Đường Sơn đại địa chấn (Aftershock) là tác phẩm điện ảnh gây sự chú ý gần đây tại Việt Nam cũng như nhiều quốc gia châu Á vì tái hiện quá chân thật trận động đất 7,8 độ richter tại thành phố Đường Sơn năm 1976. Để có được các thước phim giàu cảm xúc, đạo diễn Phùng Tiểu Cương và đoàn làm phim đã phải trải qua biết bao đắng cay và cả những giọt nước mắt. Cảnh quay lớn nhất trong phim phải huy động tới 2.000 diễn viên quần chúng. Họ đều là những người đang sinh sống tại thành phố Đường Sơn và hầu hết đều có người thân gặp nạn trong trận động đất định mệnh ngày nào.
Đáng nói nhất là tinh thần của đông đảo diễn viên quần chúng này. Mặc dù bộ phim gợi lại quá khứ đau thương, họ vẫn ngày ngày tới trường quay để ủng hộ cho cả êkíp. Dự tính vào tháng 7 nhưng đến tháng 10, những cảnh này mới được quay. Đó là thời gian tiết trời rất lạnh, nhiều mưa. Trong khi bối cảnh phim lại diễn ra là mùa hè nóng nực. Vậy nên từ diễn viên chính đến quần chúng đều phải mặc quần áo ngắn, cho thấy họ đang phải chống chọi với cái nóng, cái oi bức.
Và trong suốt 30 ngày ở trường quay, mọi diễn viên quần chúng chỉ dùng chung một cái nhà tắm do đoàn phim dựng lên.
Nhà sản xuất Hồ Hiểu Phong bồi hồi kể lại: "Tôi thực sự xúc động khi quay cảnh người sống sót đốt vàng mã cho người đã chết. Mỗi năm một lần, gia đình nào ở Đường Sơn cũng làm lễ và đốt vàng mã cho người thân của họ. Hôm đó, khi đạo diễn hô 'cắt', không ai dừng lại và tất cả vẫn tiếp tục khấn vái. Chúng tôi im lặng và cùng bày tỏ nỗi tiếc thương, hoàn toàn không có khái niệm nghỉ giải lao ăn tối".
Một trong những thử thách lớn nhất với đoàn làm phim là xây dựng lại trận động đất một cách chân thực và sâu sắc nhất. Nhiều thiết bị đã được đặt trên một mặt phẳng mô phỏng lại sự rung chuyển của mặt đất trong cơn địa chấn.
Nhà sản xuất Trần Phú Quốc tiết lộ: "Việc làm rung máy quay khi diễn viên chuyển động dễ làm mất đi sự đồng bộ. Chúng tôi đã thử ghép những đoạn phim ngắn trong quá trình dựng để xem mức độ cảm giác về sự chuyển động dữ dội. Tuy nhiên, nó không 'thật' chút nào".
Để có được cảm giác chân thực nhất có thể, nhóm thiết kế - sản xuất đã quyết định nhập những mặt phẳng chuyên dụng của Hàn Quốc để xây dựng trên đó những ngôi nhà bằng vật liệu nhẹ. Chuyển động rung được thực hiện bằng một hệ thống chạy dầu điều khiển bằng điện đặt dưới các mặt phẳng. Bên cạnh đó, các diễn viên đều được trát bột đậu để tạo hiệu ứng của lớp cát bụi.
Do các cảnh quay tái hiện bộ mặt của đất nước Trung Quốc những năm 1970, nên đạo diễn Phùng Tiểu Cương đã phải mở một cuộc họp báo, kêu gọi quần chúng đóng góp tất cả những gì có thể, dù nhỏ bé đến mấy nhưng chỉ cần là đồ vật thuộc về thời kỳ đó.
"Chúng tôi đã nhận được hàng trăm chiếc xe đạp mà dẫu có bỏ bao nhiêu công sức cũng không thể kiếm được. Ngoài ra còn có hộp bút chì, hộp đựng ăn trưa, máy khâu của thời đó. Đạo cụ quyên góp chất đầy hai nhà kho và ở cuối phim chúng tôi đã gửi lời cảm ơn tới từng người đã đóng góp", nhà sản xuất Hồ Hiểu Phong cho biết.
Với hàng trăm nghìn viên gạch ngói được xếp thành hình mái nhà phục vụ cảnh quay sụp đổ khi động đất, cả êkíp đã thành công trong việc tạo cảm giác chân thật từ mọi góc nhìn cho người xem.
Không chỉ thực hiện kỹ xảo cho những cảnh quay động đất tại Đường Sơn, đội hiệu ứng đặc biệt còn kiêm luôn nhiệm vụ hóa trang cho các diễn viên.
Nam diễn viên Trương Quốc Cường - người thủ vai ông bố của hai đứa trẻ sinh đôi trong phim - cho biết: "Khán giả sẽ phải ngạc nhiên với những vết thương mà đội hóa trang tạo ra. Họ dùng một số thứ tương tự như keo dán thủy tinh (không bán tại Trung Quốc) và thoa lên da chúng tôi. Sau đó, họ dùng màu sắc để biến các vết thương trở nên 'thật' một cách kinh ngạc".
Trong khi đó, việc hóa trang thể hiện sự thay đổi về tuổi tác đối với các diễn viên là quá trình tốn nhiều thời gian. Nữ diễn viên Từ Phàm - người vào vai bà mẹ đã sống qua nhiều thập kỷ, phải mất tới 7 tiếng hoặc hơn cho việc hóa trang.
Còn Lý Thần - người thủ vai người con trai tên Phương Đạt lúc lớn - chia sẻ: "Họ sử dụng một loại bình xịt cầm tay, nhỏ hơn bình xịt thường 10 lần để hóa trang gương mặt diễn viên. Có hơn 100 loại màu khác nhau để xịt lên các phần nhỏ nhất của khuôn mặt, tạo nên hiệu ứng đặc biệt. Các lớp màu xịt này mỏng và mịn đến mức không thể nhận ra, ngay cả khi bạn xem một cảnh quay cận trên màn hình khổng lồ IMAX".
Đường Sơn đại địa chấn được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết Aftershock của nhà văn Trương Linh. Phim đã thu về 400 triệu NDT (tương đương 58,6 triệu USD) trong tuần đầu tiên phát hành và lập kỷ lục về doanh thu của điện ảnh Hoa ngữ. Nhưng trên hết, bộ phim đã lay động được cảm xúc của người xem khi tái hiện lại trận động đất kinh hoàng đã cướp đi sinh mạng của hơn 200.000 người dân thành phố Đường Sơn vào mùa hè năm 1976.
Đường Sơn đại địa chấn được chọn là đại diện của điện ảnh Trung Quốc tranh giải Phim nước ngoài hay nhất tại lễ trao giải Oscar lần thứ 83 diễn ra vào ngày 27/2 năm sau.
Theo VnExpress
|