1. “Một nguồn ánh sáng đã hiện lên trong tôi” - Lev Tolstoi đã viết như vậy bằng tiếng Đức trong cuốn nhật ký của mình khi nói đến cuộc gặp gỡ với nhà văn Đức gốc Do Thái Berthold Auerbach ở Berlin năm 1861. Việc nhà văn tự giãi bày bằng một ngôn ngữ nước ngoài không phải là điều hiếm bởi rất nhiều văn bản viết tay của ông được viết bằng tiếng Đức. Nhiều bản sao các ghi chép trong những chuyến đi của Tolstoi từ năm 1857 đến năm 1861, nhiều trích đoạn từ những quan hệ thư từ với khoảng 2.000 độc giả người Đức và nhiều cuốn nhật ký của ông cùng nhiều tài liệu lịch sử có giá trị khác hiện đang được trưng bày tại Literaturhaus ở Munich (Đức). Qua cuộc triển lãm này, công chúng hiểu được huyền thoại văn học Nga thân thiết với nước Đức như thế nào. “Tolstoi yêu nước Đức. Ông yêu âm nhạc Đức, Beethoven, Bach, các triết gia và nhà văn Đức” - Svetlana Novikova thuộc Bảo tàng Tolstoi ở Moskva (Nga), giải thích. Các cuốn nhật ký của nhà văn là bằng chứng cho thấy rõ mối quan tâm của Tolstoi tới tiếng Đức. “Trong nhật ký có nhiều bày tỏ bằng tiếng Đức và điều đáng nói là 20-30 năm sau chúng đã trở nên rất quan trọng với một số tác phẩm của ông” - Johanna Doering Smirnov, nhà tổ chức triển lãm cho biết. Tolstoi có người thầy Đức là Friedrich Roessl và nhờ vậy mà ông hoàn thiện được tiếng Đức của mình. “Ông là một người lính bị ruồng bỏ và là một thợ chữa giày - một người khá đơn giản, nhưng rõ ràng có một số đặc điểm mà Tolstoi ảnh hưởng được từ ông: lòng thương và sự cảm thông”, Doering- Smirnov nói về người thầy Đức Roessl. Trong khi đó, Giáo sư Mayer là người góp phần phát triển ý thức mạnh mẽ về sự công bằng nơi chàng Tolstoi trẻ khi nhà văn theo học Luật và các ngôn ngữ phương Đông tại Trường Đại học Kazan. Giáo sư Meyer đã giao cho chàng sinh viên Tolstoi 17 tuổi so sánh Nữ hoàng Nga Catherine Đại đế với nhà triết học khai sáng Pháp Montesquieu. Sau này Tolstoi đã nổi tiếng với giả thuyết chia cắt quyền lực trong chính phủ, ngăn cấm việc người này có quyền hơn người kia. “Điều này đã tác động Tolstoi nhiều tới mức ông đã trở thành một người chỉ trích các Sa hoàng. Nhưng quan trọng nhất, nhờ có giáo sư Meyer mà ông hiểu được về trách nhiệm xã hội, song với ông quan trọng là triết lý đó phải áp dụng được với thực tiễn chứ không chỉ là triết lý suông” - Doering Smirnov nói.
2. Sau khi bỏ học, Tolstoi trở về với đại gia đình ở Yasnaya Polyana, miền Trung nước Nga và cố gắng đưa vào thực tế những ý tưởng mới về sự cai trị có lương tâm xã hội. Nhà văn đặc biệt quan tâm tới việc giáo dục nông dân. Trong những chuyến tới Đức sau này, ông đã phàn nàn về kỷ luật hà khắc và sự học vẹt mà ông quan sát thấy trong các trường học Đức. Năm 1862, mối liên kết với nước Đức của Tolstoi còn mạnh mẽ hơn khi ông kết hôn với nữ bá tước Nga gốc Đức Sophia Andreyevna Behrs, người trẻ hơn ông 16 tuổi. Họ có với nhau 13 người con, 5 người trong số đó chết trước khi trưởng thành. 15 năm đầu của cuộc hôn nhân, ông đã sống trong hạnh phúc, thỏa mãn và tin tưởng nhưng sau đó đã tan vỡ khi lòng tin của Tolstoi trở nên cực đoan hơn và ông đã chọn cách từ bỏ cuộc sống giàu sang để vui hưởng cuộc sống của một tá điền. Sau khi giành được sự công nhận và nổi tiếng trên toàn thế giới với hai tiểu thuyết Chiến tranh và hòa bình và Anna Karenina, Tolstoi quay sang những luận thuyết tôn giáo và cuối cùng, bị nhà thờ Chính thống giáo Nga rút phép thông công. Ở tuổi 82, Tolstoi không chịu nổi sự xung đột ở nhà nên đã ra đi mặc dù sức khỏe yếu. Ông qua đời vài ngày sau đó, vào ngày 20/11/1910 tại một nhà ga xe lửa không xa ngôi nhà của mình. Theo di chúc của nhà văn, ông được chôn tại một nghĩa trang không bị để ý tại thành phố chôn nhau cắt rốn của mình, Yasnaya Polyana. “Những gì mà chúng ta học được từ nhà văn là: tự do không phải là thứ được xác định bằng những tình huống bên ngoài, mà là sự phát triển tinh thần” - ông Vitaly Remizov, Giám đốc Bảo tàng Tolstoi ở Moskva, khẳng định. Theo Việt Lâm - TT&VH |