Văn nghệ thế giới
Nhà phê bình chê các 'ông lớn' của văn đàn Anh
09:19 | 30/07/2010
Gabriel Josipovici, cựu giáo sư văn học so sánh tại Đại học Oxford, cho rằng, Salman Rushdie, Ian McEwan và Julian Barnes chỉ là những cây bút kém tài, ngạo mạn, dễ thỏa mãn và không đáng được coi là nhà văn lớn của nền văn học Anh.
Nhà phê bình chê các 'ông lớn' của văn đàn Anh
Salman Rushdie là một trong những nhà văn bị chỉ trích. Ảnh: Guardian
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với Guardian, Gabriel Josipovici đã công khai chỉ trích sự trống rỗng của những tác phẩm xưa nay vẫn được coi là kiệt tác của nền văn học đương đại Anh. Theo ông, sáng tác của họ chỉ giống như sự thể hiện của "các cậu bé trung học" và thật khó để phân biệt được văn của người này với người kia ở cả tầm vóc và hoài bão.

Còn về việc những nhà văn này thường giành được nhiều giải thưởng văn học danh giá, Josipovici coi đó là "bí ẩn khó hiểu".

"Nền văn học chúng ta đang ở vào thời kỳ bị bỏ hoang", Josipovici nói. Bởi theo ông, văn học đương đại Anh hiện "rất đáng thất vọng".

"Đọc Julian Barnes cũng như nhiều nhà văn Anh cùng thời khác như Martin Amis, McEwan khiến tôi có cảm giác, cả thế giới lẫn bản thân mình đều hẹp lại và nhỏ đi. Sự hài hước mà ban đầu khiến người ta cười, những câu chữ ban đầu tưởng như được dùng để đáp ứng sự kỳ vọng của độc giả... rút cục chỉ là thái độ co mình lại, ngại ngần thể hiện bản thân với thế giới", nhà phê bình nói.

Theo ông, những điều đó rất ít biểu hiện trong sáng tác của tác giả Mỹ cũng như các nhà văn châu Âu khác. Josipovici còn cho rằng, Tristram Shandy - cuốn tiểu thuyết xuất bản từ thế kỷ 18 của nhà văn Laurence Sterne - thậm chí còn hiện đại hơn cả những tác phẩm tự xưng là tân tiến, hiện đại ngày nay.

"Những nhà văn như Salman Rushdie đã bắt chước rất nhiều kỹ thuật của Sterne mà không hiểu hết chiều sâu của ngòi bút này. Điều đó khiến bạn có cảm giác Rushdie chỉ giỏi thể hiện, khoe mẽ bản thân hơn là có những khám phá thiên tài thực sự", Josipovici nói.

Nhà phê bình nhận định, trong khi những tác phẩm văn học lớn phải đặt ra những vấn đề phức tạp, vượt qua cả khả năng thấu nhận của cả nhân vật và độc giả thì nhiều tiểu thuyết của Anh hiện nay vẫn chỉ quanh quẩn với những cốt truyện truyền thống và kết cục chỉn chu.

Khi được hỏi về những nhà văn từng qua các khóa đào tạo viết văn tại Đại học East Anglia nổi tiếng như McEwan, Josipovici nói: "Họ cứ kể những câu chuyện đã được gọt giũa một cách khéo léo. Nhưng sự lành nghề đó với tôi lại rất trống rỗng".

Ông lấy ví dụ, The Comfort of Strangers của McEwan là cuốn sách rất dễ đọc nhưng thiếu chiều sâu, khiến người đọc không có được những trải nghiệm như khi tiếp xúc với các tác phẩm của Marcel Proust hay Henry James. Sáng tác của McEwan, theo Josipovici, chỉ là những ấn phẩm đọc để "giết thời gian".

Josipovici cho biết, những quan điểm này sẽ được ông trình bày lại trong cuốn sách sắp ra mắt mang tên What Ever Happened to Modernism? (Điều gì đã xảy ra với chủ nghĩa hiện đại?). Ông hy vọng cách đặt vấn đề của mình sẽ tạo ra cuộc tranh luận rộng rãi về hiện trạng nền văn học Anh đương thời.

Phần lớn các tác giả bị Josipovici chỉ trích là những nhà văn được Random House xuất bản. Đại diện của Random cho biết: "Chúng tôi tất nhiên không đồng ý với những nhận định này. Tôi cũng không nghĩ các nhà văn muốn tranh cãi với ông ta làm gì".

Theo Hà Linh - evan




Các bài mới
Các bài đã đăng
Gaya mùa nắng (29/07/2010)