nước ngoài. Cuốn sách này cũng đã được dịch ra tiếng Việt với tên gọi Tim mực. Tác phẩm kể về chuyến phiêu lưu thần kỳ của người thợ đóng sách Mortimer “Mo” Folchart và cô con gái tuổi teen Meggie, vốn là những người rất mê đọc sách. Điều kỳ diệu là cả hai cha con đều có khả năng mang các nhân vật ra khỏi các quyển sách bằng cách đọc to tên họ lên.

Năm 2007, tác phẩm đã được Hollywood mua tác quyền Inkheart để chuyển thể thành phim.

Bên cạnh các nhà văn, Đức cũng là quê hương của nhiều họa sĩ minh họa truyện thiếu nhi tài danh như Rotraut Susanne Berner và Wolf Erlbruch. Họ nổi tiếng đến độ đã được mời minh họa sách cho nhiều tác phẩm của Hà Lan và Nauy.

Theo Hà Linh - evan




 

Các bài mới
Các bài đã đăng